‘Giải cứu’ đầu ra cho nông sản nhìn từ trái vải

Thứ Sáu, 19/06/2015, 10:33
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, vải thiều ở Hải Dương và Bắc Giang sau nhiều năm trầy trật chinh phục thị trường, nay đã có tin vui khi bước đầu thành công trong việc chinh phục được thị trường xuất khẩu khó tính như Úc, Mỹ... và từng bước khai thác tiếp các thị trường tiềm năng. Tại thị trường nội địa, vải thiều cũng được tiêu thụ ngày càng mạnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, để “giải cứu” các mặt hàng nông sản khác, có thể nhìn vào sự thành công của trái vải thiều?

Trong những ngày qua, trên vỉa hè nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh chất hàng đống trái thanh long với giá bán rẻ bèo: loại ruột đỏ giá 7.500đ/kg, ruột trắng 5.000đ/kg. Người bán cho biết, đây là thanh long trồng ở các khu vực Long An, Tiền Giang, Bình Thuận. Trong khi đó, so với thời điểm những tháng đầu năm, thanh long ruột trắng có giá dao động từ 12.000- 15.000đ/kg, ruột đỏ từ 35.000 – 60.000đ/kg. Giá thanh long giảm mạnh là do loại trái cây này đang vào vụ thu hoạch rộ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, nhưng thương lái Trung Quốc giảm thu mua, dẫn đến sản phẩm ứ đọng. Thực tế đó cho thấy, thanh long bị “bí” đầu ra do phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.

Trái vải ở Hải Dương và Bắc Giang bước đầu thành công trong việc chinh phục thị trường nội địa và xuất khẩu.

Với mặt hàng hành tây ở tỉnh Lâm Đồng, ngay từ đầu vụ thu hoạch, giá chỉ 2.000đ/kg – 2.300đ/kg, thấp nhất trong nhiều năm qua. Vì vậy, phần lớn người dân thu hoạch xong,  cất vào kho dự trữ để chờ giá lên sẽ đưa ra bán ngoài thị trường. Tuy nhiên, sau 1-2 tháng dự trữ,  nhiều “kho” hành tây của các hộ dân bị thối, lên mầm, kém chất lượng... khiến người nông dân phải đổ bỏ hàng tấn hành tây bị hư hỏng, vừa phải bán đổ bán tháo những loại củ còn sử dụng được với giá chỉ 500 đồng/kg. Nguyên nhân khiến mặt hàng này rớt giá đậm là do người dân đổ xô trồng hành tây quá nhiều dẫn đến cung vượt quá cầu. Trong khi việc bảo quản hành tây sau thu hoạch kém dẫn đến việc chất lượng sản phẩm bị hư hỏng là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, có rất nhiều mặt hàng khác như dưa hấu, sầu riêng, chôm chôm, ổi… ngay khi mới vào đầu vụ thu hoạch, giá đã rớt mạnh khiến nông dân rơi vào tình trạng điêu đứng. Vấn đề giải quyết “đầu ra” cho nông sản đã trở thành vấn đề nóng được tập trung thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu không có giải pháp triệt để, tình trạng này sẽ tiếp tục lặp lại trong các mùa vụ tới, và có thể sẽ có nhiều nông sản có thế mạnh xuất khẩu cũng rơi vào cảnh khó khăn tương tự. Trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản loay hoay với điệp khúc được mùa, mất giá, “bí” đầu ra, thì có thể nói việc xúc tiến thương mại đối với trái vải thiều của chính quyền địa phương hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang trong thời gian qua đã phần nào tìm được lối ra cho nông sản. Tại thị trường nội địa, xác định phía Nam là trung tâm tiêu thụ vải thiều nên khi vào vụ thu hoạch, UBND 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tiến hành tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại TP Hồ Chí Minh. Tại hội nghị, có 9 doanh nghiệp tiêu thụ nội địa (gồm 3 chợ đầu mối và 6 hệ thống phân phối) và 7 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, 10 tỉnh phía Nam ký kết hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm vải thiều. Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2014, khu vực phía Nam tiêu thụ hơn 60 ngàn tấn vải thiều của các tỉnh phía Bắc, dự kiến năm 2015 sẽ tiêu thụ 80 ngàn tấn.

Với thị trường xuất khẩu, ông Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Mặc dù trái vải thiều đã xuất khẩu vào được một số thị trường khó tính, nhưng đó chỉ là bước đệm để tiến tới mục tiêu khai thác tiếp các thị trường cao cấp. Bước đầu xuất khẩu không chú trọng số lượng mà tập trung vào chất lượng”.

Từ thực tiễn kinh doanh, đại diện các chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền và hệ thống bán lẻ Saigon.Coop cũng đều chỉ ra những nguyên nhân khiến vải thiều khó tiêu thụ: Đó là công nghệ sau thu hoạch chưa được chú trọng đầu tư nên trái vải không bảo quản được lâu, chỉ 1-3 ngày. Sản phẩm thiếu các thông tin về chứng nhận chất lượng, nguồn gốc xuất xứ... Đồng thời cũng nêu kiến nghị, nên gia tăng diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Phải ổn định sản lượng và chất lượng sản phẩm để giữ thị trường...

Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trong năm 2015, Bộ sẽ đưa trái vải vào chương trình xây dựng đề án thí điểm sản xuất chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản. Thời gian tới Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp theo mô hình trái vải. Đặc biệt sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các doanh nghiệp để đảm bảo thu hoạch, chế biến phù hợp với nhu cầu thị trường. 

Ông Bùi Văn Hạnh: “Kinh nghiệm tiêu thụ vải thiều vừa qua cho thấy, nếu được sự quan tâm, chỉ đạo tích cực từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, DN, nông dân... thì kết quả sẽ đạt như mong đợi. Vì vậy, rất cần Bộ Công Thương đứng ra làm “nhạc trưởng” kết nối các tỉnh lại với nhau để tiêu thụ vải thiều cũng như các mặt hàng nông sản khác. Còn ở thị trường nước ngoài thì rất cần sự giúp sức của các tham tán thương mại trong việc thông tin cho DN về thị trường xuất khẩu”.

Thúy Hà
.
.
.