Giá xăng dầu trong nước giữ nguyên dù giá thế giới giảm: Cần sớm phá thế độc quyền trên thị trường xăng dầu

Thứ Bảy, 05/10/2013, 14:32
Xăng dầu thế giới liên tục giảm, nhưng xăng dầu trong nước vẫn giữ giá, dù trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xem xét giảm giá xăng dầu.
>> Giá xăng dầu tiếp tục biến động khó lường

Doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 29/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng xem xét, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cân nhắc việc giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước khi tình hình căng thẳng Syria có phần dịu xuống, tác động tích cực đến giá dầu thô và xăng dầu thế giới. Hiện giá xăng Ron 92 vẫn được giữ ở mức 24.270 đồng/lít và giá dầu mazut loại 3,0S ở mức 18.810 đồng/kg.

Theo số liệu cập nhật từ thị trường Singapore - nơi Việt Nam lấy giá tham chiếu để tính giá bán lẻ xăng dầu trong nước, ngày 3/10, giá xăng trên thị trường Singapore chỉ còn 111.2 USD/thùng. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 2/10, giá xăng trên thị trường lùi về mức 109 USD/thùng. Như vậy, mức giá này đã giảm rất mạnh, trước đó có thời điểm giá xăng lên tới 119 USD/thùng.

Theo tính toán của đại diện một đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam, giá bình quân 30 ngày của mặt hàng xăng Ron A92 tính đến ngày 3/10 chỉ còn 113,70 USD/thùng. Hiệp hội Kinh doanh xăng dầu cũng đưa ra con số đến ngày 3/10, giá cơ sở bình quân 30 ngày của mặt hàng xăng Ron A 92 là 24.345 đồng/lít, cao hơn giá bán lẻ 141 đồng/lít, trong khi mặt hàng dầu diesel là 379 đồng/lít. Như vậy, nếu so sánh giá cơ sở và giá bán lẻ thì doanh nghiệp vẫn đang lỗ, nhưng do hiện nay, doanh nghiệp đang được sử dụng từ quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít đối với xăng và 400 đồng/lít đối với dầu diesel nên tính ra, doanh nghiệp đầu mối đang lãi 159 đồng/lít xăng, 21 đồng/lít dầu diesel, chưa kể lợi nhuận định mức như quy định (300 đồng/lít xăng và 100 đồng/lít dầu).

Rõ ràng với mức giá như hiện nay, việc giá mặt hàng xăng dầu bán lẻ giảm là có cơ sở và mang tính khả thi cao. Đặc biệt, với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, việc giảm giá xăng dầu càng có “cơ sở pháp lý”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, liên bộ Tài chính – Công Thương chưa có quyết định điều hành giá xăng theo hướng giảm. Nhiều ý kiến cho rằng cách điều hành giá xăng dầu của cơ quan quản lý khá thụ động, ứng xử của liên bộ Tài chính – Công Thương với giá xăng giảm “khá chậm”. “Theo quy luật thị trường, nếu giá xăng thế giới giảm thì giá trong nước cũng phải giảm. Đặc biệt, đối với mặt hàng có tính chất tác động lớn như xăng dầu, có cơ hội thì giá xăng phải giảm ngay, nhất là khi đã có chỉ đạo đặc biệt của Thủ tướng. Việc chưa có động tĩnh gì của cơ quan quản lý khiến nhiều người nghi ngờ đang có “một vùng cấm” dành cho mặt hàng xăng dầu. Doanh nghiệp ngày càng được tự do hoá hoạt động, đưa ra giá bán lẻ kinh doanh, nhưng ngược lại, hoạt động giám sát và  minh bạch hóa giá, trách nhiệm quản lý trong hoạt động kinh doanh xăng dầu do liên bộ phụ trách, ngày càng thụt lùi”, một chuyên gia kinh tế đề nghị không nêu tên nhận xét.

Người tiêu dùng tiếp tục chịu cảnh giá xăng tăng nhanh, giảm chậm. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Độc quyền sinh hệ lụy

Trước nhiều luồng ý kiến từ dư luận, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định liên bộ Công Thương - Tài chính cũng đang bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới. Việc tăng, giảm giá xăng dầu phải theo Nghị định 84, nếu đủ điều kiện liên bộ sẽ chỉ đạo giảm giá ngay. “Tuy nhiên, việc tính giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc vào thời gian 30 ngày, mà còn liên quan đến thuế, quỹ bình ổn, tình hình kinh tế vĩ mô... Công thức tính giá cơ sở còn liên quan đến nhiều yếu tố khác. Hơn nữa giá xăng dầu thế giới chỉ là yếu tố quan trọng chứ không phải là yếu tố quyết định để giảm giá xăng dầu hay không”(!?). Phản biện về ý kiến này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nếu nói giá xăng dầu Việt Nam không phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới là hoàn toàn không có căn cứ, vì Việt Nam là nước không tự túc được về xăng dầu, mà phải nhập khẩu.

Về phía cơ quan quản lý, trao đổi với Báo CAND, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cũng khẳng định giá xăng dầu phụ thuộc hoàn toàn vào giá thế giới, vì vậy để nhận định về giá xăng thời gian tới tăng hay giảm sẽ rất khó. “Đã để giá xăng theo thị trường thế giới thì không thể nói được cái gì, chỉ có thể nói là cơ quan quản lý sẽ kiềm chế trong mức độ có thể, thông qua các công cụ bình ổn giá, vì nguyên tắc là không bao cấp về giá”, ông Tuấn khẳng định.

Thực ra, thị trường đang tồn tại một vấn đề mà ai cũng nhìn thấy, nói đến nhiều nhưng không giải quyết được, đó là tình trạng độc quyền trên thị trường xăng dầu của “ông lớn” Petrolimex. Dù khi đề cập đến vấn đề này, cơ quan quản lý cho rằng Petrolimex không phải độc quyền mà chỉ giữ vai trò là “doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường”. Tuy nhiên, trên thị trường, việc tăng giảm giá của các doanh nghiệp khác đều phải nhìn vào “ông lớn” này. Vì thế, việc tăng nhanh, giảm nhỏ giọt vẫn tiếp tục được tái diễn với điệp khúc kêu lỗ của doanh nghiệp. Thậm chí mới đây, trả lời trên một tờ báo, lãnh đạo Petrolimex còn “hờn dỗi” đòi thoái vốn khỏi thị trường. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng nếu Petrolimex rút khỏi thị trường, sẽ có nhiều công ty khác thay vào được.

Trong phiên họp Chính phủ vừa qua, khi chỉ đạo doanh nghiệp xem xét giảm giá xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định giá các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng hiện đang được Nhà nước bao cấp như điện, xăng dầu dứt khoát phải tiếp tục tiến tới cơ chế thị trường. Đây cũng là mục tiêu mà nền kinh tế Việt Nam hướng đến. Bởi vậy, để tránh tình trạng doanh nghiệp độc quyền làm giá, thiết nghĩ, cần sớm phá bỏ thế “chiếm lĩnh thị trường” thì may ra, quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo vệ

Hà An
.
.
.