EVN tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh 2013: Vẫn lãi nhờ giá bán điện tăng
Mặc dù không công bố lãi cụ thể là bao nhiêu, nhưng trước đó ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết EVN lãi khoảng 120 tỷ đồng trong năm nay, sau khi đã trích xử lý khoản lỗ còn treo lại khoảng 4.000 tỷ đồng. Như vậy liên tiếp trong 2 năm nay EVN đã có lãi ở mức nhiều nghìn tỷ đồng.
Ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, tăng trưởng điện năm 2013 thấp do kinh tế chưa phục hồi rõ ràng, sản xuất còn khó khăn, thiên tai nặng nề gây gián đoạn cung cấp điện. Tổng lượng điện thương phẩm năm 2013 của EVN ước đạt 115,069 tỷ kWh, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2012 và vượt 0,28% kế hoạch năm 2013. Trong đó, điện thương phẩm nội địa ước đạt 113,401 tỷ kWh, tăng 9,15%.
Hai lĩnh vực vốn sử dụng điện nhiều nhất cũng bị sụt giảm, như khu vực công nghiệp xây dựng, chiếm tỷ trọng 52,8% điện thương phẩm thì năm qua, chỉ tiêu thụ tăng 9,35% so với năm 2012. Khu vực tiêu dùng, quản lý chiếm 36,3% điện thương phẩm thì năm qua, cũng chỉ tiêu thụ tăng 8,6% so với năm 2012. Trong khi trước đó, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện ở các khu vực này đều trên 10%.
Tăng trưởng điện thấp, nhưng tăng về doanh thu của EVN năm qua vẫn cao chủ yếu do đóng góp của việc tăng giá điện. Ông Đặng Hoàng An cho biết, giá bán điện bình quân thực hiện năm 2013 của EVN ước đạt 1.498,8 đồng/kWh, tăng 134,5 đồng/kWh so với năm 2012. Các tổng công ty điện lực thuộc EVN đều hoàn thành vượt kế hoạch về giá bán điện bình quân. Lý do được đưa ra là đã tăng cường kiểm tra áp giá đúng đối tượng, quản lý chính sách giá bán điện cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp. Ngoài ra, năm 2013, các tổng công ty điện lực đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở 179 xã, bán điện trực tiếp đến 202.175 hộ dân, giá bán điện bình quân tăng từng khu vực từ 200-300 đồng/kWh. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng giá bán điện bình quân của toàn Tập đoàn. Các tổng công ty đã ký hợp đồng bán điện với 20,6 triệu hộ khách hàng, tăng 3,82% so với năm 2013.
EVN tiếp tục có lãi trong năm 2013. |
Về tổn thất điện năng, một yếu tố khá lớn ảnh hưởng tới giá điện, EVN cho biết năm nay ước là 8,9%, cao hơn kế hoạch 0,1%. Nguyên nhân chủ yếu do tổn thất trên lưới truyền tải rất cao mà chưa lý giải được vì sao, lên tới 2,72%, cao hơn kế hoạch đến 0,42%. Riêng tổn thất điện năng trên lưới điện phân phối thấp hơn một chút so với kế hoạch.
Trong báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của mình, EVN chưa tiết lộ giá thành điện năm 2013 và số lãi cụ thể. Trước đó, tại cuộc họp báo công bố giá điện năm 2012, ông Đinh Quang Tri đã tiết lộ dự kiến năm nay EVN xử lý khoản lỗ treo lại của các năm trước khoảng 4.000 tỷ đồng và lãi khoảng 120 tỷ đồng. Như vậy, cộng dồn số lãi khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Trong kế hoạch 2014, EVN cũng không đề cập đến mục tiêu doanh thu và giá điện (có lẽ để tránh việc dư luận tính trước được mức độ tăng giá dựa trên mục tiêu doanh thu và điện thương phẩm như những năm trước) tuy nhiên khẳng định phấn đấu “có lãi”.
Có mặt tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng khẳng định, Chính phủ kiên định điều tiết giá điện theo giá thị trường, và giá điện hiện nay tuy không rẻ nhưng chưa phản ánh đúng giá thành. Như vậy, thông điệp tăng giá điện trong những năm tới đang được thể hiện khá rõ, tuy chưa biết thời điểm và mức độ tăng.
EVN cũng cho biết chủ đề của nhiệm vụ 2014 là “Tối ưu hóa chi phí và Điện cho miền Nam”. Thông điệp này được Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh lý giải là việc thể hiện quyết tâm của EVN trong việc “tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp để giảm giá thành sản xuất, truyền tải và phân phối điện”; và đặc biệt là việc ưu tiên thực hiện các dự án để đảm bảo điện cho miền Nam trước nguy cơ cả nước đủ, nhưng riêng khu vực này thiếu điện.
Theo ông Thanh, phụ tải của miền Nam hiện khoảng 10.000 MW, nhưng điện sản xuất chỉ đáp ứng được khoảng 8.000 MW, 2.000 MW phải chuyển tải từ phía Bắc vào qua đường dây 500 kV. Đặc biệt, năm 2014 dự kiến phụ tải sẽ lên trong khoảng 11.000 MW, như vậy thiếu khoảng 3.000 MW phải trông cậy vào việc truyền tải của đường dây 500 kV Mỹ Phước – Cầu Bông (khoảng 600 – 800 MW) và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 dự kiến sẽ phải phát điện cả 2 tổ máy trước tháng 6 – 2014 mới đủ điện cấp cho miền Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, việc EVN phải cải thiện chất lượng dịch vụ, bởi chất lượng điện nói chung chưa đáp ứng yêu cầu và các tiêu chí về quản lý như chất lượng cán bộ, kỹ sư, năng suất lao động của Tập đoàn này đều chưa có khả năng cạnh tranh. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu sang năm tới EVN phải đưa các tiêu chí so sánh với các nước trên thế giới với các mục tiêu cụ thể: tiêu chí nào, làm thế nào để đuổi kịp, trong bao nhiêu năm… tránh tình trạng “tự khen nhau vì năm sau nhích lên được một chút so với năm trước”. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nếu không xử lý nhanh vấn đề chất lượng, công nghệ cao sẽ không thể vào được chỉ vì điện. |