EVFTA - Hành trình kết tinh thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ

Thứ Bảy, 15/02/2020, 07:40
Đây là chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại tọa đàm trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều ngày 14-2 tại Hà Nội với sự tham gia của một số chuyên gia, đại diện cơ quan chức năng.


Cơ hội bước vào thị trường rộng lớn

Ngày 12-2, Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, Hiệp định tự do thương mại EVFTA mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.

Trước đó, từ tháng 10-2010, Việt Nam và EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. Gần 10 năm qua với rất nhiều phiên đàm phán kéo dài, với một khối lượng công việc khổng lồ về tất cả những nội dung liên quan đến quá trình hợp tác và những vấn đề liên quan mà các nhà đàm phán hai bên phải xử lý.

Nông sản có dư địa lớn để xuất khẩu vào EU.

Hành trình EVFTA, như một thành viên đoàn đàm phán nhận xét với hàng chục vòng đàm phán gay cấn, khắc nghiệt, nhưng đây cũng là thành quả của sự nỗ lực toàn hệ thống chính trị và các bộ, ban, ngành, nhiều cá nhân mà đến lúc này “nhớ lại có thể chảy nước mắt”.

Như Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) thì hành trình EVFTA và EVIPA là kết tinh của một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ.

Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho biết, EVFTA đánh dấu thành công của nền kinh tế trong hội nhập; thể hiện bản lĩnh và quyết tâm mở rộng quan hệ thương mại với EU, tạo thời cơ cho cộng đồng DN phát triển...Khi Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo cơ hội để Việt Nam thực hiện đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, XK tránh tình trạng phụ thuộc vào một vài thị trường như trước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác nhận, EVFTA sẽ mở ra thị trường giầu tiềm năng cho nông sản XK của Việt Nam. Thị trường này thường xuyên có nhu cầu nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD giá trị nông sản mỗi năm, trong khi hiện nay Việt Nam XK sang EU mới chỉ đạt 5 tỷ USD, điều này cho thấy dư địa cho hàng nông sản Việt Nam còn rất lớn. Đây là thị trường có khả năng chi trả cao nhưng cũng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, nhất là yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ...

Từ đó, mỗi đơn vị cần tập trung cho đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại để bảo đảm sản xuất sạch và yêu cầu về sản lượng và tiêu chuẩn của đối tác. Tuy nhiên, trong tình hình đó thì DN nhỏ, hộ sản xuất sẽ phải chịu áp lực lớn...

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, chắc chắn người lao động sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi có thêm việc làm, theo hướng cạnh tranh và bền vững hơn; sẽ có thu nhập cao hơn. Nhưng cũng sẽ xuất hiện sự dịch chuyển về lao động và yêu cầu về điều kiện, chất lượng lao động cao hơn. Nhìn chung, Việt Nam cũng cần đáp ứng tốt hơn và bảo đảm sự hài hòa trong quan hệ lao động với EU...

Cần nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo các chuyên gia, EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt. Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, với việc tham gia vào EVFTA cơ hội lớn nhưng thách thức cũng rất lớn. Theo đó, đầu tiên chính là năng lực cạnh tranh, đối với các ngành kinh tế thì phải cạnh tranh bình đẳng.

Khi hội nhập, có một số mặt hàng phải cạnh tranh, tuy nhiên nông sản sẽ gặp phải sự cạnh tranh lớn hơn, do đó đây là lĩnh vực đặc biệt được quan tâm trong quá trình đàm phán. Ngoài ra, có một số mặt hàng được kéo dài thời gian trong quá trình đàm phán.

Nông sản có dư địa lớn để xuất khẩu vào EU.

“Trong quá trình sản xuất DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn cam kết trong hiệp định, do vậy DN phải tìm hiểu kỹ về hiệp định, thị trường, thị hiếu và các hàng rào kỹ thuật của EU. Đơn cử như trong quá trình sản xuất không được sử dụng lao động trẻ em; trong quá trình đánh bắt thuỷ hải sản không được tận diệt…”, ông Thái cho biết.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng, khi EU giảm thuế thì chúng ta cũng phải mở cửa. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng sẽ phải cạnh tranh, bởi thịt nhập khẩu sẽ tăng mạnh. Với xu hướng này thì DN lớn sẽ đủ sức để cạnh tranh nhưng với người nông dân và DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ sẽ là một thách thức lớn. Do vậy, Bộ NN&PTNT đã có những chương trình tuyên truyền cho người dân để có những mô hình kinh tế tốt để đảm bảo sức cạnh tranh và yên tâm sản xuất.

“Trong bối cảnh, Việt Nam còn sản xuất manh mún nên rất khó trong việc quản lý, sản xuất theo chuỗi, đổi mới mô hình. Do vậy, một vấn đề rất quan trọng là kéo được các DN vào đầu tư cho nông nghiệp, đóng vai trò hạt nhân kết nối nông dân với nhà sản xuất.

Khi hội nhập thì người nông dân, DN phải thay đổi tư duy, do đó cần sản xuất chuyên nghiệp, phát triển hợp tác xã, thu hút DN vào đầu tư, tạo thành chuỗi sản xuất, chế biến. Tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Có như vậy, nông sản Việt mới đủ sức cạnh tranh trong hội nhập, đứng vững trên sân nhà và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU và các thị trường khác”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh, cần có những giải pháp để DN áp dụng được cơ chế ưu đãi của Hiệp định nhưng bên cạnh đó cần có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh  nghiệp vi phạm. Đặc biệt có một số trường hợp nếu có vi phạm của một doanh nghiệp trong một ngành thì EU có thể đưa ra hạn chế đối với cả ngành đó, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất của các DN trong nước. Sẽ rất đáng tiếc nếu để xảy ra trường hợp như vậy.

Lưu Hiệp
.
.
.