Giải ngân vốn đầu tư chậm do vướng cơ chế?

Thứ Hai, 24/12/2018, 08:58
Đây là thông tin được đại diện Kho bạc Nhà nước (KBNN) nhận định trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm so với kế hoạch. Đáng chú ý hơn, tốc độ giải ngân đang có xu hướng chậm dần theo các năm.

Số liệu thống kê cho thấy ước thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2018 là hơn 239.573 tỷ đồng, đạt 59,94% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 61,62% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2017 đạt tương ứng 59,21% và 65,12%).

Trong đó: Vốn trong nước giải ngân được hơn 218.330 tỷ đồng, đạt 64,32% kế hoạch Quốc hội giao và 65,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trái phiếu chính phủ giải ngân hơn 15.540 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân hơn 6.942 tỷ đồng). Vốn ngoài nước giải ngân hơn 21.243 tỷ đồng, đạt 38,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 57,11%).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, số liệu giải ngân vốn của các bộ, ngành, địa phương 11 tháng năm 2018 đạt thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2017. Có 5 bộ, ngành và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 80% kế hoạch; trong đó có 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90% là Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương có số giải ngân thấp. Có 31/56 bộ, ngành và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 65% kế hoạch năm.

Trong đó, còn 21 bộ, ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Đặc biệt, 13 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30%, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải ngân đạt 28,5%; Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam giải ngân đạt 12,9%; Bộ Y tế giải ngân đạt 10,5%; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giải ngân 4,95%...

Thậm chí có 2 ngành trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn đó là Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và Tổng Công ty Thuốc lá. Chỉ ra nguyên nhân chậm giải ngân, theo Bộ Tài chính là do một số bộ, ngành, địa phương, một số chủ đầu tư vẫn chưa thực sự chủ động và quyết liệt trong việc triển khai kế hoạch. Đồng thời, chủ đầu tư chậm hoàn thiện trong công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn đơn vị thi công...

Từ phía đơn vị trực tiếp, ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN) cho biết, nguyên nhân chính là do vướng mắc cơ chế chính sách có liên quan đến Luật Xây dựng mà yếu tố cơ bản là việc thẩm định và phê duyệt các dự án còn chậm. Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu cũng có nhiều vướng mắc khi phải trải qua nhiều bước, mất nhiều thời gian thực hiện… Việc giải tỏa đền bù cũng là một vướng mắc nữa khiến cho công tác giải ngân vốn chậm.

Đặc biệt, kế hoạch vốn năm 2017 kéo dài sang năm 2018 rất lớn. Hơn nữa, với quy định vốn đầu tư được phép kéo dài trong 2 năm đã dẫn đến tâm lý ỷ lại của các chủ đầu tư. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

“Tại Hội nghị đánh giá vướng mắc cơ chế đầu tư do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tháng 4-2018 có nêu rõ một số nguyên nhân như: Vướng mắc đầu tư công do chỉnh kế hoạch dự án còn phức tạp, kéo dài thời gian thực hiện. Việc thẩm định các dự án, phê duyệt dự án chậm. Việc đền bù giải toả đất đai đều gặp khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện, chậm bàn giao mặt bằng. Những vướng mắc này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, yêu cầu các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang linh hoạt đẩy nhanh triển khai giải ngân vốn đầu tư vướng năm 2017-2018”, ông Hà cho biết.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc các dự án lớn đẩy nhanh tiến độ giải ngân. “Với giải pháp đó hy vọng đến hết ngày 31-1-2019, công tác giải ngân vốn đầu tư có thể tiếp cận được với tỷ lệ mà Thủ tướng yêu cầu” - ông Hà nhấn mạnh.

Góp ý từ góc độ chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, Chính phủ cần đôn đốc các bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công và kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục quản lý đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giảm thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

PV
.
.
.