Giá nông sản ở ĐBSCL tăng cao: Nhiều bất ổn trong khâu tiêu thụ

Thứ Tư, 01/12/2010, 06:20
Từ hai tháng trở lại đây, các mặt hàng nông sản nguyên liệu chế biến như mía, lúa, cá tra, cá basa, tôm, hải sản… ở ĐBSCL liên tục tăng giá. Có thể nói, nhiều năm trở lại đây, chưa bao giờ giá cả nông sản lại tăng kịch trần như hiện nay. Thế nhưng, cũng từ đây nhiều người đã nhận ra có quá nhiều bất ổn trong khâu tiêu thụ hàng hoá nông sản.

Cạnh tranh mua mía… non

Về giá mía nguyên liệu hiện được thương lái đặt cọc tại rẫy ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) lên đến 1.200 đồng/kg. Với mức giá này nông dân lãi cao nhất từ trước tới nay: Từ 70 - 120 triệu đồng/ha. Nhưng nhìn cách các nhà máy đường tranh giành, "xâu xé" vùng nguyên liệu mía sớm ở Hậu Giang không khỏi lo lắng. Nhiều nhà máy đường ngoài vùng "phủ sóng", không đầu tư gì cho vùng nguyên liệu cũng "xách ghe" từ Long An xuống Hậu Giang mua mía với kiểu thách đấu: mua xô cả mía non lẫn mía già!

Một lãnh đạo nhà máy đường ở Hậu Giang cho rằng: không loại khả năng mua mía xô với giá cao (của một nhà máy ở Long An) là cách "chơi xỏ" để phá đám đầu vụ. Hiện Công ty CASUCO là đơn vị đầu tư bài bản cho vùng mía nguyên liệu Hậu Giang (mỗi năm đầu tư 5 - 7 tỷ đồng cho nông dân) duy trì ổn định ở mức 12.000ha, chiếm 1/4 diện tích toàn vùng. Chuyện tranh giành mua mía nguyên liệu của 10 nhà máy đường ở ĐBSCL đã thành căn bệnh trầm kha nhiều năm qua.

Giá cá tra có tăng ảo?   

Trong khi đó, giá tôm sú, cá tra tăng cao theo một kịch bản khác: một thời gian dài giá hai mặt hàng này rớt thê thảm, tôm sú lại hứng chịu nhiều dịch bệnh… người nuôi đồng loạt treo ao vì kiệt sức. Hiện nay giá xuất khẩu cá tra vẫn chưa lạc quan, giá nguyên liệu tăng là do hết vụ.

Hai năm trước, chuyện cá tra quá lứa tồn đọng hàng trăm tấn ở ĐBSCL, Chính phủ phải tổ chức họp trực tuyến thường kỳ để thúc bách doanh nghiệp mua cá. Trong khi nông dân xếp hàng, bấm bụng xin doanh nghiệp mua cá với giá thấp hơn giá thành 500 - 1.500 đồng/kg. Nhiều người nhận ra "miếng bánh thơm tho" từ nguyên liệu cá tra, cá basa, hàng loạt nhà máy ra đời. Nhưng cách kinh doanh "ăn xổi ở thì", nhìn nông dân như "cá nằm trên thớt" dẫn đến hậu quả nhãn tiền: nông dân treo ao (hoặc chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác), thiếu nguyên liệu, hàng loạt nhà máy đóng cửa!

Chuyện nhà máy chế biến thủy sản mọc lên như nấm khiến chuyện đấu đá, rồi bán phá giá trong chào hàng của các doanh nghiệp tạo ra sức ì, trì néo giá xuất khẩu cá tra, cá basa. Giá nguyên liệu cá tra tăng 20.000 đồng, giá xuất khẩu chỉ dao động 2,2 - 2,3 USD/kg, doanh nghiệp càng xuất càng lỗ. Có người cho rằng, giá nguyên liệu cá tra tăng có thể là động tác "ảo" để nông dân không phải treo ao thêm!

Giá cả các mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng cao.

Lúa lên giá nông dân… tiếc

Giá lúa liên tục tăng trong thời gian gần đây. Từ giữa tháng 11 đến nay, giá lúa tăng lên mức 6.000 đồng/kg, khiến nhiều nhà nông tiếc hùi hụi vì lỡ bán lúa đầu vụ.

Nhìn lại quy trình mua lúa từ đầu năm đến nay của các doanh nghiệp không khỏi thất vọng. Nhất là trong vụ hè - thu, khi tình hình tiêu thụ khó khăn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không dám đưa ra giá sàn để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân 30% hoặc 40%(!?) Câu nói quen thuộc của VFA là: mua theo giá thị trường! nông dân sẽ có lời.

Sau sự kiện cháy rừng ở nước Nga và nước này quyết định ngưng xuất khẩu ngũ cốc. Giá gạo trên thị trường thế giới "đổi chiều" theo hướng tăng vùn vụt… Lúc này, phần lớn lúa gạo hàng hóa của nông dân đã nằm trong tay các chành gạo và kho của doanh nghiệp xuất khẩu, ai hưởng lợi nhiều nhất? Chuyện xây dựng kho để nông dân gửi lúa hay xây dựng chợ đầu mối lúa gạo, lập sàn giao dịch cho dân ký gửi… chờ giá cao bán đã nói gần chục năm qua! Nhưng đến nay mô hình này vẫn nằm trên… giấy!

Cần giải pháp tháo gỡ

Khi giá nông sản tăng cao, nhiều người, nhiều nhà đã nhận ra nút thắt trong tiêu thụ nông sản lớn nhất hiện nay là nông dân và doanh nghiệp chưa đồng hành. Nông dân sản xuất ra nguyên liệu, doanh nghiệp mua để chế biến bán ra thị trường, xuất khẩu…

Nhưng cả hai gần như chưa đặt niềm tin để cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro khi thị trường biến động. Doanh nghiệp cứ kinh doanh theo kiểu "ăn xổi ở thì", còn nông dân loay hoay chạy theo đuôi thị trường: thấy cây, con gì được giá thì đua nhau nuôi trồng… chuyện rủi ro cứ diễn ra!

Ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc CASUCO bức xúc kiến nghị: "Hiệp hội Mía đường và Bộ NN&PTNT nên can thiệp và có biện pháp chế tài đối với các nhà máy đường xé rào tranh giành mua mía nguyên liệu không đúng qui định". Kiến nghị của ông Sơn cũng là một lời tái nhắc đến kiến nghị "xử" các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hay chào mời giá thấp

Nam Giao – Âu Dương
.
.
.