Gặp "ông lão" làm vườn
Gọi mãi mới thấy tiếng người từ cuối khu vườn vọng lại, một mái đầu bạc trắng xuất hiện. Lấm lem bùn đất, nhễ nhại mồ hôi, anh Tiến tươi cười đưa chúng tôi đi vòng quanh khu vườn đầy hoa thơm trái ngọt của mình. Sau 20 năm từ chiến trường trở về, thương tật 4/4, người lính ấy bắt tay vào làm kinh tế.
Trăn trở để làm giàu trên chính mảnh ruộng nhà mình, anh Tiến đã đi học lớp kỹ thuật trồng bưởi và đi tham quan nhiều nơi, nhiều mô hình làm giàu từ kinh tế vườn. Có kiến thức trong tay và quyết tâm làm giàu, anh đã biến khu ruộng trũng lầy lội (5 sào) từng trồng lúa thành một khu vườn cao ráo màu mỡ để trồng bưởi Diễn, cam Canh.
Mỗi năm anh đã thu hoạch từ khu vườn ấy khoảng 50 triệu đồng, khi được giá có tới cả 100 triệu đồng/năm. Ở xã Xuân Phương đã có khoảng 50 hộ có khu vườn "hái ra tiền" như thế. Họ đã góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương, làm thay đổi bộ mặt nông thôn nhờ kinh tế vườn.
Bộ mặt nông thôn đổi mới
Xuân Phương đang từng ngày từng giờ thay da đổi thịt, không chỉ làm giàu từ những vườn cây trái sum suê, ở Xuân Phương người dân còn làm giàu bằng nghề rèn truyền thống vốn có từ bao đời nay và quy mô ngày càng mở rộng.
Chúng tôi ghé vào nơi có tiếng búa máy thình thịch, tiếng cắt sắt kêu xoèn xoẹt là gia đình anh Vân, chị Lệ. Ít ai biết rằng những sản phẩm dao kéo ở phố Sinh Từ nổi tiếng từ bao đời đều được làm từ làng rèn truyền thống Xuân Phương. Nhà chị Lệ chật chội mà có tới 50 công nhân.
Những mặt hàng bu-lông, ốc vít từ cơ sở sản xuất của gia đình chị phục vụ cho ngành đường sắt, cầu cống và có mặt cả ở những công trình xây dựng lớn của đất nước. Chị Lệ cho biết, giờ đây tổng doanh thu 1 năm của cơ sở sản xuất của gia đình chị là 2 tỉ đồng, giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Từ nghề rèn truyền thống phát triển thành những cơ sở sản xuất ăn nên làm ra, như gia đình anh Vân, chị Lệ ở xã Xuân Phương không phải là hiếm. Đó chính là thế mạnh trong chiến lược phát triển kinh tế ở một vùng quê khi tốc độ đô thị hoá đang vùn vụt tiến về.
Xuân Phương bây giờ hầu như không còn hộ nghèo, ANTT luôn được bình yên, ông Đàm Văn Điệp, chủ tịch UBND xã đã khẳng định như vậy. Là nơi cửa ngõ Thủ đô, người ngoại tỉnh về đây cư trú rất đông, những năm trước, Xuân Phương có nhiều diễn biến phức tạp, hơn 100 đối tượng có tiền án tiền sự kéo về ẩn náu đã nảy sinh nhiều tệ nạn như trộm cắp, cướp giật, buôn bán ma tuý… trật tự kỷ cương có lúc còn lơi lỏng.
Chính quyền địa phương thấy rằng, muốn phát triển kinh tế thì phải ổn định tình hình. Kế hoạch đảm bảo ANTT đã được triển khai tới từng người dân theo từng chuyên đề. Thôn Thị Cấm được chọn làm điểm, từ đó nhân rộng ra toàn xã với 4 tiêu chuẩn an toàn về ANTT và 3 tiêu chuẩn về "gia đình văn hoá".
Từng nhóm từ 5-7 gia đình trong ngõ thành lập một tổ để tự giải quyết các vấn đề xích mích trong ngõ xóm mình. Mọi người dân đều có trách nhiệm và phát huy hết khả năng của từng người, từng gia đình.
Kết quả là sau 1 năm triển khai theo mô hình này, tình hình ANTT đã chuyển biến bất ngờ, người dân chủ động phòng ngừa và cung cấp rất nhiều thông tin có giá trị giúp cho Công an khám phá án, xoá bỏ được điểm nóng về buôn bán và sử dụng ma tuý, các vụ việc năm sau giảm hơn năm trước, không có trọng án xảy ra, tình làng nghĩa xóm ngày càng khăng khít.
Đến nay đã có 3 thôn được công nhận làng văn hoá cấp thành phố. Giờ đây Xuân Phương thật bình yên, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng Công an