Hà Nội: Gầm cầu vẫn thành chợ buôn bán

Thứ Năm, 10/10/2013, 14:17
Hà Nội đã yêu cầu dừng trông giữ xe dưới gầm cầu, trong đó không loại trừ gầm cầu đường dẫn trên cao vành đai 3. Thế nhưng, đến nay, lệnh cấm đã được ban hành đến vài tháng, song tại khu vực cầu Dậu, các ô gầm cầu vẫn được ngăn lại để trông xe, thậm chí thành nơi buôn bán đồ gốm sứ…

Có mặt tại khu vực gầm cầu tuyến đường vành đai 3 tại ngã ba đoạn qua cầu Dậu (điểm Nguyễn Xiển - Nguyễn Hữu Thọ), người dân dễ nhận thấy một cái chợ cóc buôn bán đồ gốm sứ. Ở một khoang kế bên, gầm cầu còn được tận dụng làm điểm trông giữ ôtô, tập kết xe ba bánh. Điều đáng nói, việc mua bán diễn ra ngay bên vệ đường. Xe cộ và người nhốn nháo, gây cản trở giao thông rất lớn.

Bãi trông giữ xe này hoạt động từ khoảng giữa năm 2013, do Công ty cổ phần Thương binh Minh Chính quản lý (nay treo biển là Công ty cổ phần Thương binh Hà Nội). Họ đã tự làm hàng rào sắt B40, trải đá cấp phối và san nền để làm điểm trông giữ ôtô, xe máy ngày và đêm. Nhân viên bảo vệ có lán, ăn ở tại chỗ. Không chỉ quản lý, trông giữ lượng xe khách hàng đã gửi từ trước, hiện nay đơn vị này vẫn không ngừng tiếp nhận phương tiện vào gửi. Xe ra vào liên tục tại đầu bãi gửi gây ảnh hưởng không nhỏ đến các phương tiện khác lưu thông qua nút giao này.

Nhìn cảnh tượng trên, người dân không khỏi đặt câu hỏi, cơ quan chức năng đang “đánh trống bỏ dùi”, cấm rồi mà không dẹp, là sao? Giải đáp một phần khúc mắc này, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho biết, quan điểm của Bộ là kiên quyết giải tỏa việc các phương tiện vẫn vi phạm đỗ xe gầm cầu hoặc sử dụng gầm cầu với mục đích kinh doanh. Theo ông Huyện, hiện nay, tại gầm cầu Dậu ở đường vành đai 3 trên cao, Vĩnh Tuy, các điểm trông giữ vẫn đang được sử dụng, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Cụ thể, ở nút giao dưới chân cầu Dậu, vẫn được bày bán sành sứ và điểm tập kết của các xe thương binh. Hơn nữa, Ban quản lý Dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án đường vành đai 3 trên cao) vẫn chưa bàn giao cho TP Hà Nội để trồng cỏ dưới gầm cầu. Vì thế, giữa các đơn vị liên quan này cần phối hợp xử lý để trả lại hành lang gầm cầu, đảm bảo mỹ quan của đô thị.

Gốm sứ bày bán dưới gầm cầu vành đai 3.

“Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã kiến nghị lên thành phố cần có biện pháp cưỡng chế nhằm trả lại mặt bằng cho các gầm cầu, đảm bảo an toàn giao thông”, vị Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho hay. 

Đề cập đến việc một số đoạn gầm cầu vẫn chưa được tiến hành trồng cỏ và người dân sống gần khu vực đó sẽ bị “hô biến” thành bãi kinh doanh, ông Huyện khẳng định, nhiều đoạn gầm cầu nếu không trồng cỏ sẽ làm hàng rào sắt bảo vệ để chống lấn chiếm kinh doanh trái phép. Theo ông Huyện, tại các gầm cầu Long Biên, Thăng Long, tình trạng tái chiếm gầm cầu là do lịch sử lâu đời của tuyến đường sắt để lại nên việc giải quyết hết sức khó khăn. Tuy nhiên, Hà Nội cũng phải phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) tiến hành giải tỏa để trả lại mỹ quan cho thành phố.

Điều 10 Thông tư 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định: "Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường".

Nghị định 34/2010/NĐ-CP ra ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nêu rõ: "Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khai thác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ".

Thanh Huyền
.
.
.