Giữ việc làm cho người lao động là quan trọng nhất

Chủ Nhật, 05/04/2020, 10:08
Dịch COVID-19 đang có những diễn biến rất phức tạp, đang có những tác động bất lợi rất lớn đến nền kinh tế khi hàng loạt doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, giảm quy mô sản xuất, người lao động tạm mất việc làm.

Theo đánh giá của Bộ LĐ- TB&XH, nếu dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, kịch bản xấu nhất, sẽ có khoảng 3 triệu lao động mất việc làm. Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương đã và đang có những động thái tích cực để giúp người lao động vượt qua khó khăn với các gói hỗ trợ kịp thời. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của PGS. TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, đây chỉ là các giải pháp tạm thời. Vậy giải pháp nào để giúp hàng chục triệu lao động có thể vượt qua khó khăn, trở lại ngay khi dịch bệnh đi qua, xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Vũ Quang Thọ.

PV: Rất nhiều năm nghiên cứu, gắn bó với đời sống công nhân, người lao động, đã bao giờ ông thấy người lao động rơi vào hoàn cảnh như thế này chưa thưa PGS.TS Vũ Quang Thọ?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Chưa bao giờ tình trạng này xảy ra. Đã từng có một số cuộc khủng hoảng kinh tế, Nhà nước cũng phải giúp người lao động vượt qua khó khăn nhưng cũng chỉ dưới hình thức vận động nhân dân cùng chung tay, ủng hộ những người yếu thế.

PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

PV: Theo các kịch bản của Bộ LĐ- TBXH đưa ra, ít thì khoảng 800 nghìn lao động mất việc làm, kịch bản xấu nhất có thể lên tới 3 triệu lao động mất việc. Quan điểm của cá nhân ông thì thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Theo tôi, con số dự báo trong trường hợp xấu nhất có đến 3 triệu lao động mất việc làm cũng chưa phải là hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh trầm trọng hơn thì có thể có con số này, thậm chí là còn có thể hơn thế nữa bởi những người đang có công ăn việc làm trong các doanh nghiệp như chúng tôi nắm được lên đến 11 triệu người. 

Cộng với những người không phải là đoàn viên công đoàn, chúng ta đang có 19 triệu. Nếu tính thêm lao động khu vực phi chính thức nữa thì con số quá lớn. Vì thế số người mất việc làm cũng có thể lên tới con số hàng triệu. Thậm chí một vài triệu, nhưng hiện tại thì số lượng người mất việc mới chỉ là số ít.

PV: Theo đánh giá của ông, dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đời sống của người lao động như thế nào, bởi sau dịch người lao động chắc chắn cũng sẽ gặp không ít khó khăn?

PGS- TS Vũ Quang Thọ: Đương nhiên là người lao động sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh hưởng này không chỉ đối với công ăn việc làm của người lao động mà còn ảnh hưởng cả đến nền kinh tế, bởi mấy chục triệu lao động là thành phần quan trọng trong nền kinh tế. 

Ảnh hưởng đến nền kinh tế thì còn ảnh hưởng cả đến hệ thống an ninh quốc phòng bởi vì mình yếu kém chỗ này thì chỗ khác cũng sẽ yếu kém theo. Do đó, việc giải quyết bài toán cho người lao động là một trong những vấn đề thiết yếu.

PV: Chính phủ và các cơ quan như Bộ LĐ-TBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đưa ra các giải pháp để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn như: Tạm dừng đóng BHXH, BHTN, phí công đoàn, hỗ trợ về mặt kinh tế… Ông đánh giá thế nào về những “chiếc phao cứu sinh” này?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Tất cả những gì dành cho người lao động lúc này đều là cần thiết. Người lao động cần bây giờ chứ lúc nền kinh tế phục hồi rồi, tất nhiên đưa người ta cũng tốt thôi nhưng không quý lắm. Trong lúc hoạn nạn như thế này thì nó thực sự là những “chiếc phao cứu sinh”. 

Bởi cả doanh nghiệp và người lao động trong lúc này mà không được hỗ trợ thì chắc chắn không ít doanh nghiệp sẽ phải dừng hoạt động, người lao động không có việc làm. Người lao động mà không có việc làm thì cả gia đình người ta lâm vào tình trạng khốn khó. 

Người lao động có công ăn việc làm không phải chỉ vì riêng bản thân họ mà còn vì cả gia đình họ đang phải có trách nhiệm. Do đó, các gói hỗ trợ này là rất cần thiết, kịp thời, cấp bách giúp người lao động. Chúng ta phải ủng hộ các chủ trương này của Nhà nước, của các bộ, ngành. Tôi ví dụ thế này, kinh phí công đoàn 2%, đối với một người lao động thì không đáng bao nhiêu, nhưng đối với cả nền kinh tế thì đó là con số lớn hàng nghìn tỷ.

PV: Từ ngày 1/4, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ những người khó khăn 1 triệu đồng/tháng, những đối tượng này lên đến khoảng 20 triệu người. Có rất nhiều người vẫn đang thắc mắc về việc ai sẽ được hưởng và làm thế nào để đến được đúng đối tượng. Ông nghĩ thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Những người vẫn đang thắc mắc là những người đã từng trải qua tình trạng không công bằng. Tôi phải nói thật là có nhiều chính sách của chúng ta khi triển khai hay “lồi chỗ nọ, lõm chỗ kia”. Ví dụ như có tình trạng, người nhà lãnh đạo xã lại được vay những khoản tiền mà người lao động nghèo khổ lại không được vay. Đây là vấn đề chúng ta cần phải khắc phục. 

Về mặt tổng thế, chúng ta đánh giá chính sách này đúng chưa? Rất đúng. Kịp thời chưa? Rất kịp thời. Vì đây là lúc nước sôi lửa bỏng, người lao động cần. Và đây cũng là lúc cho thấy sự ưu việt của xã hội, cứu vãn những người yếu thế. Đã là người yếu thế người ta không còn chỗ nào bấu víu nữa là phải trông chờ vào Nhà nước.

PV: Bên cạnh những sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn này, nhưng chắc chắn người lao động sẽ gặp không ít khó khăn nữa. Quan điểm của cá nhân ông, để người lao động vượt lên được khó khăn sau đại dịch này, chúng ta cần phải có những chính sách gì?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Tôi phải nói thế này, nguồn quỹ của chúng ta không lớn như các nước phát triển, việc người ta bỏ tiền ra hỗ trợ lâu dài cho người dân là chuyện bình thường. 

Tôi đã đi rất nhiều nước, ví dụ như Singapore, họ khuyến cáo xong họ có thể bỏ tiền ra hỗ trợ luôn. Nhưng chúng ta là nước nghèo, vì thế gói cứu trợ là cần thiết nhưng không thể làm tràn lan cho hết tất cả mọi người được. Mưa thì không thể khắp được, chúng ta phải chọn lựa. 

Phải có một thông tư, chỉ thị hoặc hướng dẫn của các cơ quan, trong số hàng chục triệu công nhân, người lao động phải phân loại, người thực sự khó khăn thì cấp đỡ, cấp đỡ ở mức độ thế nào. Những người khó khăn hoàn toàn, ví dụ chẳng may họ mắc phải dịch bệnh, gia đình khó khăn, con cần phải học hành thì phải giúp đỡ thế nào, có thể 100% chẳng hạn. Còn những trường hợp bớt khó khăn hơn thì có thể hỗ trợ 50%. Làm như thế sẽ bao phủ hơn và giúp được nhiều người hơn.

PV: Tôi muốn nói thêm đến việc chúng ta phải có chính sách thế nào để ngay khi dịch bệnh đi qua, người lao động có thể trở lại được ngay?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Chính sách quan trọng nhất vẫn phải là việc làm. Trong tất các nghiên cứu, phát biểu của tôi đều khẳng định chính sách lao động việc làm là quan trọng nhất. Có việc làm, người công nhân mới có thể sống được. Chưa có việc làm mà đã nghĩ đến lương thì khó có thể thông cảm được. 

Có việc làm, sau đó việc làm ổn định rồi, mới bàn đến việc thu nhập thế đã thỏa đáng chưa. Lúc bấy giờ mới đem tiêu chí tiêu dùng ra để tính toán. Vì thế bài toán lớn nhất của chúng ta thời điểm này và sau khi dịch bệnh đi qua là giải quyết công ăn việc làm cho tất cả mọi người.

Tôi theo dõi đứa cháu của tôi vẫn đi làm trong lúc cao điểm về dịch, hiện nay việc làm vẫn là thứ cần thiết số một. Nếu ông chủ tuyên bố ngày mai cắt giảm việc làm, sa thải nhân viên thì đó là thiệt hại lớn nhất. Hỗ trợ tốt nhất là bảo vệ việc làm cho người lao động, còn thực tế những hỗ trợ mà Nhà nước đang thực hiện vẫn chỉ là những giải pháp tạm thời. 

Những hỗ trợ 1 triệu hay 3 triệu/tháng cho người lao động chỉ là để giúp người ta cầm cự. Còn khẩu hiệu số một là phải giữ được việc làm cho người lao động. Chính vì thế, hiện nay hỗ trợ người lao động quan trọng, nhưng hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng quan trọng không kém.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.