Giảm lãi để xử lý nợ xấu, chỉ số sức mạnh tài chính của nhà băng tăng hạng

Thứ Tư, 24/09/2014, 18:35
Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s vừa công bố bảng xếp hạng tín nhiệm ngân hàng Việt Nam. Đáng chú ý, việc chấp nhận giảm lãi để xử lý nợ xấu đã giúp chỉ số sức mạnh tài chính của Ngân hàng Quốc tế (VIB) tăng hạng.

Theo Moody’s, với mức tăng trưởng kinh tế vừa phải, Việt Nam đã có tỷ lệ lạm phát ổn định ở mức dưới 7,5%. Điều này cho phép Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng. Lãi suất thấp cũng có tác dụng tích cực để các ngân hàng để giảm gánh nợ cho khách hàng. Ổn định vĩ mô cũng hỗ trợ cho cho khả năng thanh khoản của các ngân hàng. Khi tốc độ huy động cao hơn tốc độ cho vay, tỷ lệ cho vay/huy động đã giảm còn 82% trong tháng 6-2014, so với tỷ lệ 87% của tháng 6/2013.

Tuy nhiên, dù môi trường hoạt động đã ổn định hơn, mức độ tín nhiệm tích cực hơn, Moody’s cũng lưu ý các ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn cần có thời gian dài để xử lý. Đó là vấn đề những tài sản xấu thực sự cao hơn các con số chính thức, khả năng hấp thụ vốn kém.  

VIB chấp nhận giảm lãi để xử lý nợ xấu

Ghi nhận những cố gắng trong công tác xử lý nợ xấu cùng với nhiều cải thiện trong quản trị, kiểm soát rủi ro, Moody’s đã nâng bậc tín nhiệm và nâng đánh giá từ ổn định lên tích cực đối với một số ngân hàng thương mại. Theo đó, có 6 ngân hàng của Việt Nam được đánh giá tích cực hơn. Cụ thể, Moody’s nâng một bậc tín nhiệm đối với Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) lên mức B2, và nâng đánh giá từ ổn định lên tích cực đối với 5 ngân hàng TMCP là Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank).  Báo cáo của Moody’s cũng giữ nguyên xếp hàng với triển vọng ổn định tại các ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB).

Theo Moody’s, cơ sở cho sự thăng hạng của VIB bao gồm hệ số an toàn vốn cấp 1 cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam (16,3%), năng lực quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro nổi trội với sự hỗ trợ tích cực của cổ đông chiến lược là ngân hàng CBA, sự cải tổ trong chiến lược kinh doanh trong 2 năm qua hướng đến phát triển bền vững và các chiến lược trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu hiệu quả. Mặc dù trong mấy năm qua, VIB là một trong những ngân hàng có lợi nhuận khiêm tốn, nguyên nhân là ngân hàng đã trích lập dự phòng một cách quyết liệt theo các tiêu chuẩn quốc tế và tiếp tục chấp nhận lãi biên ở mức thấp hợp lý để thu hút các khách hàng tốt. Việc thăng hạng của Moody’s đối với VIB là kết quả của cả một quá trình chuyển đổi 3-4 năm qua. Chiến lược thay đổi cơ sở khách hàng đã giúp VIB thoát khỏi các phân khúc khách hàng rủi ro cao và hướng tới các doanh nghiệp/cá nhân có tiềm lực tài chính tốt, có nhu cầu vay vốn lành mạnh để phát triển kinh doanh, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống…

Lệ Thúy
.
.
.