Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh:

Gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với công tác an sinh xã hội

Chủ Nhật, 05/01/2014, 12:12
Trong khi các tập đoàn khách sạn quốc tế lớn có nhiều năm hoạt động tại Việt Nam phải sáp nhập, nhượng thương hiệu cho các đối tác trong nước thì Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh - đơn vị sở hữu chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam - lại không ngừng lớn mạnh với những bước phát triển có thể coi là “thần tốc”.

Khởi điểm từ khách sạn Mường Thanh (Điện Biên) nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, chỉ sau 17 năm, gần 30 khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt mọc lên khắp các tỉnh thành dọc theo chiều dài đất nước. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại các địa phương, lãnh đạo Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh còn luôn gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với công tác từ thiện và an sinh xã hội.

Ngày 17/5/2013, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh đã vinh dự được tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam với hệ thống gồm 30 khách sạn và dự án khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao trải dài trên cả nước. Tuy nhiên, khi nói về “sự nghiệp” làm khách sạn của mình, Tổng Giám đốc Lê Thanh Thản vẫn vô cùng giản dị và kín tiếng.

Đại diện Quỹ nhân đạo Mường Thanh tặng 300 triệu đồng cho Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng.

Theo quan niệm của Tổng Giám đốc Lê Thanh Thản, niềm vui lớn nhất của ông là giúp đỡ được nhiều người. Làm khách sạn nếu chỉ tính toán lỗ lãi thì không ai dám làm. Ông luôn tâm niệm, mục tiêu lớn nhất khi làm khách sạn là tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Thế mới có chuyện, năm 1997, khởi nghiệp từ khách sạn Mường Thanh (Điện Biên), sau 17 năm hệ thống khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh của ông đã đồng loạt “mọc” lên khắp chiều dài đất nước. Trong đó, riêng tại Nghệ An - quê hương ông - đã có tới 3 khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh.

“Với hệ thống gần 30 khách sạn Mường Thanh của tôi, cũng tạo được công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động ở quê hương tôi. Quê tôi vốn là vùng đất nghèo, không được thiên nhiêu ưu đãi, nên người dân giàu nghị lực mà vẫn khổ. Ngoài ra, khi xây khách sạn tại một tỉnh, tức là tham gia vào việc phát triển kinh tế ở tỉnh đó, thấy đời sống bà con đi lên, tôi cũng vui” - Tổng Giám đốc Lê Thanh Thản chia sẻ.

Giải thích về nguồn gốc thương hiệu Mường Thanh, Tổng Giám đốc Lê Thanh Thản cho rằng, Mường Thanh theo tiếng Thái là Mường Trời, là vùng văn hóa Thái tiêu biểu, là một trong những cái nôi của người Thái. Khi lấy cái tên này, ông luôn tâm niệm, hệ thống khách sạn Mường Thanh sẽ trở thành một điểm đến, một “miền thanh thản đất trời” như ý nghĩa nguyên sơ ban đầu của nó.

Với tiêu chí phát triển kinh doanh gắn liền với công tác nhân đạo và an sinh xã hội, sau 17 năm hoạt động, trung bình mỗi năm, hệ thống khách sạn Mường Thanh trên cả nước đã phục vụ hàng triệu khách trong nước và quốc tế, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại các địa phương. Đồng thời, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế vùng miền thông qua việc tham gia các hoạt động nhân đạo, trợ giúp cộng đồng.

Ngày 2/9/2013, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh chính thức vận động thành lập Quỹ nhân đạo Mường Thanh với mong muốn các hoạt động thiện nguyện sẽ được hoạt động sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho xã hội. Với ý nghĩa đó, tiêu chí hoạt động của Quỹ nhân đạo Mường Thanh đã được “kiến trúc sư trưởng” Lê Thanh Thản tập trung vào các mục tiêu trọng điểm như xóa đói giảm nghèo tại các vùng biên giới; chăm lo sự nghiệp y tế giáo dục tại nông thôn; đền ơn đáp nghĩa gia đình có công; phát triển công tác môi trường và nước sạch; tập trung cứu trợ thiên tai.

Ngay sau khi ra mắt, Quỹ nhân đạo Mường Thanh đã trao tặng Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng 300 triệu đồng. Đồng thời, trao trao hàng trăm phần quà trị giá hàng trăm triệu đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Loỏng, Lai Châu trong chương trình  “Cùng em tới trường” tại các địa phương vùng biên giới. Hỗ trợ hàng trăm phần quà nhằm giúp đỡ những gia đình gặp nạn trong trận lũ quét tại xã Bản Khoang, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Ủng hộ bà con giáo dân xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) trong cơn bão số 10,11… Bên cạnh đó, lần đầu tiên Tập đoàn Kách sạn Mường Thanh đã trở thành “nhà tài trợ bạc” cho Ban tổ chức Festival Huế 2014 với số tiền hơn 1 tỷ đồng…

Trước đó, khi Quỹ nhân đạo Mường Thanh chưa ra đời, cá nhân Tổng Giám đốc Lê Thanh Thản đã từng ủng hộ 2 tỷ đồng cho UBND tỉnh Nghệ An xây dựng đài tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc tại Truông Bồn (Đô Lương - Nghệ An); ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt 500 triệu đồng; tặng hàng trăm suất quà gồm bánh chưng, gạo nếp cho bà con nghèo đón Tết tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và Diễn Châu - Nghệ An; xây trường học và bệnh viện nhằm phục vụ người dân nghèo tại Diễn Châu - Nghệ An…

Đề cập đến những hoạt động nhân đạo và an sinh xã hội của Tập đoàn trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh cho biết: “Quỹ nhân đạo Mường Thanh đang hoàn thiện cơ cấu tổ chức và kế hoạch hoạt động để từng bước triển khai các chương trình thiện nguyện có phạm vi và đối tượng ngày càng mở rộng. Mọi tấm lòng Mường Thanh đều đang hướng về cộng đồng và luôn mong mỏi được góp sức vì một xã hội nhân đạo và phát triển hơn”.

Là đơn vị nhiều năm đồng hành với Báo CAND trong các chương trình, hoạt động an sinh xã hội, vì người nghèo, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh đã từng quyên góp 50 triệu đồng cho chương trình ủng hộ “1.200 con trâu giúp đồng bào nghèo miền núi phía Bắc” do Báo CAND tổ chức. Đồng thời, thông qua báo CAND, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh cũng đã ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt 200 triệu đồng; cứu trợ 50 triệu đồng cho các gia đình bị tai nạn tại mỏ đá Hoàng Mai (Nghệ An); ủng hộ 100 triệu đồng cho chương trình “Tết vì người nghèo” năm 2014 do Báo CAND tổ chức.

Huyền Thanh
.
.
.