Gạo xuất khẩu đứng trước một năm cạnh tranh khốc liệt hơn

Thứ Hai, 12/01/2015, 09:55
Thái Lan đang trên đường tìm lại vị trí số 1 trên thị trường xuất khẩu gạo với dự kiến xuất khẩu trên 11 triệu tấn trong năm 2015. Nhiều mặt hàng gạo của Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi gạo Thái Lan cùng với một số nhà xuất khẩu khác, dự báo một năm không dễ dàng cho gạo xuất khẩu. Việc mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo vẫn tiếp tục đặt ra bức xúc cho năm nay và các năm tới.

Kết thúc năm 2014, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức khoảng 6,2 triệu tấn, thấp hơn con số 6,5 triệu tấn dự kiến và thấp hơn mức 6,74 triệu tấn của năm 2013. Riêng tháng 12, gạo xuất khẩu giảm tới 27,7%. Dự kiến, năm 2015 vẫn tiếp tục là một năm căng thẳng với gạo xuất khẩu của Việt Nam, bởi sự cạnh tranh khốc liệt đặc biệt với Thái Lan.

Đánh giá lại thị trường 2014, cơ quan chuyên môn Bộ Công Thương cho biết, có thể nhận thấy sự ảnh hưởng rõ ràng của Thái Lan lên thị trường gạo thế giới. Trong năm, giá gạo xuất khẩu châu Á có 2 đợt giảm mạnh (từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 6 và từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 11) và 1 đợt tăng mạnh (từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8), đều có tác động của yếu tố Thái Lan. Các đợt giảm giá là nguồn cung dồi dào ở cả các nước xuất và nhập khẩu, đặc biệt là lượng tồn trữ lớn ở Thái Lan và Ấn Độ. Riêng đợt giá tăng là do chính quyền quân sự của Thái Lan phong tỏa các kho dự trữ gạo để kiểm tra, khiến nguồn cung trên thị trường và trong khu vực sụt giảm mạnh.

Thái Lan đang trên đường giành lại vị thế nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, với lượng xuất khẩu năm 2014 tăng mạnh so với năm 2013, nhờ giá cạnh tranh và nguồn cung dồi dào, cộng thêm việc nội tệ nhiều giai đoạn mất giá mạnh khiến giá gạo Thái quy ra USD trở nên rẻ hơn. Gần như trong suốt cả năm 2014, giá gạo Thái Lan rẻ hơn gạo Việt Nam – điều hiếm thấy trong lịch sử, do nỗ lực tìm mọi cách để bán số gạo dự trữ của Chính phủ Thái Lan.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 biến động khá mạnh trong bối cảnh bị cạnh tranh khốc liệt, khi giá thường xuyên cao hơn gạo Thái Lan. Tính chung trong cả năm 2014, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam ở mức 439 USD/tấn (giá FOB) tăng 2%/tấn so với năm ngoái.

Dự báo cho năm tới, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính, sản lượng gạo toàn cầu 2014-2015 giảm xuống 495,6 triệu tấn so với 497,5 triệu tấn năm vừa qua. Nguyên nhân chính là do sản lượng gạo tại các nước sản xuất chủ chốt như Ấn Độ, Thái Lan và Guinea giảm. Cũng theo ước tính mới nhất của FAO, tiêu thụ gạo toàn cầu năm nay sẽ tăng khoảng 2%, đạt 499,6 triệu tấn. Thương mại gạo toàn cầu đạt khoảng 40,5 triệu tấn.

Mặc dù tiêu thụ dự tính tăng trong khi sản lượng giảm, nhưng cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương cho rằng, triển vọng xuất khẩu năm 2015 sẽ cạnh tranh khốc liệt. Không chỉ gạo trắng, xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam cũng bắt đầu bị cạnh tranh với Thái Lan.

Trước đây, Thái Lan xuất khẩu chủ yếu gạo thơm cao cấp Hom Mali với giá cao (trên 1.000 USD/tấn), còn gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam là loại Jasmine, chủ yếu ở mức giá trên dưới 600 USD/tấn. Nhờ ưu thế giá rẻ hơn nhiều, gạo thơm của Việt Nam đã chiếm lĩnh được nhiều thị trường quan trọng.

Gạo Việt Nam sau nhiều năm xuất khẩu vẫn chủ yếu dựa vào lợi thế giá rẻ.

Nhưng gần đây, Thái Lan bắt đầu đẩy mạnh sản xuất giống lúa thơm Batum - tương đương với giống Jasmine của Việt Nam. Nếu gạo Batum mà có giá chỉ ngang, hoặc nhỉnh hơn một chút so với gạo Jasmine của Việt Nam, chắc chắn gạo Việt Nam sẽ khó bán hơn nhiều so với hiện giờ. FAO ước tính, xuất khẩu gạo Thái Lan sẽ tiếp tục tăng lên 11 triệu tấn vào năm 2015, mặc dù sản lượng trong nước bị ảnh hưởng bởi hạn hán, đứng ở vị trí thứ 1 trong năm 2015. Đứng thứ 2 là Ấn Độ, dù lượng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm tiếp 18% xuống khoảng 8,2 triệu tấn.

Thị trường xuất khẩu gạo ngày càng cạnh tranh quyết liệt. Ngoài việc những đối thủ lớn truyền thống vẫn rất mạnh, thậm chí còn mạnh hơn trước, đã xuất hiện những nhà cung cấp mới, có tiềm năng lớn như Campuchia, Myanmar, Pakistan…

Sự cạnh tranh không chỉ trong khu vực châu Á, mà ở cả các thị trường châu Phi cũng sẽ diễn ra trong thời gian tới. Trong khi đó, tiêu thụ qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đang có sự quản lý chặt chẽ nên sẽ khó có việc các doanh nghiệp, tư thương dễ dàng xuất gạo qua đường này. Điều này khiến việc nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt càng trở nên cấp thiết.

Cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương cho rằng, phải hướng những chương trình hỗ trợ trực tiếp đến người nông dân, chứ không phải qua các khâu trung gian như hiện nay. Trước mắt nên hỗ trợ chi phí sản xuất, còn lâu dài nên hỗ trợ để họ tăng năng suất và chất lượng cây lúa, và có đủ khả năng tự dự trữ lúa cho đến thời điểm thích hợp mới bán ra, chứ không phải bán lúa tươi dù với bất cứ giá nào như hiện nay.

Cần xây dựng bằng được thương hiệu gạo Việt Nam để không bị phụ thuộc vào lợi thế duy nhất là giá. Nếu gạo Việt Nam được bán ra với giá rẻ mà chất lượng không đảm bảo thì cũng khó giữ được thị trường. Cần tích cực hơn nữa trong việc mở rộng thị trường. Các đối thủ cạnh tranh đang rất tích cực trong việc này, nếu Việt Nam không tích cực hơn nữa thì sẽ khó có thể cạnh tranh trong ngành xuất khẩu truyền thống này.

Một vấn đề cần lưu ý khác là chúng ta chưa chú ý đến thị trường tiêu thụ gần 100 triệu dân trong nước. Là nước xuất khẩu gạo trong top đầu thế giới, nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu gạo cả chính ngạch và tiểu ngạch, nhiều người tiêu dùng vẫn chuộng gạo Thái Lan và Campuchia. Điều này cho thấy, cơ cấu sản xuất lúa gạo của ta chưa hợp lý, thiếu loại này, thừa loại kia. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, các cơ quan chức năng và các ngành sản xuất, kinh doanh lúa gạo cần nghiên cứu kỹ và khai thác triệt để thị trường nội địa.

Nam Phương
.
.
.