Gia cầm thải loại, nội tạng bẩn vào từ biên giới

Thứ Sáu, 28/12/2012, 11:48
Gà thải loại nhập lậu; nội tạng bốc mùi, nấm mốc; mắm tép chưng thịt làm từ lợn tai xanh; hoa quả ngoại để nửa năm không hư hỏng... là những vấn đề cũ nhưng chưa bao giờ hết nóng. Ghi nhận của nhóm phóng viên từ biên giới Lạng Sơn về Hà Nội phản ánh phần nào bức tranh vệ sinh an toàn thực phẩm khi Tết Nguyên đán cận kề.

Nội tạng tẩm ướp hóa chất để cả tuần không hỏng

Trời tối đen như mực, khu vực đường mòn mốc 05, 06 ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc im phăng phắc. Giờ này, nhà dân ven đường cũng đã đi ngủ, trong bóng đêm, lác đác có những con mắt sáng quắc như ánh đèn pha theo dõi xung quanh. Bịch, bịch, những bao hàng được thả xuống đường, tiếng xe máy xình xịch chở hàng chạy thẳng vào nhà dân. Ôtô đã chờ sẵn, hàng được bốc lên xe. Không bật đèn, mọi việc vận chuyển đều trong bóng tối. Mọi di biến động của xe hàng này đều được các trinh sát Cảnh sát môi trường quan sát kỹ lưỡng. Ba mũi tấn công như ba gọng kìm lập tức siết chặt vòng vây. Lái xe nổ máy, nhấn ga nhưng không bật đèn chuẩn bị lao đi thì vừa lúc các trinh sát áp sát giữ được tay lái, trinh sát đằng sau cũng kịp giữ được 2 đối tượng đang bê các bao nội tạng lên xe.

Ngay lập tức cả xe hàng cùng đối tượng được đưa thẳng về trụ sở, sau 11 tiếng đồng hồ theo dõi, Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường mới thu giữ được 11 bao tải bên trong chứa hơn 740kg nầm và tràng lợn - Thượng tá Nông Văn Nguyên, Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết như vậy. Khám trên xe còn phát hiện lái xe giấu 5 biển kiểm soát giả để thay đổi khi vận chuyển hàng từ Lạng Sơn về Hà Nội.

Nội tạng động vật đã bốc mùi được giấu dưới gầm xe ôtô chở vào nội địa bị Phòng Cảnh sát môi trường Công an Lạng Sơn bắt giữ.

Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh, Cốc Nam và Hữu Nghị thì nội tạng động vật không nhập vào nội địa qua đường chính ngạch. Vậy nội tạng “bẩn” (gồm nầm, tràng, lòng lợn...) đi bằng đường nào? Chúng được vận chuyển qua đường mòn biên giới thuộc khu vực xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng và các khu vực đường mòn thuộc địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Không ngày nào, Công an tỉnh Lạng Sơn không thu giữ được thực phẩm nhập lậu ở địa bàn biên giới này.

Điển hình ngày 2/12, đã thu giữ được 630kg nầm lợn giấu trên xe chở khách và 470kg nầm lợn ở khu vực Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng. Nội tạng động vật còn được đầu nậu đóng trong hộp xốp, giấu vào hàng hóa khác, vận chuyển về Hà Nội bằng tàu hỏa qua Ga quốc tế Đồng Đăng…

Trung tá La Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn cho hay: Một số nội tạng nhập lậu khi bị thu giữ đều còn tươi, để lâu ngày không hỏng chứng tỏ phải sử dụng chất bảo quản có dư lượng cao, nồng độ đậm đặc. Nó độc hại đến đâu cho người sử dụng thì không ai biết vì với những thực phẩm nhập lậu khi bị thu giữ việc phân tích, đánh giá mức độ an toàn cho người tiêu dùng rất khó thực hiện, chỉ có tiêu hủy. Đây là số nội tạng mà các lực lượng chức năng đã tốn nhiều công sức để thu giữ được, còn số chưa bị phát hiện, hằng ngày, hằng giờ nhập lậu vào nội địa sẽ là rất lớn.

Gia cầm thải loại vận chuyển bằng xe du lịch vào nội địa

Theo Phòng Cảnh sát môi trường thì thời điểm này, chủ yếu có gia cầm thịt nhập lậu vào nội địa, gia cầm giống rất ít do trời rét vận chuyển bị chết nhiều. Gia cầm Trung Quốc vào Việt Nam không qua chính ngạch, nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều gia cầm thịt, gia cầm sống thải loại với giá rẻ. Đầu nậu mua gia cầm bên kia biên giới với giá 10.000đ/kg, vận chuyển trót lọt vào nội địa, bán với giá 40.000đ/1kg. Như vậy, một con gia cầm, đầu nậu đã thu lời từ trên 40.000 đến 60.000đ. Siêu lợi nhuận nên các đầu nậu sẵn sàng thuê người vận chuyển, mang vác từ bên kia biên giới về nội địa. Thậm chí, họ còn sẵn sàng tháo hết ghế của xe chở khách ra chỉ để vận chuyển gia cầm.

Ngày 8/11, Phòng Cảnh sát môi trường đã ngăn chặn được Nguyễn Văn Duy, trú tại huyện Cao Lộc đang vận chuyển gần 22 nghìn con gia cầm nhập lậu trên xe ôtô du lịch loại xe Ford 16 chỗ từ thôn Nà Tâm, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn vào nội địa. Vì lợi nhuận lớn, Duy tháo hết ghế, thay đổi kết cấu xe để vận chuyển gia cầm nhập lậu. Để qua mặt các lực lượng chức năng, các đầu nậu đã thuê một số người dân ở khu vực giáp biên giới nuôi gia cầm một vài ngày cho đến cả tuần và biến nó thành “gà nhà”. Thủ đoạn này đã bị lộ tẩy khi Phòng Cảnh sát môi trường liên tiếp phát hiện nhiều vụ như: tại vườn nhà bà Nông Thị Dần, hoặc tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Thế ở xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc đang nuôi hàng chục nghìn con gia cầm nhập lậu.

Theo các trinh sát bằng mắt thường đều nhận thấy hầu hết gia cầm nhập lậu bị thu giữ đều là hàng thải loại, người chăn nuôi dùng thuốc kích thích tăng trưởng cho gà đẻ nhiều đến khi không còn đẻ trứng nữa thì tuồn vào nước ta tiêu thụ, do vậy lượng tồn dư thuốc kích thích ở trong thịt gà có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Buông lỏng quản lý từ biên giới, thực phẩm “bẩn” vẫn có đất sống

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và một số tỉnh lân cận đang xuất hiện nhiều loại bánh nhập lậu như: bánh vừng, bánh bao, khoai tây đã qua sơ chế không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Lực lượng Cảnh sát môi trường Công an Lạng Sơn đã thu giữ được không ít loại thực phẩm này. Qua kiểm tra cho thấy, người chế biến đã sơ chế loại bánh này sẵn ở bên kia biên giới, khi nhập lậu về trong nước người tiêu dùng chỉ cho vào chiên qua là giòn và ngon. Các loại bánh này đã sử dụng nhiều phụ gia thực phẩm thì mới để lâu được như thế. Chính vì điều này mà nhiều người tiêu dùng ở Lạng Sơn đã không dám sử dụng.

Dự báo, càng gần Tết, tình hình nhập lậu các mặt hàng thực phẩm qua biên giới Lạng Sơn vào nội địa càng nóng bỏng và phức tạp. Thực phẩm là đồ hộp, đóng gói nhãn mác chỉ có chữ Trung Quốc, không có tem nhãn phụ theo quy định, không rõ hạn sử dụng vẫn được tuồn vào nội địa. Thực phẩm bẩn không thể tuồn vào nội địa nếu như các cửa ngõ biên giới được thắt chặt, và càng không có đất sống nếu như tư thương không bất chấp tất cả, sử dụng thực phẩm bẩn để chế biến bán cho người tiêu dùng.

Trung tá La Trung Kiên cho biết: Thực phẩm đóng gói nhập khẩu theo đường chính ngạch qua các cửa khẩu Lạng Sơn số lượng tương đối lớn, việc kiểm soát chặt chẽ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong nước thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Một số đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với cư dân biên giới trong việc trao đổi hàng hóa với cư dân của nước có chung biên giới đã tham gia vận chuyển thuê thực phẩm nhập lậu cho các đầu nậu, đây là một lực lượng không nhỏ đưa thực phẩm nhập lậu vào nội địa tiêu thụ

M.T.

Trần Hằng - Cao Hồng
.
.
.