Giá xăng mới chỉ công khai chứ chưa minh bạch!

Thứ Sáu, 20/12/2013, 14:22
Chưa hết sốc với giá gas, giá sữa tăng, đùng một cái, giá xăng lại tăng vào đúng dịp cuối năm, khiến người tiêu dùng lao đao.

Theo đó, mức tăng của giá xăng dầu dao động từ 384 đồng đến 653 đồng/lít. Riêng mặt hàng xăng A92 có mức tăng là 580 đồng. Nếu so với lần tăng “khủng” hàng nghìn đồng trước đây, thì mức xấp xỉ 600 đồng không phải là quá lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói đó là thời điểm xăng tăng giá quá nhạy cảm: đúng vào thời điểm chốt năm, doanh nghiệp đang vào mùa sản xuất, người dân lại vừa phải móc tiền cho giá gas, giá sữa…

Trước đó vài tuần, giá gas đã tăng “sốc” thêm 80 nghìn đồng mỗi bình; và hiện giá sữa một số thương hiệu như Mead Johnson, Abbott Việt Nam đều đã có thông báo chính thức với các đại lý mức tăng giá mới từ 5-7%, tương đương 30-60 nghìn đồng mỗi hộp… 

Bình luận về cú tăng giá bất ngờ này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng giá xăng tăng vào bất cứ thời điểm nào cũng đều ảnh hưởng lớn tới giá cả các mặt hàng khác, điều này đặc biệt có tác động khi vào dịp cuối năm. Kinh tế khó khăn, sản xuất đình trệ, doanh nghiệp lao đao, thì tăng giá đầu vào càng dễ gây nên những hậu quả tiêu cực. Cũng theo vị chuyên gia này, giá xăng và các thông tin về giá xăng hiện nay gần như mang tính áp đặt một chiều, và mới chỉ công khai chứ chưa hề minh bạch. Việc công khai được thực hiện qua niêm yết giá, và các đại lý bán lẻ bán theo đúng giá đó. Nhưng cơ cấu giá ra sao, cụ thể như thế nào thì dân và chuyên gia không hề biết?!

Điểm đáng chú ý là cùng với thời điểm giá xăng được phép tăng, Bộ Công Thương cũng đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Nghị định 84 sửa đổi. Theo đó, trong bản dự thảo sửa đổi mới nhất, khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở biến động tăng trong phạm vi 7% so với bán lẻ hiện hành, thì thương nhân đầu mối được quyền chủ động tăng tương ứng giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh.

Trong biên độ 7-12%, thì phải gửi phương án giá, đăng ký mức điều chỉnh giá tới liên Bộ Tài chính - Công Thương. Ngược lại nếu giá cơ sở giảm trong phạm vi 12% so với mức bán lẻ hiện hành, thì thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Ngoài ra thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp được giảm xuống 15 ngày, thay vì 30 ngày như hiện nay. Giá cơ sở để tính giá xăng dầu được tính bình quân của 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc.

Những điểm sửa đổi trong dự thảo này đang nhận được phản ứng từ dư luận. Trước đó, vào tháng 11, dự thảo sửa đổi cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh giá trong biên độ giá cơ sở biến động 5%, nay tăng lên 7% là mức cao, và rất có lợi cho doanh nghiệp, thiệt thòi cho người dân. Vẫn biết quyền lợi giữa người dân và doanh nghiệp sẽ luôn luôn có sự xung đột, nhưng xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là đầu vào nguyên liệu cho nền kinh tế, nên có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội.

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, muốn sửa đổi theo cách gì, thì cũng phải hướng tới 5 mục tiêu lớn: đảm bảo thị trường hóa giá cả xăng dầu, tăng tính cạnh tranh; tạo điều kiện tự chủ cho doanh nghiệp đầu mối; đảm bảo được tính ổn định kinh doanh theo chuỗi; tăng vai trò kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý; và đảm bảo hài hòa được lợi ích 3 bên

Nhóm PV
.
.
.