Gỡ khó cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19
Khác với nhiều tỉnh thành, hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ của người dân, doanh nghiệp (DN) tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu phụ thuộc vào việc đi thuê mặt bằng, nên ăn theo giá nhà, đất tăng cao, giá thuê mặt bằng kinh doanh cũng liên tục bị đẩy lên cao.
Tình trạng này đẩy giá thành hàng hóa, dịch vụ tăng cao ngất ngưởng. Dịch COVID-19 cộng với Nghị định 100 của Chính phủ gần đây đã tác động mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như ngành dịch vụ. Khảo sát gần đây của Công ty Bất động sản Savills cho thấy nhu cầu thuê mặt bằng giảm mạnh đã kéo giá cho thuê giảm sâu.
Cảnh vắng khách ở một trung tâm thương mại. |
Dịch bệnh khiến nhiều khách thuê nhà phố phải tái cấu trúc kinh doanh; nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa cũng đã phải đóng cửa; mặt bằng kinh doanh thương mại nhà phố tại khu vực trung tâm đồng loạt rao tìm người thuê.
Dọc các tuyến đường hoạt động bán lẻ sầm uất như Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng 8… tình trạng treo biển cho thuê, sang mặt bằng diễn ra phổ biến. Thậm chí có vị trí đắc địa, thì nhiều kios mặt tiền chợ Bến Thành cũng đã phải đóng cửa ngưng kinh doanh nhiều tháng nay.
Hiện giá cho thuê mặt bằng là nhà phố ở nhiều khu vực hiện đã giảm đến 20%. Nhưng đón xu thế giảm giá cho thuê, những người dân, DN có nhu cầu vẫn tìm kiếm, chờ đợi thuê ở những nơi có mức giảm giá sốc, lên tới 40% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Trước xu thế kinh doanh thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh, ngay từ tháng 3, Tập đoàn Vingroup sở hữu 1,6 triệu m2 diện tích sàn bán lẻ ở các tòa nhà tại 43 tỉnh, thành với hơn 1.000 đối tác đồng hành là các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng đã công bố dành 300 tỉ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê sàn trung tâm thương mại.
Ngoài ra, Tập đoàn này cũng phối hợp với khách thuê tổ chức nhiều chương trình kích cầu mua sắm để hỗ trợ đối tác tiêu thụ sản phẩm.
Đầu tháng 4, Tập đoàn BĐS Hưng Thịnh với 40-50 ngàn m2 sàn thương mại cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các dự án như Trung tâm Thương mại Moonlight Plaza ở quận Thủ Đức; Saigon Mia ở huyện Bình Chánh và Vung Tau Melody, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đại diện DN này, Hưng Thịnh sẽ xem xét từng trường hợp bị ảnh hưởng cụ thể để quyết định mức giảm tốt nhất trong khoảng từ 20-40%, thậm chí đối tác thuê mặt bằng có thể được giảm ở mức cao hơn.
Theo bà Thu Hà, Quản lý bộ phận cho thuê sàn bán lẻ của Savills, đến cuối tháng 6 vừa qua diện tích sàn thương mại cho thuê tại TP Hồ Chí Minh đã đạt khoảng 1,5 triệu m2. Trong đó, diện tích mặt bằng ở các quận ven đã chiếm đến 84%. Hầu hết các dự án ngoài trung tâm là các khối đế bán lẻ phục vụ chủ yếu nhu cầu của dân cư trong khu vực với lượng hàng hóa bán lẻ thấp khiến các chủ mặt bằng khó có thể tìm được khách thuê lâu dài.
Đã vậy, xu hướng chuyển dịch sàn thương mại từ trung tâm ra vùng ven khiến giá cho thuê sẽ còn giảm dần. Thực tế cho thấy, để hỗ trợ khách thuê bị ảnh hưởng trong thời gian giãn cách xã hội, hầu hết các chủ mặt bằng đã giảm giá thuê ở mức 30% vào tháng 4 và tháng 5.
Nhưng khi doanh thu bán lẻ của TP Hồ Chí Minh đã tăng trưởng trở lại ở mức 20% vào tháng 5, và tăng 5% vào tháng 6, thì trong tháng 6 vừa qua các trung tâm bán lẻ vùng ven thành phố vẫn phải đưa ra mức giảm giá thuê đến 15% hoặc giảm khoản phí dịch vụ 2 USD/m2/tháng để hỗ trợ khách thuê. Điều đáng lo ngại cho các chủ đầu tư sàn thương mại và là kỳ vọng cho người dân, DN đi thuê mặt bằng là từ nay đến cuối năm, tại thành phố sẽ tiếp tục có hơn 96 ngàn m2 sàn bán lẻ được đưa vào khai thác.
Việc này sẽ tạo cơ hội cho người dân, DN kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống có nhiều cơ hội lựa chọn thuê địa diểm kinh doanh với giá cả hợp lý. Hơn thế, giá thuê mặt bằng kinh doanh giảm cũng sẽ giúp lĩnh vực bán lẻ truyền thống giảm chi phí kinh doanh, kéo giảm giá thành sản phẩm để có thể cạnh tranh với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.