GĐ CT in, phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Ngãi bị bắt?

Thứ Tư, 13/12/2006, 14:01

Với việc bán gần 6.000 chiếc kèn hơi Trung Quốc cho các đối tác nhưng dập giả nhãn mác kèn hơi của Nhật  và tính giá thành cao, ông Trần Ngọc Âu, Giám đốc Công ty in, phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Ngãi đã "đút túi" hơn 2 tỷ đồng.

Sáng ngày 24/11/2006, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) Công an Quảng Ngãi đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp, tạm giam 4 tháng đối với ông Trần Ngọc Âu, 52 tuổi, thường trú ở tổ 9, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi,  Giám đốc Công ty In, phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Ngãi về hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Những thông tin ban đầu từ Cơ quan điều tra đã hé mở nhiều tình tiết quan trọng thể hiện hành vi phạm tội của Trần Ngọc Âu là rất nghiêm trọng...

Những bản hợp đồng... ma

Kèn hơi Melodion là một thiết bị dạy học bộ môn âm nhạc bậc tiểu học nằm trong dự án thay sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Để đảm bảo chất lượng, Bộ GD-ĐT đã duyệt mẫu kèn hơi loại Suzuki Hamamatsu Japan - MX32. Và, Công ty In, phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Ngãi được chỉ định cung cấp loại kèn này.

Trên cơ sở đó, trong 2 năm 2003-2004, ông Trần Ngọc Âu đã thực hiện 5 hợp đồng mua bán với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DVS, trụ sở tại 22 Hồng Phúc (Hà Nội), do bà Nguyễn Thị Nguyệt làm giám đốc.

Theo nội dung các hợp đồng thì Công ty In, phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Ngãi đã mua 6.800 chiếc kèn hơi Suzuki Melodion do Nhật Bản sản xuất với tổng trị giá là 2.920.080.000 đồng; giá mỗi chiếc kèn hơi dao động từ 330 - 476.000 đồng (đã có VAT).

Kết quả điều tra, thu thập tài liệu của Cơ quan điều tra đã chứng minh nguồn gốc của 6.800 chiếc kèn mà ông Âu mua đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Bà Nguyễn Thị Nguyệt khai nhận: đã mua số hàng trên từ 2 người Trung Quốc nhưng không rõ tên tuổi, địa chỉ (?).

Hai người này do bà Nguyệt quen từ những lần lên biên giới (cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn) mua hàng. Họ cũng là người cung cấp cho bà Nguyệt toàn bộ chứng từ như hợp đồng, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói hàng hóa, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa v.v... để bà Nguyệt hợp thức hóa số hàng này.

Tuy nhiên, cho đến khi Cơ quan Công an thực hiện lệnh bắt ông Âu, mặc dù Công ty In, phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Ngãi đã thanh toán đủ tiền thì bà Nguyệt vẫn chưa trả tiền cho 2 người Trung Quốc mà bà đã mua hàng. Bà Nguyệt khai rằng: họ cho nợ (?). Khi Cơ quan Công an làm việc, cả ông Âu và bà Nguyệt đều khẳng định 6.800 chiếc kèn hơi đã mua bán là kèn sản xuất tại Trung Quốc. Khi được hỏi vì sao trong cả 5 hợp đồng đều ghi là Suzuki Melodion do Nhật Bản sản xuất  thì cả hai đều trả lời là... do nhầm lẫn (!)

Giải thích cho sự “nhầm lẫn” này, ngoài 5 “hợp đồng chính thức” trên, tại trụ sở Công ty In, phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Ngãi, Cơ quan Công an đã tìm thấy 3 hợp đồng mua bán khác do ông Âu và bà Nguyệt ký có nội dung tương tự, chỉ khác ở dòng chữ sản xuất tại Trung Quốc, và giá của mỗi chiếc kèn hơi dao động từ 330 đến 355.000 đồng.

Ông Trần Ngọc Âu lý giải rằng 3 hợp đồng này không thực hiện, nhưng khi Cơ quan điều tra hỏi “Vì sao sau khi ký hợp đồng thứ 2 ngày 18/8/2003?” thì Công ty In, phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Ngãi đã chuyển cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DVS trên 1 tỉ đồng thì ông Âu... im lặng!

Quá trình đấu tranh của Cơ quan Công an, Trần Ngọc Âu thừa nhận đã câu kết với Nguyễn Thị Nguyệt để sửa đổi, làm lại hợp đồng và nâng khống giá kèn hơi từ 330.000 đồng lên 476.000 đồng/chiếc, gây thiệt hại cho Nhà nước 438 triệu đồng.

Ngược đời hơn, trong lô kèn 3.000 chiếc nhận ngày 1/9/2003, tuy giá mua vào là 476.000 đồng/chiếc, nhưng ông Âu lại “chấp nhận bán ngay” cho Công ty Thương mại hỗ trợ kiến thiết miền núi (trụ sở tại Hà Nội) 1.083 chiếc, với giá mỗi chiếc là... 365.000 đồng. Nếu so sánh giá mua vào - bán ra thì ông Âu tiếp tục làm thiệt hại cho Nhà nước trên 120 triệu đồng...

Kèn hơi “made in... Trần Ngọc Âu”

Để có hàng mẫu cho Bộ GD-ĐT duyệt và giới thiệu hàng tại các hội chợ, tạo lòng tin với các đối tác mua hàng, Trần Ngọc Âu đã hợp đồng mua 20 chiếc kèn hơi Suzuki Hamamatsu Japan - MX32 của Công ty TNHH Việt Thương (TP HCM) với giá 495.000 đồng/chiếc. So sánh bề ngoài thì giữa 2 loại kèn chỉ khác nhau ở logo in nổi dòng chữ Suzuki Hamamatsu Japan ở phía sau thân kèn (kèn Trung Quốc không có dòng chữ in nổi này).

Nhận thấy điều đó, ngay lập tức Trần Ngọc Âu chỉ đạo cho 2 cấp dưới là BTH và LTAL vào TP HCM tìm mua máy khắc và học cách khắc chữ theo mẫu của kèn chính hãng. “Nhiệt tình” với sếp, H và L đã nhanh chóng mua được 1 máy khắc chữ mang về phòng làm việc riêng của Âu để “thể hiện trình độ”. Sau khi làm thử vài lần thấy “đảm bảo chất lượng”, Trần Ngọc Âu tiếp tục phân công 6 cán bộ khác của công ty chia làm 2 ca “tích cực sản xuất”. Trừ số kèn hơi bán cho Công ty Thương mại hỗ trợ kiến thiết miền núi, Giám đốc Âu đã “sản xuất” được khoảng 5.000 “sản phẩm”. 

Tính đến ngày bị bắt, Trần Ngọc Âu đã tiêu thụ được 5.763 chiếc kèn hơi giả, thu 2 tỉ 784 triệu đồng; trong đó đơn vị mua nhiều nhất là Sở GD-ĐT Quảng Ngãi với 2.000 chiếc, và cũng được “ưu ái” với mức giá cao nhất là 335.000 đồng/chiếc. Cùng chung “số phận” với Sở GD-ĐT Quảng Ngãi là Công ty Sách thiết bị Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Gia Lai...

Theo ghi nhận của chúng tôi thì toàn bộ “sản phẩm” của Giám đốc Trần Ngọc Âu đã được phân bổ đến các trường tiểu học. Mỗi ngày, mỗi giờ, thầy - trò các trường tiểu học học tập bằng những chiếc kèn hơi mang nhãn “made in... Trần Ngọc Âu” mà vẫn cứ ngỡ là sản phẩm xịn từ các kỹ sư của xứ sở Phù Tang...

Thượng tá Đỗ Thành Lê, Trưởng phòng PC15 Công an Quảng Ngãi cho biết:  việc bắt tạm giam Trần Ngọc Âu 4 tháng đã thể hiện tính nghiêm trọng của vụ án, và đây cũng chỉ là sự mở đầu cho một chuyên án mà Công an Quảng Ngãi đang đấu tranh. Những hành vi phạm tội của Trần Ngọc Âu không chỉ dừng ở đó. Và, chắc chắn trong vài ngày tới, còn có những "chiến hữu" của Trần Ngọc Âu phải tra tay vào còng số 8

Võ Thanh Việt
.
.
.