Tan hoang rừng Mường Nhé

Thứ Sáu, 07/08/2015, 10:04
8/11 xã của huyện Mường Nhé (Điện Biên), rừng đã bị tàn phá theo cách thức hết sức tinh vi. Tốc độ phá rừng ở Mường Nhé thực sự khiến chính quyền tỉnh Điện Biên lo ngại. Gần 500ha rừng ở Mường Nhé đã biến mất như thế nào? Giải pháp nào để giữ rừng? Báo CAND sẽ phản ánh câu chuyện này qua chuyên đề “Gần 500ha rừng bị tàn phá - Ai chịu trách nhiệm?”.

Bài 1: Một đêm 3 ha rừng biến mất

Dọc tuyến đường quốc lộ 4H, các xã Chung Chải, Leng Su Sìn, Mường Toong, Mường Nhé, Nậm Kè, Nậm Vì… chỉ còn là những quả đồi trọc. Những cây gỗ chưa cháy hết, đổ ngổn ngang trên những nương lúa bắt đầu xanh. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, gần 500ha rừng của Mường Nhé (Điện Biên) đã biến mất.

Tan hoang những cánh rừng     

Một ngày cuối tháng 7, theo chân Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé Lò Văn Thành, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh những cánh rừng xanh tốt bị chặt phá không thương tiếc. Thân cây nhỏ bị thiêu rụi, thân gỗ lớn bằng cả người ôm cũng chỉ còn trơ gốc.

Anh Lò Văn Thành chua chát nói: “Cứ sau một đêm, 3ha rừng lại biến mất. Ban ngày cán bộ kiểm lâm đi kiểm tra, rừng vẫn còn xanh nhưng chỉ sáng mai quay lại, rừng đã bị phá tan hoang”. Các điểm nóng về phá rừng tập trung ở 4 xã: Mường Toong, Mường Nhé, Chung Chải và Leng Su Sìn. Con số thống kê cho thấy, từ năm 2013 đến nay, đã có gần 500ha rừng ở Mường Nhé bị chặt phá.

Cụ thể, năm 2013 xảy ra 157 vụ phá rừng, tổng diện tích rừng bị phá là 210,603ha. Năm 2014, tổng diện tích rừng bị phá là 210,694ha, trong đó xã Leng Su Sìn là 78,524ha, xã Mường Nhé 31,100ha; xã Chung Chải 11,070ha. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tình trạng phá rừng còn diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. 8/11 xã của huyện đều xảy ra tình trạng phá rừng với tổng diện tích rừng bị phá lên tới 143,105ha. Tính đến ngày 31/5/2015, diện tích rừng của Mường Nhé còn 72.080,646ha, tỷ lệ che phủ đạt 45,80%.

Những cánh rừng vẫn còn ngổn ngang sau khi bị tàn phá không thương tiếc để làm nương, rẫy. 

Leng Su Sìn là một trong những điểm nóng về phá rừng. Trong vòng gần 3 năm, tại xã Leng Su Sìn, lực lượng chức năng trên địa bàn đã phát hiện 28 vụ phá rừng trái luật, diện tích thiệt hại lên đến 285,57ha. Nói về cách thức phá rừng ở Mường Nhé trong thời gian qua, anh Lò Văn Thành cho biết, ban ngày các đối tượng phát nương dưới tán, ban đêm thì phá rừng bằng cưa máy, mỗi tốp từ 15-30 người, thậm chí có nhóm lên tới 50 người. Chúng cắt cử người cảnh giới, khi phát hiện thì sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ.

Điển hình như, tháng 3/2015, nhận được tin báo có nhóm người đang chặt phá rừng tại bản Nà Pán (xã Mường Nhé), Hạt Kiểm lâm Mường Nhé đã cử nhóm cán bộ xuống kiểm tra. Tuy nhiên, khi các cán bộ kiểm lâm đến nơi, nhóm đối tượng đã dùng dao, gậy để uy hiếp. “Chúng doạ chém kiểm lâm viên Hoàng Quốc Hưng. Ông Phó Đức Chung - Bí thư Chi bộ thôn Nà Pán cũng bị chúng kề dao vào cổ” - anh Thành nói.

Rừng phòng hộ cũng bị chặt phá

Ông Diệp Văn Chính - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cũng cho biết, tình trạng chặt phá rừng còn xảy ra trong phạm vi khu bảo tồn. Từ một khu vực rộng lớn, đến nay khu bảo tồn thiên nhiên chỉ còn 45.500ha, trong đó gần 28.000ha đất có rừng trải dọc biên giới Việt-Lào trên địa phận của 5 xã Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sìn, Mường Nhé, Nậm Kè.

Đây được xem là Khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều loại động thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ; đồng thời cũng là khu vực rừng đầu nguồn sông Đà phía Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, đang diễn ra tình trạng người dân trên địa bàn các xã vùng đệm của Khu bảo tồn mua bán, tranh chấp đất lâm nghiệp để tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái phép và chặt phá rừng làm nương rẫy.

Nổi cộm nhất vẫn là những diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn đã giao cho cộng đồng quản lý ở các bản Nà Pán, Nậm Là (xã Mường Nhé), bản Đoàn Kết, Nậm Pắt (xã Chung Chải). Thống kê của Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn huyện Mường Nhé cho thấy, từ đầu vụ khô hanh đến nay, trên địa bàn vùng đệm giáp ranh với Khu bảo tồn đã có trên 12/12 điểm cháy rừng, diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra là 33,54ha...

Trong đó, 20ha rừng trạng thái 2a, 2b, rừng hỗn giao tre gỗ đã bị người dân chặt phá để làm nương rẫy, cũng như nhằm mục đích để khai thác lâm sản. Hiện nay, ngoài việc chặt phá rừng, nhiều người dân, nhóm hộ còn đánh dấu rừng để khi lực lượng chức năng không kiểm soát là sẽ tiếp tục chặt phá.

Trong quá trình giữ rừng, các lực lượng chức năng đã bắt được một số đối tượng vi phạm nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn, do các đối tượng khai báo bằng tên và địa chỉ giả. Chính vì vậy, huyện Mường Nhé mới chỉ xử lý được gần 30% trong tổng số 157 vụ chặt phá rừng từ đầu năm đến nay.

Lưu Hiệp - Hà Ly
.
.
.