Giá sữa thành phẩm cao, người chăn nuôi bò sữa vẫn chưa hết khó

Thứ Hai, 14/12/2015, 12:12
Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 69 điểm thu mua sữa bò tươi, trong đó Vinamilk có 39 điểm, Friesland Campina có 25 điểm, Vixumilk có 1 điểm, Long Thành milk có 3 điểm và Nutrifood có 1 điểm. Các điểm thu mua sữa bò tươi tập trung gần 74% ở huyện Củ Chi, còn lại nằm rải rác tại 5 quận, huyện khác.

Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay người chăn nuôi bò sữa ở Củ Chi đã gặp không ít khó khăn do DN giảm số lượng sữa thu mua, giảm giá mua sữa, yêu cầu tăng chỉ số chất lượng sữa và còn không cho phép các hộ dân tăng đàn bò sữa, giảm số lượng cung cấp thùng đựng sữa…

Để hỗ trợ nông dân, đầu năm nay khi các DN thay đổi chính sách thu mua sữa tươi, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp để xem xét và đề ra các biện pháp thu mua sữa; đảm bảo quyền lợi cho các hộ nuôi bò cũng như cung cấp danh sách các hộ chưa được ký hợp đồng thu mua cho công ty Vinamilk và Friesland Campina.

Tuy nhiên cũng phải đến cuối tháng 5, sau đề nghị của UBND huyện Củ Chi về việc hỗ trợ thu mua sữa tươi cho 39 hộ nuôi bò sữa trên địa bàn, Vinamilk mới có phản hồi về việc hỗ trợ thu mua sữa cho các hộ nông dân và tổ chức ký hợp đồng thu mua sữa cho 18 hộ chăn nuôi thuộc diện đang được vay vốn ưu đãi phát triển đàn bò và mở thêm 3 điểm thu mua mới tại địa bàn huyện. Giá thu mua sữa tươi của DN này cũng được nới biên độ khá rộng, ở mức từ 8 ngàn - 14 ngàn đồng/kg.

Ngay sau đó, Friesland Campina cũng tiến hành thay đổi một số điều khoản trong hợp đồng thu mua sữa đã ký với các hộ dân, áp mức giá thu mua tiêu chuẩn là 11,25 ngàn đồng/kg và người nuôi bò không còn được tính điểm cho lượng sữa giao hàng ngày cũng như thâm niên hợp tác. Đã vậy, Friesland Campina còn đưa ra thêm một chỉ tiêu khác là điểm đóng băng từ 0,54-0,5 độ C, nếu không đạt, người dân sẽ bị trừ 9 ngàn đồng/kg. Lập tức, chỉ tiêu gần giống như vậy cũng đã được Vinamilk cho áp dụng và đã trừ ngay tiền của 3 hộ chăn nuôi ở huyện Hóc Môn do sữa không đạt yêu cầu.

Từ kết quả khảo sát, rằng giá thu mua sữa bình quân cho các hộ chăn nuôi là 12,118 ngàn đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất sữa bình quân với hộ nuôi quy mô dưới 5 con bò là 10,466 ngàn đồng/kg; hộ nuôi dưới 10 con giá thành sản xuất sữa giảm còn 9,435 ngàn đồng/kg, cơ quan có trách nhiệm của TP Hồ Chí Minh đã kết luận rằng người nuôi bò sữa vẫn có lãi.

Nhưng thực tế, theo phản ánh của các hộ nông dân, với giá thu mua như vậy, sau khi trừ chi phí người chăn nuôi đã không có lãi hoặc chỉ còn lãi rất ít. Trường hợp sữa không đạt yêu cầu về điểm đóng băng do các DN đưa ra, bị trừ phần lớn giá tiền, người nuôi bò cầm chắc thua lỗ. Về hỗ trợ bình đựng sữa bằng nhôm cho người nuôi bò, trước đây nhiều người dân cứ cho rằng được DN cung cấp miễn phí.

Nhưng thực tế một nửa kinh phí mua bình này được ngân sách thành phố hỗ trợ, một nửa còn lại các DN thu mua sữa trừ dần vào tiền bán sữa của hộ chăn nuôi. Đây cũng phát sinh thêm khoản chi phí mới khiến số lượng bình đựng được trợ giá cung cấp cho các hộ dân không nhiều, chỉ đạt 1.281 bình.

Đ.Thắng
.
.
.