Sau gần 1 tháng thực hiện giám sát chuyến bay:

Giảm chậm, hủy chuyến, quyền lợi của hành khách được quan tâm

Chủ Nhật, 03/08/2014, 11:03
Theo thống kê từ các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng cho thấy, nửa tháng gần đây, tình trạng chậm, hủy chuyến đã giảm 10% so với thời điểm trước đó. Cụ thể, đại diện Cảng vụ hàng không miền Trung cho hay, trong khoảng thời gian từ 22/7 đến 31/7, tại các cảng hàng không khu vực miền Trung có chiều hướng giảm. Vietnam Airlines giảm từ 28,3% xuống còn 18,06%; JPA (Jetstar) giảm từ 30% xuống còn 22,47%, VJA giảm từ 47% còn 38%.

Tổ công tác giám sát chất lượng phục vụ và tình trạng chậm, hủy chuyến bay do Cục phó Cục Hàng không Võ Huy Cường dẫn đầu.Theo chân đoàn công tác ghi nhận thực tế tại 3 sân bay lớn Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng trong các ngày 31/7 và 1/8, phóng viên nhận thấy, tình trạng chậm hủy chuyến đã bắt đầu giảm dần. Đặc biệt, quyền lợi bồi thường cho hành khách, cũng như công tác phục vụ tại các sân bay đã được quan tâm đáng kể. Tuy nhiên, một số nguyên nhân do cơ sở hạ tầng chật hẹp, vào giờ cao điểm, tình trạng khách dồn ứ tại các cửa làm thủ tục ra sân bay vẫn diễn ra…

Sáng 1/8, do thời tiết xấu, chuyến bay VN1380 từ TP Hồ Chí Minh đang bay đến Đà Lạt đã phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. Trước sự cố này, hãng đã chủ động hỗ trợ cho khách hàng trên chuyến bay mỗi người 300.000 đồng với hạng phổ thông và 400.000 đồng với hạng thương gia.

>> Không có chuyện hủy, dồn chuyến vì lí do thương mại

Cũng trong 1/8, chuyến bay VJ 8660 chặng bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội của Hãng hàng không VietJet Air (VJA) gần đến giờ bay thì nhận được lệnh hủy chuyến vì tàu bay gặp sự cố kỹ thuật. Ngay lập tức, khoảng 170 hành khách đã được chuyển sang 3 chuyến bay tiếp theo cùng ngày, đồng thời hãng cũng bồi thường 300.000đ cho mỗi hành khách. Để đề phòng khách không muốn bay tiếp, tại sân bay Tân Sơn Nhất, hãng cũng đã bố trí quầy tiếp nhận thông tin giải quyết sự cố. Với những trường hợp này, hãng sẽ hoàn trả lại số tiền vé, đồng thời bồi thường tiền. Còn với những trường hợp đồng ý bay chuyến khác, hãng sẽ bố trí bữa ăn miễn phí ngay trên khu dịch vụ của sân bay.

Quyền lợi của hành khách được ngành hàng không bảo đảm tốt hơn sau những sự cố trong thời gian qua. Ảnh minh họa: Duy Hiển.

Là một trong những hành khách bị hủy chuyến, đang đứng làm thủ tục nhận lại tiền, anh Nguyễn Thắng (ở Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) cho hay, “đây là lần đầu tiên tôi đi máy bay, thấy báo hủy chuyến, đang lúng túng không biết làm gì thì được người ở sân bay hướng dẫn ra quầy vé của VietJet. Tại đây, tôi đã được nhận lại tiền vé kèm thêm 300.000đ, mừng quá!”.

Thẳng thắn chỉ đạo, và góp ý tại buổi làm việc với các hãng hàng không, đại diện lãnh đạo các cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh: Các hãng phải luôn quan tâm đến quyền lợi của hành khách. Hiện tại quyết định 10 về đền bù chậm, hủy chuyến mới chỉ áp dụng việc bồi thường ứng trước không hoàn lại với các chuyến bay bị hủy. Tuy nhiên, với thời gian hoãn chuyến kéo dài, việc bồi thường là cần thiết. Bởi theo ông Cường, việc bồi thường khi chậm chuyến sẽ phải tính toán để vừa mang lại quyền lợi cho hành khách, vừa không gây sức ép quá lớn cho các hãng. Vì thực tế, tại nhiều đường bay lẻ, việc chậm chuyến bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố bất khả kháng như thời tiết.

Theo thống kê từ các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng cho thấy, nửa tháng gần đây, tình trạng chậm, hủy chuyến đã giảm 10% so với thời điểm trước đó. Cụ thể, đại diện Cảng vụ hàng không miền Trung cho hay, trong khoảng thời gian từ 22/7 đến 31/7, tại các cảng hàng không khu vực miền Trung có chiều hướng giảm. Vietnam Airlines giảm từ 28,3% xuống còn 18,06%; JPA (Jetstar) giảm từ 30% xuống còn 22,47%, VJA giảm từ 47% còn 38%. Ngoài nguyên nhân máy bay về chậm, thì nguyên nhân được các hãng đưa ra là do cơ sở hạ tầng tại nhà ga kém. Đơn cử như việc nhà ga Tân Sơn Nhất đang sửa chữa, nhà ga Đà Nẵng luôn xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại cửa ra máy bay số 8 và 9.

Kiểm tra an ninh trước giờ lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM).

Để khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến, từ vấn đề hành khách đến làm thủ tục muộn, ông Dương Trí Thành, Phó Tổng giám đốc VNA đề xuất cần được thay đổi thời gian tối thiểu đóng quầy làm thủ tục check-in chuyến bay nội địa từ 30 phút trước giờ cất cánh dự kiến như hiện nay lên 40 phút (bằng thời gian đang áp dụng cho các chuyến bay quốc tế) để các đơn vị phục vụ có đủ thời gian chuẩn bị. Đối với cửa ra máy bay (gate) sẽ đóng trước giờ khởi hành 15 phút so với 10 phút như hiện nay.

Đề xuất của VNA xuất phát từ thực tế hành khách ở các sân bay gần thành phố như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng thường có thói quen ra sân bay muộn. Khi check-in, khách chủ quan thấy còn 30 phút nữa mới đóng quầy nên rất “đủng đỉnh”. Hãng hàng không cũng sẽ khuyến cáo hành khách có mặt tại sân bay để làm thủ tục trước 2 giờ đến 2 giờ 30 phút so với giờ cất cánh. Ngoài ra, VNA cũng cho biết bắt đầu từ tháng 8, hãng quán triệt thực hiện quy định về hành lý cồng kềnh trên toàn hệ thống. Nhân viên của hãng sẽ giám sát để đảm bảo mỗi hành khách chỉ được mang 1 kiện hành lý xách tay với trọng lượng 7kg, kích thước 56x36x23cm.

“Đây là quy định của hàng không dân dụng thế giới, từ trước đến nay VNA chưa thực hiện đầy đủ để nhân nhượng cho khách nhưng nếu mang hành lý gọn nhẹ hơn sẽ giúp hành khách dễ dàng di chuyển ra máy bay, nhất là làm thủ tục kiểm tra an ninh ở những khung giờ cao điểm”, lãnh đạo VNA nhấn mạnh. 

Về phía VJA, Jetstar Pacific đề xuất 2 giải pháp là cho phép đón khách lên máy bay cùng lúc tra nạp xăng dầu để tiết kiệm được 12 phút và mở rộng vòng chờ trên trời để máy bay không tắc nghẽn trước khi hạ cánh. Ông Võ Huy Cường cho biết việc kiến nghị thứ nhất đã được giải quyết ở Nội Bài và Đà Nẵng, còn việc liên quan đến không lưu phải chờ xử lý sau. Tương tự, về đề xuất của VNA, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng hứa sẽ ghi nhận và trình lãnh đạo Bộ GTVT để thay đổi các quy định này.

Cách chức giám đốc cảng vụ, nếu sau 3 tháng tình trạng chậm,
hủy chuyến không chuyển biến

Báo cáo tại cuộc họp Ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, hiện công tác quản lý nhà nước của Cục này đang được tập trung vào 3 vấn đề lớn là an toàn, an ninh và chậm, hủy chuyến bay đối với các hãng hàng không. Với hoạt động an ninh, an toàn hàng không, Cục trưởng Cục HKVN thừa nhận rằng những tài liệu hướng dẫn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) rất đầy đủ, nhưng hiệu quả thực thi… không cao. Vấn đề chậm, hủy chuyến bay trước kia Cục HKVN chưa giám sát nhiều, nhất là về tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ. Để có chuyển biến tốt trong hoạt động khai thác bay và giảm tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục HKVN nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước của mình. Cùng với đó, Cục HKVN cần rà soát lại toàn bộ lãnh đạo cảng vụ và nhân viên xem có đủ năng lực làm việc hay không, giao việc giám sát bay hằng ngày cho các cảng vụ hàng không và gắn với trách nhiệm người đứng đầu cảng vụ.“Giám đốc cảng vụ hàng không phải trực tiếp đi kiểm tra giám sát hằng ngày tại sân bay, không được khoanh tay trước ngực rồi chỉ đạo nhân viên đi làm. Sau 3 tháng, nếu tình trạng chậm, hủy chuyến bay không chuyển biến thì cách chức giám đốc cảng vụ. Đối với Tổng Công ty Quản lý bay cũng vậy, nếu điều hành không lưu còn tiếp tục vi phạm thì phải thay người” - Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo.

Đặng Nhật

Thanh Huyền
.
.
.