Giải quyết nợ xấu cần tích cực phối hợp liên ngành

Thứ Sáu, 04/10/2013, 13:49
Sau một thời gian dài chuẩn bị, cuối cùng, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ký kết hợp đồng mua, bán nợ đầu tiên. Đây là sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hoạt động của Công ty VAMC nói riêng, cũng như công tác xử lý nợ xấu của nền kinh tế nói chung.

Mãi đến tháng 10, mới có khoản ký kết mua bán đầu tiên với số nợ là 2.500 tỷ đồng, rõ ràng mục tiêu xử lý được tối thiểu 30.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013 là một thách thức. Dù phía VAMC cho biết đến thời điểm hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã liên hệ và đăng ký bán nợ.

Theo ông Đỗ Quốc Hùng, Phó tổng VAMC, hiện đã có 10 - 15 TCTD đăng ký bán nợ xấu cho VAMC. Từ phía các TCTD, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cũng thông tin: nhà băng này đang chuẩn bị bán nợ cho VAMC và  đã cung cấp danh sách các khoản nợ muốn bán. Tuy nhiên, sau khi hai bên rà soát xem các khoản nợ nào đáp ứng đầy đủ điều kiện bán cho VAMC, thì mới chốt và công bố được số lượng nợ bán. Tương tự, một lãnh đạo của Navibank cũng cho biết, ngân hàng này mong muốn bán nợ cho VAMC và lên danh sách từ sớm. Tuy nhiên, việc bán được bao nhiêu nợ còn tùy thuộc vào kết quả thẩm định của VAMC.

Phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy, cơ chế mua bán nợ xấu qua VAMC đã được các TCTD đánh giá như là một công cụ hữu hiệu của Nhà nước, và là một cơ chế phù hợp nhằm hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu. Điều quan trọng là VAMC không phải mua nợ xong để đấy hoặc bán để phát mại, mà VAMC sẽ cơ cấu lại để doanh nghiệp ổn định và phát triển. Ví dụ TCTD bán các khoản nợ xấu cho VAMC, sau đó TCTD có thể tiếp tục cho doanh nghiệp vay nếu đáp ứng đủ điều kiện và có phương án kinh doanh khả thi. Bên cạnh đó, sau khi bán nợ cho VAMC, TCTD có thể dùng trái phiếu đặc biệt để tái cấp vốn ở NHNN, phục vụ mục đích đầu tư ngược trở lại cho nền kinh tế.

Đánh giá về tính khả quan trong việc xử lý nợ xấu của VAMC, bản Báo cáo cập nhật của ấn phẩm thường niên hàng đầu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về tình hình kinh tế, được công bố sáng 2/10 cho rằng vấn đề nợ xấu của Việt Nam chỉ có thể được giải quyết khi có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ. ADB đánh giá cao những bước đi tích cực của NHNN trong việc xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng, đặc biệt là việc thành lập VAMC. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, thành công của VAMC còn phụ thuộc vào các quy định luật pháp và chính sách hỗ trợ khác không thuộc chức năng, nhiệm vụ trực tiếp của NHNN.

“Việc thành lập VAMC là một bước đi rất tích cực, song thành công của VAMC phụ thuộc vào việc cải thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý các tài sản bảo đảm, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ. Nếu thực hiện được các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng thì đã có thể giảm bớt được rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư”, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận xét

Lệ Thúy
.
.
.