“Giáp mặt” tội phạm buôn lậu vùng biên Lạng Sơn

Chủ Nhật, 27/02/2011, 16:57
Những tưởng chỉ có dịp cận Tết Nguyên đán cổ truyền, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (huyện Văn Lãng, Cao Lộc…) với tuyến đường biên kéo dài 253km là "nóng". Thế nhưng, có đến khu vực thị trấn Đồng Đăng, Tân Thanh vào những ngày giá cả sôi sùng sục này, ta không khỏi quan ngại trước mặt hàng "bay" hay còn gọi là hàng lậu vẫn ngày đêm "miệt mài" tuồn vào nội địa...

Trước khi đặt chân lên nơi vùng biên Lạng Sơn tìm hiểu về tình hình hàng "bay" hay còn gọi là hàng lậu, tôi chủ động tạo "cầu nối" với N., một dân bản xứ ở Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), nơi vốn được nhiều người biết đến với cái tên "trục nóng" buôn lậu vùng biên.

Lạc vào… "mê hồn trận" buôn lậu

Đúng hẹn, 9h, từ TP Lạng Sơn, tôi bắt xe lên thị trấn Đồng Đăng. Dù biết Đồng Đăng nơi đây là địa điểm mà xe chở hàng lậu thường "tung hoành", song trong lúc chờ N. tại khu vực ngã 3 đường Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng (từ 10h - 10h20'), tôi phát hoảng trước tiếng nẹt pô, rú ga của những chiếc môtô đèo theo hàng cồng kềnh phía sau phóng như điên trên đường phố. Ước tính, có đến gần 40 lượt xe phía sau chở hàng cao đến gấp 3-4 đầu người lưu thông. "Ông H. à! Tôi N. đây!", N. vỗ vai tôi hỏi ngỏ. "Ừ! Tôi đây". Thoáng thấy tôi dán mắt vào từng tốp xe máy phóng vèo vèo qua mặt, N. cười: "Phi đội bay" chở hàng lậu đấy. Tí nữa còn nhiều pha khiến ông phải "choáng" hơn cơ". Tôi được N. sử dụng chiếc xe Yamaha nhãn hiệu Jupiter chở đi "mục sở thị" thực tế. Chiếc xe của N. xuôi trục đường Dây Thép dẫn lên khu vực Cửa khẩu Cốc Nam.

Trên đường đi, tôi tiếp tục ghi nhận hình ảnh các thành viên thuộc "phi đội bay" chở hàng ngược xuôi như trẩy hội. Hình ảnh vận chuyển hàng "bay", hàng lậu càng "nóng" khi N. gửi xe tại một quán nước ven đường Cốc Nam, thuộc xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng) để đưa tôi đi lên khu vực được cho là lối mòn Cổng Trắng. Khi tốp "cửu vạn" đem hàng xuống đồi cũng là lúc mà "cửu vạn" trên lưng mang theo tấm nệm ngược lên trên để tới khu vực tập kết hàng nằm tiếp giáp với Trung Quốc. "Lươn hàng" đấy!" - N. nói. Theo N., cụm từ "lươn hàng" nhằm ám chỉ công việc xé lẻ hàng "bay", hàng lậu để vận chuyển từ vùng biên vào trong nội địa. Từ đó, các đầu nậu sẽ thu gom hàng và "tuồn" về xuôi.

Hàng lậu bị lực lượng Công an Lạng Sơn thu giữ.

Theo chân N., tôi chứng kiến khá nhiều đối tượng "chim lợn" làm nhiệm vụ cảnh giới cho các cửu vạn bốc vác hàng tại khu vực Cổng Trắng, gốc Bưởi, gốc Nhãn. Đáng chú ý, sau khi đã vác hàng "bay" vượt qua một số đường mòn quanh co, các đối tượng cửu vạn liền đổ hàng phía sau một số ngôi nhà tọa lạc dọc trục QL4A để "phi đội bay" tiếp nhận và vận chuyển về nơi tập kết đã định.

Theo N. giải thích, do lực lượng chức năng "đánh mạnh" ở khu vực Hang Dơi nên hiện nay dân buôn lậu đã mọc thêm "nọc" ở một số khu vực lân cận như: gốc Bưởi, gốc Nhãn, đường mòn 386 (thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng)… Hình ảnh đội quân cửu vạn vận chuyển hàng cũng được tôi ghi nhận tại khu vực ga Đồng Đăng (huyện Cao Lộc).

Qua tìm hiểu, chúng tôi được hay, bất luận ngày hay đêm, hoạt động buôn lậu, tuồn hàng "bay" vào sâu trong khu vực thị trấn Đồng Đăng luôn diễn tiến phức tạp. Số lượng cửu vạn tham gia vào các đường dây vận chuyển hàng lậu vào thời điểm hiện tại lên đến hàng trăm người.

Cận cảnh "nghề" lậu và những thủ đoạn "né" luật không tưởng

N. trông bề ngoài già hơn nhiều so với cái tuổi 28 của mình. Trong câu chuyện với N., tôi được hay, N. là con trai lớn trong một gia đình 4 anh chị em, hiện đang làm công nhân trong một phân xưởng sửa chữa, lắp ráp cơ khí đóng trên địa bàn huyện. Đặc biệt, khác với những gì tôi mường tượng, N. trông bề ngoài nhỏ thó, song thâm niên hành nghề cửu vạn vận chuyển hàng lậu, vượt biên của N. cũng đã ngót 3 năm.

N. tâm sự, trước kia, năm 2006, lúc mới vào "nghề", N. chỉ dựa vào sức khỏe để leo đồi, vượt dốc vác hàng lậu, dần dà N đã "tậu" riêng cho mình con xe Jupiter (xe đưa tôi đi thực tế) để tham gia vào "phi đội bay". "Thế sao bây giờ không đi hành nghề đấy nữa à?", "Không tôi bỏ rồi, nó "bạc" lắm"! Đến đây, nhìn ánh mắt, giọng nói chùng xuống của N., tôi đã hiểu ra phần nào cái "bạc" nghề cửu vạn, vận chuyển hàng lậu qua biên giới trước đây của N., và vì sao hiện N. lại đi hành nghề sửa chữa cơ khí… Nhất là khi N. cho biết, để tham gia vào đường dây cửu vạn, chở hàng này thì phải có bản lĩnh, biết xả thân để cứu hàng. Có thời điểm, do "kém miếng khó chịu", nhiều đối tượng còn gằm ghè, dọa dẫm để tranh giành lãnh địa của nhau...

Theo tiết lộ của N. cũng như khi tiếp xúc với Q., 32 tuổi, một cửu vạn đang ngồi uống nước ở dưới chân gốc Bưởi, được biết để mang hàng từ nơi tập kết - vùng giáp biên đến khu vực có "phi đội bay" chờ với độ dài 200-300m (thuộc đường mòn Cổng Trắng) - đoạn gần khu vực Hang Dơi, khoản tiền mà các "đầu nậu" thuê mang vác là 3.000 đồng/kg. Còn đối với các thành viên trong "phi đội bay", mỗi lượt chở chuyến hàng cao ngất ngưởng ở phía sau xe từ địa phận các đểm "nóng" về buôn lậu như xã Tân Mỹ, đường 386… tới khu vực thị trấn Đồng Đăng - nơi chủ hàng thu gom (dài khoảng gần 1km) được nhận một khoản thù lao từ 20-30 ngàn đồng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến không ít người "lao" vào con đường buôn bán, vận chuyển phi pháp này.

Trên mỗi "nọc" buôn lậu, chủ hàng đều có "hợp đồng" làm việc nhất định đối với một cơ số cửu vạn, "phi đội bay", người đóng gói hàng… Ai đã ký hợp đồng thì nhất quán chỉ được tham gia vào đường dây này chứ không được "kiếm chác" từ các đường dây khác. Từ đội ngũ cửu vạn, người đóng gói hàng cho đến thành viên "phi đội bay" đều cố kết thành các mắt xích chặt chẽ. Khi để mất hàng giữa đường, thành viên "phi đội bay", cửu vạn phải bồi thường toàn bộ giá trị số hàng cũng như mất trắng khoản tiền thù lao đi kèm.

Bên cạnh đó, tại các điểm trông xe dọc QL4A, ngã tư thị trấn Đồng Đăng, trạm gác kiểm soát… luôn có sự hậu thuẫn của "chim lợn" làm nhiệm vụ cảnh giới. Khi thấy "biến" - (từ ám chỉ việc lực lượng chức năng xuất hiện), các "chim lợn" sẽ sử dụng bộ đàm thông báo từ dưới đường quốc lộ lên trên đỉnh đồi, khu vực tập kết hàng lậu cho các "chim lợn" khác biết để tẩu tán hàng, trốn chạy cơ quan chức năng. Đồng thời, thay vì sử dụng dòng xe Minsk, gần đây, "phi đội bay" đã sử dụng các dòng xe thông dụng như: Honda Wave, Dream, Jupiter…

Thiếu tá Cao Minh Huyền - Đội phó Đội Chống buôn lậu - Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Lạng Sơn cho hay, thời gian trở lại đây, các đối tượng "đầu nậu" tham gia hoạt động buôn lậu thường sử dụng thủ đoạn hết sức tinh vi.

Trong số này phải kể đến việc lợi dụng chính sách ưu đãi: Riêng hàng hóa nhập khẩu vào nước ta dưới hình thức mua, bán, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới được sản xuất từ nước có chung biên giới (phù hợp với danh mục hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Công thương công bố trong từng thời kỳ sau khi đã bàn thống nhất với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan) được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (nếu có) với giá trị không quá 2 triệu đồng/1 người/1ngày/1 lượt… để thuê cửu vạn cư trú ở địa phương mang vác, vận chuyển thuê hàng về nơi tập kết. Sau đó sẽ lập hóa đơn, danh sách thu gom nhằm đối phó với lực lượng chức năng.

Điểm mặt những mặt hàng "bay" đổ về xuôi

Theo chân N., tiếp cận một cửa hàng tập kết các gói hàng - nằm gần con đường "tái định cư" (song song với đường Dây Thép - Đồng Đăng), tôi nhận thấy trong thùng carton đã được mở nắp, gồm rất nhiều đồ điện tử (đầu DVD, loa vi tính…). Hỏi dò, tôi được N. cho hay, khác với thời điểm cận Tết, hàng may mặc, đồ sưởi ấm, đồ gia dụng, điện tử, điện máy (đầu đĩa, máy ghi âm, âm ly…) hiện là những mặt hàng đang được các chủ hàng nhắm vào hơn cả. Các chủ hàng dạng này thường sang bên kia biên giới đặt hàng với giá thành giảm từ 2-3 lần so với giá trị thực tế hàng chính hãng trên thị trường, rồi sau đó thuê cửu vạn đóng gói, bốc xếp rồi vận chuyển về các tỉnh dưới xuôi.

Sau khi giới thiệu qua các ưu việt, N. khuyên tôi nên "đánh hàng" dạng này về Hà Nội. Bởi theo N., thời gian qua, mặt hàng điện tử lậu, linh kiện máy vi tính được làm với mẫu mã đẹp, bề ngoài không khác xa là mấy so với các sản phẩm chính hãng, giá thành đi kèm lại rẻ hơn từ 30-50%. Ví như một chiếc đầu DVD có giá trên thị trường là 2 triệu đồng thì hàng nhập lậu từ bên kia biên giới chỉ có giá 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

Làm việc với đại diện Chi cục QLTT - Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, ông Hoàng Văn Sơn, Chi cục phó cho biết: Sau khi điểm "nóng" về buôn lậu Hang Dơi hạ nhiệt, hoạt động buôn lậu đã chuyển qua nhiều cung đường mòn, điểm tập kết khác như: đường mòn 386, gốc Bưởi... Bên cạnh các mặt hàng điện tử, linh kiện điện máy, đồ dùng gia dụng… trong thời gian qua còn có sự xuất hiện của việc nhập lậu gia cầm giống về chăn nuôi để tháng 5- 6 bán ra thị trường.

Thực tế chứng minh, trong năm 2010, có những ngày, số lượng gia cầm giống nhập lậu với số lượng lên tới hàng chục ngàn con. Cũng theo thống kê của Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho thấy, chỉ tính riêng tháng 1/2011, đơn vị này đã kiểm tra và xử lý 40 vụ vi phạm có liên quan đến VSATTP phòng chống dịch.

Thực trạng trên cho thấy, không chỉ dịp cận Tết, tình hình buôn lậu tại vùng biên Lạng Sơn luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp ở mọi lúc, mọi nơi. Cuộc chiến chống tội phạm "lũng đoạn thị trường" - buôn lậu này vẫn còn cam go và quyết liệt phía trước…

Thiếu tá Cao Minh Huyền - Đội phó Đội chống buôn lậu, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và Chức vụ (Công an Lạng Sơn):

Từ năm 2010 đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ hơn 333 vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu với tổng giá trị hàng hóa thu giữ lên đến trên 17 tỷ đồng. Trong số này, có vụ, đơn vị đã bắt quả tang một linh kiện máy vi tính, đồ điện tử gồm: thanh Ram, Chip, Main, ổ cứng…với tổng giá trị khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, việc bắt giữ các đối tượng buôn lậu mặt hàng dạng này luôn gặp không ít khó khăn.

Ông Hoàng Văn Sơn, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho hay: Bên cạnh việc lợi dụng các tuyến đường mòn, tiểu ngạch, hợp thức hóa việc gom hàng, trong thời gian qua, các "đầu nậu" buôn hàng lậu còn sử dụng chiêu thức hạ giá, kê khai hóa đơn thụt đi so với giá trị hàng hóa trên thực tế. Qua kiểm tra, xử lý cho thấy số lượng hàng hóa vận chuyển hầu như khớp với hóa đơn nhưng giá cả ghi trên hóa đơn rất tùy tiện, thường là thấp so với giá thông báo của Sở Tài chính khoảng 35-40% (hóa đơn phát hành tại địa bàn huyện Văn Lãng, Cao Lộc). Mặt khác, vì là hàng lậu, nên dù có giá thành rẻ, song khi mua phải người tiêu dùng sẽ khó tránh khỏi bị hớ.

Ông Đoàn Mạnh Hải - Chi cục phó Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn: Người tiêu dùng không nên thu mua, nuôi cũng như sử dụng gia cầm giống nhập lậu từ bên kia biên giới. Bởi số gia cầm này luôn bỏ ngỏ công tác kiểm dịch, nhất là khi hiện nay, lực lượng chức năng vừa mới phát hiện, ngăn chặn ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở xã Minh Sơn (Hữu Lũng - Lạng Sơn).

Điều tra của Trần Huy
.
.
.