Đường nội “nằm” kho, đường lậu tung hoành

Chủ Nhật, 27/01/2013, 17:45
Theo thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam, mỗi ngày có hàng trăm tấn đường lậu được “tuồn” qua biên giới vào nội địa. Trung bình mỗi năm, lượng đường nhập lậu chiếm khoảng 30% thị phần trong nước (khoảng 300.000-400.000 tấn/năm) và có giá rẻ hơn so với giá đường trong nước, khiến các nhà sản xuất, nông dân trồng mía lao đao...

Những ngày cận Tết, tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp. Trong đó, mặt hàng buôn lậu đang “nóng” khiến ngành chức năng “đau đầu” là đường cát nhập lậu.

Theo thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam, mỗi ngày có hàng trăm tấn đường lậu được “tuồn” qua biên giới vào nội địa. Trung bình mỗi năm, lượng đường nhập lậu chiếm khoảng 30% thị phần trong nước (khoảng 300.000-400.000 tấn/năm) và có giá rẻ hơn so với giá đường trong nước, khiến các nhà sản xuất, nông dân trồng mía lao đao...

Đường lậu tung hoành

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), những năm qua tình trạng buôn lậu đường qua tuyến biên giới Tây Nam khá phức tạp. Đường lậu từ các kho bên kia biên giới tuồn vào sâu trong nội địa tiêu thụ với hình thức rất tinh vi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua tình hình nhập lậu đường cát trên tuyến biên giới Tây Nam diễn ra hết sức nhộn nhịp. Nếu như trước đây, các đầu nậu tập trung gom hàng ở khu vực xã Khánh An (huyện An Phú), Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc) thì nay dồn về thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) cùng tỉnh An Giang.

Ông N.V.H. (ngụ xã Vĩnh Ngươn) cho biết, đại bản doanh đường cát lậu ở Khánh An hay Vĩnh Ngươn đều do 2 anh em ông T. và bà M. làm chủ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do nội bộ bất đồng nên cả 2 tạm thời giao lại cho các chủ nhỏ gánh vác trọng trách.

Đường cát nhập lậu tấp nập dưới kênh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên (An Giang).

“Các chủ nhỏ này cũng không thua kém gì đàn anh, đàn chị. Họ cho hàng chục đàn em qua bên kia biên giới để “biến” thành hàng Việt rồi đợi thời cơ thuận lợi đưa vào sâu trong nội địa. Và nếu không may hàng bị bắt giữ, trong tích tắc, ông T. hoặc bà M. ra tay lấy lại bằng các hóa đơn chứng từ hợp lệ”(!?) - ông H. cho hay.

Còn theo phản ánh của ông T.V.G. (ngụ thị trấn Tịnh Biên), trong khoảng thời gian từ tháng 10/2012 trở lại đây, lượng đường cát nhập lậu về khu vực này khá tấp nập. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 chiếc vỏ lãi chạy xoay vòng theo các tuyến kênh nội đồng từ 11h đến chiều tối để “ăn hàng”. Mỗi chiếc có thể chở từ 50-150 bao đường cát các loại (50 kg/bao).

Trên bờ kênh Vĩnh Tế luôn có từ 3- 4 xe tải hạng nặng của ông chủ H. đang chực chờ và sẵn sàng đưa hàng đi tiêu thụ bất cứ lúc nào. “Cứ mỗi bao đường cát trót lọt qua biên giới thì coi như ông H. cầm chắc tiền lời không dưới 50.000 đ/bao”- ông G. nói.

Đường lậu được vận chuyển trên tỉnh lộ 956 về thị xã Châu Đốc (An Giang).

Tối 24/12/2012, Tổ tuần tra kiểm soát Trạm Cảnh sát đường thủy Tân Châu - Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) Công an An Giang tiến hành kiểm tra phương tiện thủy AG-20735 đang lưu thông trên sông (đoạn qua xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu) do ông Mai Văn Đẹp (SN 1956, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú) điều khiển, phát hiện trên ghe có 8.000kg đường cát trắng, bao bì không nhãn mác.

Tại thời điểm kiểm tra, tài công không chứng minh được nguồn gốc lô hàng, cũng như các giấy tờ liên quan nên đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm và tạm giữ lô hàng.

Tiếp đó, ngày 14/1, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng đã tống đạt quyết định tịch thu 100 tấn đường cát có nguồn gốc nhập lậu từ Thái Lan. Số đường này, do Đội 3 phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy Công an Đồng Tháp kiểm tra phát hiện trên chiếc xà lan đang neo đậu tại khu vực ấp Đông Thạnh, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).

Đường nội tồn kho

Vừa qua, Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát (Hậu Giang) đã ngưng hoạt động vì thua lỗ. Điều này làm nhiều nông dân trồng mía lo lắng vì nhà máy đường ngưng hoạt động thì nhu cầu mía nguyên liệu sẽ giảm.

Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: “Toàn huyện đã thu hoạch 9.037ha mía với giá từ 850-950 đ/kg (loại 10 chữ đường). Tuy nhiên, vào đầu vụ, nông dân bán rộ với giá từ 750-850 đ/kg, trong khi giá thành sản xuất là 820 đ/kg. Với giá bán như vậy nông dân chỉ từ hòa đến lỗ”. Chính vì vậy, trong vụ mía 2013, nông dân đã ngán ngẩm với cây mía nên chuyển sang trồng lúa, cây hoa màu khác.

Đường nhập lậu làm cho đường nội cũng như nông dân trồng mía lao đao.

Ông Lê Văn Tươi (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) rầu rĩ: “Đầu tư cả năm trời cho 7 công mía, nhưng do giá thấp, tôi bán huề vốn. Vì vậy, tôi quyết định chuyển đất mía chuyển sang trồng đậu, rau cải bán trong dịp Tết kiếm thu nhập”.

Không chỉ thế, tại một số vùng như: huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), TP Vị Thanh (Hậu Giang) mía trổ cờ trắng đồng nhưng vắng bóng thương lái đến mua. Nhiều nông dân như ngồi trên lửa khi tốn chi phí đầu tư cho vụ mía cả năm trời lại đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường nhập lậu này chiếm khoảng 30% thị phần trong nước, tương đương từ 300.000-400.000 tấn/năm. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các nhà máy mía đường mà nông dân cũng phải lao đao vì mía nguyên liệu liên tục bị rớt giá.

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, nguyên nhân số lượng đường trong nước tồn kho lớn do đường nhập lậu qua biên giới mỗi ngày gần cả 1.000 tấn. Trong khi đó, đường nhập lậu giá thấp hơn giá đường trong nước nên việc này dẫn đến hệ lụy nhà máy đường hoạt động cầm chừng, nông dân trồng mía là người gánh chịu

V.Đức – V.Vĩnh
.
.
.