Giảm bảo hộ, tăng sức cạnh tranh (?!)

Thứ Tư, 20/05/2015, 09:16
Muốn giá thành mía đường Việt Nam thấp thì năng suất phải cao, chi phí giảm... Đó là những nội dung được chỉ ra tại Hội nghị bàn “biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 18/5.

Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), ngành mía đường Việt Nam có sức cạnh tranh yếu, nguyên nhân quan trọng nhất là do giá mía nguyên liệu cao. Giá nguyên liệu mía chiếm từ 70-80% giá thành sản xuất đường.

Hiện nay, ở Thái Lan, giá mía đưa vào chế biến ở mức 30-35 USD/tấn, giá nguyên liệu mía trong giá thành sản xuất đường khoảng 6.000-7.000 đồng/kg. Trong khi đó, ở Việt Nam, giá nguyên liệu mía trong giá thành sản xuất đường vào  khoảng 8.000-10.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ riêng về chi phí cho mía nguyên liệu, Việt Nam đã cao hơn Thái Lan khoảng 2.000-3.000 đồng/kg đường.

Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, theo cam kết mở cửa thị trường, ngành mía đường trong nước vẫn đang được Nhà nước bảo hộ ở mức độ cao. Công cụ bảo hộ chủ yếu thực hiện bằng các hàng rào thuế quan và cơ chế quản lý nhập khẩu. Cụ thể, trong cam kết WTO nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước trước khi chuyển sang giai đoạn tự do hóa thương mại hoàn toàn, Việt Nam được áp dụng cơ chế quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với một số nông sản, trong đó có đường.

Thực chất, theo bà Hà, “ta chỉ nới lỏng một phần mức độ bảo hộ thông qua cam kết cho nhập khẩu một lượng hạn ngạch rất hạn chế và mức tăng trưởng tối thiểu hàng năm là 5%/năm”. Tuy nhiên, việc bảo hộ sẽ không tồn tại lâu nữa. Theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến năm 2018, các nước thành viên phải cam kết mở cửa thị trường hoàn toàn với hầu hết các mặt hàng, trong đó có đường. Khi thực hiện cam kết này, việc nhập khẩu đường từ các nước thành viên ASEAN sẽ không bị hạn chế về số lượng với thuế suất thuế nhập khẩu là thuế suất cam kết theo ATIGA (5%). Khi đó, Việt Nam sẽ đứng trước thách thức lớn nhất là đường nhập khẩu Thái Lan sẽ cạnh tranh và có ảnh hưởng lớn đến đường sản xuất trong nước.

Đồng tình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: So với các loại cây trồng khác, mía đường vẫn là ngành được bảo hộ cao nhất và công việc trước mắt là gấp rút thực hiện giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh ngành mía đường. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Chúng ta phải gấp rút nâng cao khả năng cạnh tranh, trước hết là cạnh tranh với đường Thái Lan. Mà “muốn cạnh tranh được thì giá thành phải bằng hoặc thấp hơn, chất lượng phải cao hơn”.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng với tình hình hiện nay, phải đưa giá thành đường Việt Nam tương đương thế giới và như vậy ngành mía đường phải giảm chi phí nguyên liệu. Theo đó, có thể giảm giá thu mua nguyên liệu nhưng thu nhập của nông dân vẫn phải tăng lên. “Đây là mới là bài toán khó”. Yếu tố đầu tiên là phải đột phá về giống, sau là thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng cơ giới hóa và tổ chức lại sản xuất.

“Phải gấp rút xây bộ giống mới cho nông dân. Các nhà máy phải tập trung vào xây dựng vùng giống. Ở đâu có giống mía tốt hãy chủ động phối hợp cơ quan của Bộ để nhập về khảo nghiệm, chọn lọc và phổ biến. Đừng đợi giống mía từ Viện Nghiên cứu mía đường đưa ra” - Tư lệnh ngành Nông nghiệp nhấn mạnh.

Mặt khác, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giao Cục Trồng trọt kêu gọi nhà máy liên kết cùng Bộ NN&PTNT tổ chức một chương trình về giống liên kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Bộ trưởng đề nghị các nhà máy thực sự quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ khoa học kỹ thuật xây dựng cánh đồng lớn.

Diệp Linh
.
.
.