Gỡ gánh nặng thuế, phí cho nông dân hội nhập

Thứ Năm, 24/09/2015, 08:11
Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vốn đã cạnh tranh kém, lại “oằn mình” vì thuế, phí chính là một trong những vấn đề rất nóng thời gian gần đây, mà chuyện một quả trứng gánh 14 loại thuế, phí chỉ là một ví dụ tiêu biểu.

Dù ngành thú y đã loại bỏ đến 35 loại lệ phí và phí trong thú y nhưng theo thống kê, ngành chăn nuôi, thú y hiện vẫn còn đến hàng chục, thậm chí cả trăm loại phí và lệ phí: thông qua thức ăn chăn nuôi, qua thuốc thú y, qua giết mổ, qua vận chuyển… Theo các doanh nghiệp thì cạnh tranh với nước ngoài chưa hẳn là vấn đề đáng sợ bằng chính… chính sách trong nước.

Một trong những động thái gỡ khó cho ngành chăn nuôi là thống nhất mới đây giữa Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài chính, thông qua việc bỏ 14 loại lệ phí và 25 mục phí trong thú y. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người chăn nuôi cho rằng số đó vẫn chưa thấm vào đâu so với những khoản thuế, phí thực sự họ đang phải gánh. Theo rà soát, thống kê của Bộ Tài chính thì riêng lĩnh vực nông nghiệp đang phải gánh nhiều loại phí, lệ phí nhất, lên tới khoảng 1.000 loại.

Nông sản, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi đang kém cạnh tranh vì chi phí quá cao.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vissan – một DN chế biến thực phẩm khá thành công trong nước, thì người chăn nuôi lợn không còn nhớ bao nhiêu loại phí họ phải đóng cho một con lợn từ khi còn con giống đến khi xuất chuồng. “Khâu nào cũng có phí, từ phí kiểm dịch, phí môi trường, phí kiểm soát giết mổ, phí tiêu độc, phí sát trùng phương tiện, phí chì niêm phong, phòng chống dịch bệnh… Giết mổ xong, vận chuyển trên đường cũng có đóng phí, mức phí vận chuyển trong tỉnh khác ngoài tỉnh, người bán thịt tại chợ lại đóng tiếp phí môi trường, an ninh…”.

Theo ông Trần Duy Khanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, một số loại phí doanh nghiệp đã tính vào cơ cấu giá thành chăn nuôi nhưng thú y vẫn tiếp tục thu là rất bất cập. “Doanh nghiệp chăn nuôi đều có đội ngũ nhân viên làm công việc vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, có cán bộ thú y để tiêm phòng… để bảo vệ gia súc, gia cầm của mình, nhưng ngành thú y vẫn “ôm”, vẫn thực hiện và tính phí”. Có tình trạng này, theo ông Khanh, là bởi còn lẫn lộn giữa dịch vụ công và quản lý nhà nước. Cơ quan Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước không phải đơn vị làm dịch vụ. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước là phải làm việc mình phụ trách, còn những dịch vụ công thì chuyển xã hội hóa. Vậy mới có thể minh bạch, rõ ràng và cởi bỏ những loại phí, lệ phí vô lý, tiến tới giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Phản hồi ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước quá yếu kém, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho rằng vấn đề cốt yếu không phải nông dân ta quá kém, kỹ thuật chăn nuôi quá thấp, mà do các yếu tố đầu vào và yếu tố chính sách tác động.

“Các vị chuyên gia kinh tế có nghiên cứu điều này không, rằng lãi suất ngân hàng chả nước nào như Việt Nam, có lúc lên đến 24%, giờ là 12%, lãi suất ưu đãi cho DN nông nghiệp thì được 7%, nhưng lại phải là DN vừa và nhỏ. Trong khi đó, Trung Quốc lãi suất chỉ có 5%, Thái Lan 3%, Mỹ thì chỉ có 0,5%/năm. Ta có dịch lở mồm long móng, Thái Lan cũng lở mồm long móng, ta có cúm gia cầm, Thái Lan cũng có cúm gia cầm, tại sao Thái Lan xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi được 4 tỷ USD mà ta không được. Chẳng lẽ nông dân ta kém lắm à? Ngay cả nước Mỹ tiên tiến thế cũng có dịch bệnh. Giá thành sản xuất của Việt Nam là 1,6 USD/kg gà, các nước khác cũng 1,6 – 1,7 USD/kg, chưa nước nào dám khẳng định làm được 1 USD/kg, nhưng tại sao đùi gà vào Việt Nam bán có 20.000 đồng/kg? Có phải do yếu tố gian lận thương mại không?”.

Ông Trần Duy Khanh khẳng định, chính chi phí quá cao làm tăng giá thành và kìm hãm sức mạnh của ngành chăn nuôi. Rào cản lớn nhất của ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung khi hội nhập chính là chính sách. “Ta đứng thứ 2 thế giới về thuỷ cầm. Việt Nam cũng chỉ đứng sau Trung Quốc về sản lượng trứng gia cầm. Tại sao chúng ta cứ tự ti rằng chỉ cố cạnh tranh ở trong nội địa? Chúng tôi chỉ lo về chính sách và an toàn thực phẩm. Mà muốn làm tốt điều đó phải là nhà nước”.

Hân Yến
.
.
.