Gian nan chống buôn lậu đường biển

Thứ Bảy, 16/04/2011, 16:59
Năm 2010, Cục Hải quan đã phát hiện 6.226 vụ vi phạm pháp luật. Như vậy, cứ trung bình một ngày, lực lượng Hải quan phát hiện và phải xử lý 15 vụ. So với năm 2009, số vụ tăng 116,36%, trong đó, khoảng trên 600 vụ (10%) là buôn lậu. Đáng chú ý, nhiều vụ có số lượng, trị giá tang vật vi phạm đặc biệt lớn, vận chuyển qua đường biển về các cảng ở Hải Phòng và được ngụy trang bằng thủ đoạn hết sức tinh vi.

Điển hình là các vụ buôn bán trái phép 370kg ngà voi của Công ty CP Phát triển nông nghiệp Việt Tiến (Lạng Sơn), 1.245,6kg ngà voi của Công ty TNHH Tuấn Minh (Lạng Sơn) và 2.194,2kg ngà voi của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Long (Móng Cái, Quảng Ninh) được đóng lẫn trong ốc biê ín. Các đơn vị Hải quan Hải Phòng còn phát hiện 1.778,3kg vẩy tê tê đã qua sơ chế, cũng được đóng trong rong biển của Công ty Xuất nhập khẩu Quang Minh (Lạng Sơn), trên 3 tấn tê tê cùng 80kg vẩy của Công ty CP Quốc tế Á Châu lẫn trong cá mòi...

Theo các cơ quan chức năng Hải Phòng, để đối phó khi bị phát hiện vận chuyển hàng lậu ở ngoài khơi, các đối tượng thường có nhiều lý do như máy tàu hỏng, thời tiết xấu... để không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Tàu Hiệp Thắng 05, vi phạm ngày 12/11/2010 tại vùng biển Bạch Long Vĩ là một thí dụ.

Nhức nhối nhất là tình hình buôn lậu ẩn dưới loại hình "tạm nhập, tái xuất". Theo thống kê của Cục Hải quan Hải Phòng, số vụ buôn lậu sử dụng chiêu thức hoạt động này chiếm tới 90%. Khi hàng nhập khẩu về Việt Nam, doanh nghiệp cũng làm thủ tục tái xuất, nhưng chỉ trên danh nghĩa, còn thực chất hàng vẫn nằm nguyên trong cảng và bị bỏ rơi vài tháng, có khi tới nhiều năm. Mặc dù số hàng nói trên không đúng với nội dung khai báo, song do hàng đóng trong container kín mít, kẹp chì niêm phong, nên việc phát hiện của các cơ quan chức năng hết sức khó khăn.

Trong trường hợp cơ quan Hải quan phát hiện hàng lậu, thì không xác định được chủ thể vi phạm. Phía doanh nghiệp Việt Nam đứng tên trong vận đơn nhận hàng thì từ chối trách nhiệm với lý do họ không có hợp đồng mua bán, mà chỉ làm nhiệm vụ môi giới, hưởng "hoa hồng", hoặc mặt hàng không đúng hợp đồng mua bán (như trong Luật Hải quan và Luật Thương mại qui định). Như vậy chỉ còn cách mời được doanh nghiệp nước ngoài sang. Song thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sau khi gửi hàng sang Việt Nam, đã lập tức giải thể.

Số ngà voi nhập lậu vào cảng Hải Phòng bị phát hiện, bắt giữ.

Những vụ đủ yếu tố khởi tố vụ án hình sự, thì lại phải thông qua Interpol, nhưng kết quả chậm và hạn chế, nhất là đối tượng vi phạm ở các quốc gia mà Việt Nam chưa ký kết về hỗ trợ tư pháp. Chính vì vậy, các vụ án đều phải kéo dài quá trình điều tra mà không khởi tố được bị can. Tình trạng này đã làm cho các cảng biển ở Hải Phòng ứ đọng hàng trăm container vô thừa nhận.

Qua rà soát, tháng 7/2010, các cảng ở Hải Phòng tồn đọng 366 container, tương đương khoảng 10.980 tấn hàng hóa, thiệt hại về lưu kho bãi tới hàng trăm tỷ đồng. Nguy hiểm hơn, bên trong các container chứa đầy rác thải nguy hại, vi phạm Công ước Basel, Cites, Luật Bảo vệ môi trường, như vỏ ắc qui chì phế thải, rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Cuối cùng, chính quyền TP Hải Phòng đã phải gánh chịu hậu quả hết sức phiền toái và tốn kém trong việc xử lý tiêu hủy.

Mới đây, Cục Hải quan Hải Phòng còn cảnh báo, phương thức buôn lậu của nhóm thuyền viên các tàu vận tải chuyên tuyến đã từng phổ biến trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước, nay có dấu hiệu phát triển trở lại. Điển hình là tàu Vạn Lý vận chuyển lậu 245 máy ảnh, 196 carton và kiện mỹ phẩm các loại cùng nhiều mặt hàng khác; tàu Vạn Hưng, thuộc Công ty Vận tải Biển Đông (Hà Nội), chở container chạy chuyên tuyến Hồng Kông - Hải Phòng, trong đó trà trộn vận chuyển 108 máy ảnh, 31 máy tính xách tay, 2 máy quay phim, 17 ống kính và hàng chục thiết bị điện tử, điện lạnh.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an và các ngành chức năng cũng đã phát hiện bắt giữ hàng trăm vụ vận chuyển hàng lậu, trong đó, 7 vụ vi phạm nghiêm trọng đã phải xử lý hình sự. Tình trạng hàng lậu, hàng cấm luồn lách nhập khẩu trái phép bằng đường biển vào Hải Phòng cho thấy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời tăng cường sự phối hợp trong các Đoàn 127 (liên ngành về chống buôn lậu, gian lận thương mại...).

Mặt khác, không thể thiếu sự cảnh giác của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động "tạm nhập, tái xuất" và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân trong "Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"

Quốc Phòng – Văn Thịnh
.
.
.