Grabtaxi: Kinh doanh công nghệ hay 'lách luật'?

Thứ Bảy, 03/10/2015, 09:03
Gọi taxi Grap đi quãng đường chừng 2km, nhưng lại được một chiếc xe Camry sang trọng (không mào taxi) đến đón, với số tiền phải trả chỉ là chục nghìn đồng. Khách hàng được lợi, lái xe được lợi, song đây có phải là mục tiêu lâu dài “Grabtaxi” hướng tới, hay chỉ là một chiêu “câu khách”.

Chỉ cần điện thoại cài ứng dụng, rồi đặt điểm đi, điểm đến, chỉ vài phút sau là chiếc taxi xuất hiện với các thông tin chi tiết về hình ảnh người lái xe, biển số xe và số tiền tương ứng bạn phải trả cho tổng số kilômét mình sẽ đi. Nếu có mã khuyến mãi, thì chuyến đi của khách đôi khi sẽ được miễn phí hoàn toàn. Hay thậm chí, bạn gọi taxi đi quãng đường chừng 2km, nhưng lại được một chiếc xe Camry sang trọng (không mào taxi) đến đón, với số tiền phải trả chỉ là chục nghìn đồng. Khách hàng được lợi, lái xe được lợi, song đây có phải là mục tiêu lâu dài “Grabtaxi” hướng tới, hay chỉ là một chiêu “câu khách”.

Tài xế, người dân từng “mê” Grabtaxi

Cho đến thời điểm này, Grabtaxi đã có mặt tại Hà Nội được hơn 2 năm, song chính thức được biết đến khoảng 1 năm lại đây với chiêu thức tặng khách đi xe mã khuyến mại với giá trị lúc đầu từ 30.000đ/chuyến, tuần 3-4 chuyến, rồi sau đến 20.000đ/chuyến, tuần 6 chuyến; tiếp đến là 15.000đ/chuyến, tuần 3-4 chuyến và đến bây giờ là 0 đồng trên/chuyến, thay vào đó khuyến mại vé đi xem phim nếu bạn đi đủ số lượng (thay đổi theo tuần) chuyến xe grab trong một tuần. Với chiêu thức này, trong một thời gian dài, cả tài xế và người dân đã truyền tai nhau “đi taxi grab thích lắm”.

Cũng dễ hiểu, trong khi chạy taxi truyền thống, hằng tháng một lái xe taxi mất đến hàng triệu tiền phí gọi là bộ đàm, rồi khi trung tâm nổ địa chỉ, vài 3 xe lao tới điểm đón, người nào nhanh thì đón được khách, người chậm coi như “không may” thì với dịch vụ Grab sau khi cài ứng dụng, nếu khách đặt xe, tài xế chỉ cần nhấn nút muốn đón, tổng đài sẽ tự chọn một tài xế đang ở gần khách nhất, vậy là những xe còn lại sẽ không mất công “tranh khách”. 

Trong vai người dân, phóng viên từng đi và trò chuyện với một số lái xe taxi trên địa bàn Hà Nội, thì được họ chia sẻ “chạy được lắm chị ạ. Thay vì lao đến đón khách, giờ lái xe đã không phải chạy lòng vòng trên phố nữa. Tiền xăng giảm, chi phí giảm  nhưng lượng khách lại gia tăng, thu nhập theo đó cũng tăng lên”.

Còn với người dân, với các mã khuyến mại 15.000đ, 20.000đ, 30.000đ, nếu bạn đi chặng ngắn thì coi như không mất tiền. “Nắng không đến mặt, mưa không đến đầu. Thậm chí bạn đứng ở một nơi, nhưng có thể gọi taxi qua dịch vụ Grab để đưa đón con từ trường về nhà, từ nhà về trường và có thể giám sát được việc con đang đi đến đâu, tài xế nào đón và biển số xe cũng như tổng số tiền phải trả, thì đương nhiên người ta sẽ lựa chọn”, chị Lan Ngọc (Láng Hạ) chia sẻ.

Miếng bánh có thật sự “ngon”?

Khi người dùng bắt đầu quen ứng dụng, lái xe thấy rõ cái lợi trước mắt cũng là lúc các hãng taxi truyền thống “giật mình”. Lái xe giờ đa phần chỉ đón khách qua mạng mà “quên bẵng” khách của tổng đài. Người dân cũng nhận thấy gọi Grabtaxi nhanh hơn gọi lên tổng đài. Vậy là hàng loạt các hãng taxi truyền thống từng bắt tay với Grab nay quay sang từ chối phối hợp, đồng thời cũng không cho phép lái xe taxi chạy “Grab”.

Lái xe Nguyễn Huy Thông của Hãng taxi Ba Sao cho biết, taxi Ba Sao đã có thông báo tới tất cả các lái xe trong công ty, từ ngày 24/7 tất cả các lái xe không được sử dụng phần mềm Grabtaxi để kết nối với hành khách có nhu cầu đi xe. Nếu lái xe nào vi phạm sẽ bị xử phạt, nặng nhất có thể chấm dứt hợp đồng. 

Còn trong thông báo của Hãng taxi Sao Hà Nội, để đảm bảo sự phát triển thương hiệu của Hãng taxi Sao Hà Nội cũng như quyền lợi của các lái xe, lãnh đạo hãng taxi này nghiêm cấm các lái xe không được liên kết, sử dụng các ứng dụng của Grabtaxi, Ubertaxi hay Easytaxi, thậm chí các tấm chắn nắng, sticker hay lót sàn cũng không được dùng trên xe. Nếu lái xe nào vi phạm, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng và phạt bồi thường 10 triệu đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại Thiên Phong (taxi Thành Công) cho biết, taxi Thành Công cũng đã yêu cầu các lái xe không được sử dụng ứng dụng Grabtaxi để bắt khách, gỡ bỏ ứng dụng này trước ngày 15/8/2015.

Theo lý giải của đại diện taxi Thành Công, thời gian gần đây, nhiều xe trong hệ thống Grabtaxi đến đón khách thường không có mào, logo taxi của các hãng, dạng như “taxi dù”. Vì vậy, đã ảnh hưởng đến uy tín của các hãng taxi tham gia vào mạng lưới. “Việc hành khách kết nối với các lái xe taxi thông qua ứng dụng Grab taxi khiến các hãng đang dần mất thương hiệu. Hành khách không biết taxi đó của hãng nào mà chỉ nghĩ đó là xe của Grabtaxi. Trong khi đó, lái xe và xe là tài sản của các hãng taxi”, ông Nguyễn Anh Quân bày tỏ.

Đề cập đến nguyên nhân khiến một số hãng taxi không tiếp tục hợp tác với Grabtaxi, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Grabtaxi Việt Nam cho biết, công ty cũng mới chỉ biết qua các lái xe, chưa nhận được thông báo chính thức từ các hãng taxi. 

Theo đại diện Grabtaxi, các lái xe taxi khi sử dụng ứng dụng Grabtaxi để kết nối với hành khách, lượng khách đã tăng lên đáng kể, kéo theo thu nhập tăng. Vì vậy, việc các hãng taxi không cho lái xe của hãng mình sử dụng phần mềm này để kết nối với hành khách sẽ gây thiệt thòi cho chính lái xe. 

Mặc dù lãnh đạo Grabtaxi Việt Nam khẳng định, việc các hãng taxi truyền thống không tiếp tục hợp tác với Grabtaxi không làm ảnh hưởng đến hành khách, song thời gian gần đây, các mã khuyến mại của Grabtaxi gửi tới người dùng thường không áp dụng cho giờ cao điểm trưa, từ 11h-12h hằng ngày. Thậm chí có những thời điểm đã dừng khuyến mại bằng tiền, thay vào đó là vé xem phim, phiếu giảm giá… Ngoài ra, không ít lái xe khi lượng khách tăng lên đã từ chối các chuyến di chuyển gần, có số tiền từ 30.000-40.000 đồng/chuyến, điều này đã khiến không ít hành khách thấy không “hài lòng” với Grabtaxi…

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc các hãng taxi từ chối không hợp tác với Grab taxi có thể do quyền lợi hai bên không còn phù hợp. Việc phát triển rộng của Grab taxi đã giảm khả năng kết nối giữa tổng đài của các hãng taxi và hành khách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu của các hãng taxi truyền thống. Khi các hãng taxi truyền thống “quản chặt” lái xe của mình, thì Grab taxi bắt đầu quay sang phát triển hình thức mới “taxi siêu rẻ” với giá là 6.000đ/km. Cho đến thời điểm này, theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 3.000 xe tham gia mạng Grabtaxi. Tuy nhiên, gần đây, sau khi chuyển hướng sang thị trường taxi siêu rẻ (xe không mào, không biển hiệu taxi) thì số xe hoạt động thực tế là bao nhiêu thì khó ai đoán được…

Trước mỗi chuyến đi, hành khách đều nhận được thông tin cụ thể về tài xế, biển số xe và tổng số tiền phải trả.

Phạm Huyền
.
.
.