Giả danh cán bộ Quân đội lừa đưa người đi xuất khẩu lao động
Cuối tháng 1/2007, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Tây đã kết thúc điều tra vụ án Nguyễn Văn Đạc (giả danh cán bộ quân đội) cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 64 người lao động có nhu cầu đi XKLĐ tại Hàn Quốc với số tiền 72.000 USD và hơn 42 triệu đồng.
Tay xách cặp da bóng lộn, mặc quần áo quân đội, mỗi lần xuất hiện, Nguyễn Văn Đạc (tức Nguyễn Tuấn Đạc, 55 tuổi, trú tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Tây) đều sử dụng chiếc xe ôtô Lada màu trắng. Đạc còn tự khoe nguyên là cán bộ Quân khu Thủ đô, có mối quan hệ mật thiết với lãnh đạo Quân khu và một số người ở Trường Dạy nghề số 10 (Trường 10) của Quân khu Thủ đô.
Khi gặp gỡ với đối tác, Đạc rút điện thoại di động để liên hệ công việc. Trong cuộc đàm thoại với cán bộ Trường 10 (theo như lời Đạc giới thiệu), lúc thì Đạc ăn nói tình cảm thân thiết với người đối thoại, lúc lại giở giọng quát nạt, yêu cầu phải cho các lao động bay sớm.
Hơn 60 lao động, phần lớn là những người nông dân khó khăn ở các tỉnh Hà Tây, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam... đã lao theo giấc mơ chạy đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc với giá tiền đặt cọc đắt đỏ. Để được bay sớm, những người lao động hiếm khi được sở hữu một số tiền mặt lớn đã không ngại ngần đi vay lãi, vay cả ngoại tệ để giao cho những người môi giới.
Lúc đầu, mọi đầu mối môi giới ở các tỉnh đều tập kết về một điểm là Hà Thị Thư (57 tuổi, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Tây). Nhưng Thư vẫn chưa phải là mắt xích cuối cùng gom tiền của người lao động đưa cho Nguyễn Văn Đạc.
Nhiều người đã trực tiếp gặp và đưa tiền cho Đạc. Cay đắng hơn, 60 lao động khi được Đạc hứa hẹn đã vào học tại Trường 10 và hàng chục trường hợp đã bị nhà trường cho thôi học khi phát hiện ra họ không phải là quân nhân.
Không đi lao động xuất khẩu được, đòi lại tiền qua những người môi giới cũng không được, những người nông dân càng rơi vào cảnh khốn cùng.
Lật tẩy kẻ lừa đảo
Quá trình điều tra cho thấy, Hà Thị Thư (57 tuổi, trú tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Tây) cũng chỉ là nạn nhân bởi thu tiền và hồ sơ đến đâu, chị đều đưa hết cho Đạc, kèm theo giấy biên nhận. Mặt khác, chị Thư đã tự nguyện khắc phục hậu quả, trả lại tiền cho người lao động.
Tại CQĐT, chị Thư khai nhận, Đạc thống nhất về thủ đoạn lừa xin vào học tại Trường 10 như sau: Người lao động tự làm hồ sơ, tự xin học vào trường, tự đóng tiền học theo quy định của nhà trường. Khi nào có danh sách những người được nhập học, Thư phải thông báo để Đạc lấy tiền, nếu là quân nhân thì nộp 2.000 USD, nếu không phải là quân nhân thì nộp 3.000 USD.
Khi Đạc bị bắt theo lệnh truy nã, những khúc mắc của vụ án mới dần sáng tỏ. Tại cơ quan ANĐT, Đạc khai nhận không phải là cán bộ Quân khu Thủ đô nghỉ hưu mà là một nông dân. Đạc không có quan hệ với các vị lãnh đạo Quân khu cũng như không hề có mối quan hệ với Trường 10.
Tuy nhiên, khi nghe phong thanh rằng Bộ Quốc phòng có chủ trương tuyển người là quân nhân xuất ngũ đi lao động tại Hàn Quốc và Trường 10 có dạy nghề cho người lao động đi XKLĐ tại Hàn Quốc, Đạc đã thông qua những người môi giới để thu tiền, hồ sơ của người lao động để chiếm đoạt tài sản