Gỡ vướng mắc trong việc triển khai Nghị định 67
- BIDV đề xuất ngừng tính lãi vay theo Nghị định 67 tại các địa phương có hiện tượng cá chết hàng loạt
- Đóng mới 35 tàu cá theo Nghị định 67
- Sửa đổi Nghị định 67 để khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam, cho biết, triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã phân bổ số lượng tàu cá đóng mới theo nghị định này cho 6 huyện, thành phố, thị xã có nghề cá với số lượng 92 tàu. Để thực hiện tốt chủ trương đóng mới tàu cá, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo 67.
Ngoài ra, ở 2 địa phương trọng điểm nghề cá là Núi Thành và Thăng Bình cũng đã thành lập Ban chỉ đạo 67 cấp huyện. Các huyện, thành phố có nghề cá đều thành lập Hội đồng để xét duyệt, thẩm định, đề nghị UBND cấp huyện trình UBND tỉnh danh sách chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá…
Một tàu vỏ thép của ngư dân được đóng mới theo Nghị định 67. |
Qua đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt danh sách 17 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp tàu cá và 92 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp cận các chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 58 tàu cá (gồm 23 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite và 33 tàu vỏ thép), và 1 tàu nâng cấp máy chính, với tổng số tiền cho vay 660 tỷ đồng, đã giải ngân được 516,4 tỷ đồng/59 tàu cá.
Đến nay, 37 tàu cá đóng mới và 1 tàu nâng cấp máy chính đã hoàn thành, cấp đăng ký và cấp phép, đi vào sản xuất. Một số chủ tàu khác (bao gồm 34 tàu đóng mới và 16 tàu nâng cấp) đang chuẩn bị thêm các điều kiện cần thiết để tiếp tục thương thảo, thỏa thuận với các ngân hàng thương mại để đi đến ký kết hợp đồng tín dụng.
Ngày 13-12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản và sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg. Tại hội nghị lần này, nhiều ý kiến đã chỉ ra một số mặt còn hạn chế trong việc đóng mới tàu cá và hoạt động của số tàu mới.
Cụ thể, số tàu cá đã hoàn thành việc đóng mới, được cấp phép hoạt động khai thác hải sản và đi vào sản xuất có hiệu quả kinh tế chưa cao. Nguyên nhân là do nguồn lợi hải sản không được dồi dào như những năm trước, đồng thời với sự cố ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung, giá sản phẩm hải sản thấp bất thường, doanh thu các nghề khai thác hải sản kém hơn trước đây.
Trong thời gian đầu, việc khai thác công năng của tàu cá vỏ thép, trang thiết bị khai thác mới như tời thu lưới, máy dò ngang, trang thiết bị hàng hải... đối với một số chủ tàu chưa đạt hiệu quả; tình trạng gặp trở ngại khi vận hành các máy móc, thiết bị xảy ra tương đối phổ biến, làm gián đoạn sản xuất và tăng chi phí đầu vào chuyến biển...
Tuy vậy, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, sau khi hết 1 năm ân hạn trả vốn gốc và lãi suất theo quy định, các chủ tàu cá đều thực hiện trả phần lãi suất theo quy định và phần nợ gốc theo phân kỳ; đến nay, chưa phát sinh nợ quá hạn.
Một tồn tại khác là mặc dù Bộ NN&PTNT đã ban hành 21 mẫu tàu vỏ thép cho toàn quốc, nhưng khi áp dụng cho từng địa phương, vẫn có nhiều điểm chưa phù hợp.
Với mục tiêu tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, các chính sách hỗ trợ cho ngư dân tại Quảng Nam được triển khai kịp thời, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy trình trong xét chọn, phê duyệt.
Bên cạnh đó, công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách cho ngư dân được chú trọng, các cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá không ngừng được nâng cao đã tạo tâm lý phấn khởi trong cộng đồng ngư dân, khuyến khích ngư dân đầu tư phát triển năng lực khai thác xa bờ.