Gia tăng tình trạng buôn lậu vàng và kim loại

Thứ Năm, 09/07/2009, 13:51
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh - Bộ đội Biên phòng (BĐBP), trong 6 tháng đầu năm 2009, lực lượng Biên phòng cả nước đã bắt giữ 928 vụ gồm 1.423 đối tượng, khởi tố 63 vụ/69 đối tượng, thu giữ hơn 5 nghìn tấn than, gần 2 nghìn tấn quặng và một số các loại hàng khác như gia cầm nhập lậu, thuốc lá... với trị giá khoảng hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, ngoại tệ, kim khí, đá quý và khoáng sản qua biên giới.

Một trong những thủ đoạn nổi bật của tội phạm buôn lậu trong những tháng đầu năm 2009 là tình trạng dùng một bộ hóa đơn, chứng từ để quay vòng buôn lậu khoáng sản trên các tuyến biển. Để hợp thức hóa với các cơ quan chức năng, hàng hóa trong hóa đơn được viết vận chuyển vào các tỉnh miền Trung và miền Nam. Nhưng khi đi qua các địa bàn quản lý thì bất ngờ chuyển hướng ra nước ngoài.

Vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, một trong những địa bàn từng là "điểm nóng" về tình hình xuất lậu than đi Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp, mặc dù BĐBP đã phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung ngăn chặn. Điển hình vào ngày 24/3, tại khu vực Đông Nam đảo Cô Tô, Hải đội 2 bắt tài ND-1735 vận chuyển 69 tấn than, trị giá hơn 7 trăm triệu đồng.

Tại vùng biển miền Trung, tình trạng xuất lậu quặng các loại cũng diễn biến không kém phức tạp. Các chủ đầu nậu lợi dụng đêm tối cho tàu chạy thẳng sang Trung Quốc. Trong đó, có tình trạng đối tượng buôn lậu là thủy thủ người Việt Nam đi các tuyến Thái Lan, Hồng Kông, Nhật... vận chuyển những loại hàng hóa gọn nhẹ, có giá trị.

Trên tuyến phía Bắc, hoạt động nhập lậu vẫn tập trung vào các mặt hàng truyền thống như pháo nổ các loại, hàng điện tử, điện lạnh, hàng xuất lậu là động vật quý hiếm, quặng các loại. Địa bàn trọng điểm vẫn là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng. Tuyến biên giới Việt - Lào và Campuchia, hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại, hàng điện tử...

Tại một số tuyến như Đồng Tháp, các đối tượng lợi dụng thuê mướn, trẻ em, mang vác, hoặc cất giấu vào phương tiện xe đẩy hàng rong của chị em phụ nữ, sau đó dùng xe máy vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng kẽ hở của chính sách XNK, các hiệp định song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nước để lách luật, trốn thuế.

Những tháng đầu năm 2009, Ban chỉ đạo 138 Bộ Tư lệnh - Bộ đội Biên phòng đã có nhiều kế hoạch cao điểm chống buôn lậu nhưng tình hình, song hiệu quả đấu tranh, số vụ khởi tố vẫn còn hạn chế. Những tháng cuối năm 2009, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, hoạt động buôn lậu qua biên giới sẽ thay đổi với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Một trong những hoạt động trọng tâm là kết hợp giữ việc tuyên truyền cho cư dân biên giới đấu tranh, tập trung nắm tình hình để không hình thành các điểm nóng.

Để hoạt động chống buôn lậu có hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương. Ngoài ra, lực lượng Biên phòng phải thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa BĐBP với quản lý thị trường chống buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới với 4 phương án chống buôn lậu của Ban chỉ đạo 127/TW

Xuân Mai
.
.
.