Đường 70... "Tuyến đường đau khổ"

Thứ Tư, 08/10/2008, 08:47
Đường 70 là tuyến nối các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc với TP Hà Nội nhưng trớ trêu thay, còn gần 15km chạy qua các xã Đại Mỗ, Tây Mỗ, Xuân Phương... Mặt đường hầu như không còn nhựa mà chỉ toàn đất và nước nhầy nhụa, nhếch nhác. Và dù phương tiện không bị "bắn" tốc độ, nhưng tốc độ cũng chỉ chạy được bình quân... 20km/h. Xe máy phải lượn theo hình chữ S, ôtô thì đi như bò.

Đường 70 là tuyến nối các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc với TP Hà Nội. Đối với khu vực Hà Nội, tuyến đường được các chuyên gia trong ngành vận tải đánh giá là cầu nối quan trọng đảm bảo sự liên thông và thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội phía Nam và phía Tây thành phố.

Vậy nhưng trớ trêu thay, đường 70 đoạn chạy qua TP Hà Đông đã được hoàn thiện từ lâu nhưng còn gần 15km chạy qua các xã Đại Mỗ, Tây Mỗ, Xuân Phương, Minh Khai, Tây Tựu, Thượng Cát thuộc huyện Từ Liêm, lại được người dân mệnh danh là "tuyến đường đau khổ" bậc nhất của Hà Nội hiện nay.

Mặt đường hầu như không còn nhựa mà chỉ toàn đất và nước nhầy nhụa, nhếch nhác. Và dù phương tiện không bị "bắn" tốc độ, nhưng tốc độ cũng chỉ chạy được bình quân... 20km/h. Xe máy phải lượn theo hình chữ S, ôtô thì đi như bò.

Anh Nguyễn Thành Nam, tài xế xe tải cho biết: "Qua đoạn đường này phải mất gần 50 phút, trong khi đối với những tuyến đường bình thường khác tôi chỉ cần 20 phút. Không chỉ dễ mắc lầy, những xe tải chở nặng có thể bị gãy nhíp khi qua đoạn đường quá nhiều hố sâu này".

Chỉ vào những mái nhà bám đầy bụi đường, một người dân bức xúc: "Tết sắp đến nhưng đường thật tồi tệ. Khi nắng người dân có thể tưới nước cho đỡ bụi nhưng trời mưa thì đành bó gối ngồi nhà vì đường mênh mông nước. Cũng có năm, con đường được vá víu tạm bợ, nhưng do không có hệ thống thoát nước và thường xuyên ngập nên lại bị băm nát"…

Điều đáng nói là, phát triển giao thông và hạ tầng đô thị khu vực là một trong những nội dung được Chính phủ ưu tiên về ngân sách, sự chỉ đạo và cơ chế thực hiện. Đặc biệt, khu vực xung quanh Trung tâm Hội nghị quốc gia đã được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo tại Thông báo số 33/TB-VPCP ngày 27/2/2007 của VPCP tại cuộc họp bàn về quy hoạch khu vực xung quanh Trung tâm Hội nghị quốc gia. Thế nhưng, từ đó cho đến nay, tuyến đường không những không bớt… "đau khổ" hơn mà thậm chí, ngày càng khiến người dân khó thở vì… quá ô nhiễm và xuống cấp.

Điều khiến dư luận suy nghĩ, trong khi đoạn kết nối với đường 70 đoạn qua TP Hà Đông đã được nâng cấp thành 2 làn đường với dải phân cách thì phần đường nằm trên địa phận Hà Nội cũ vẫn chưa được triển khai. Điều này khiến không ít người đặt dấu hỏi: Phải chăng TP Hà Nội chưa coi trọng đúng mức việc phát triển giao thông kết nối với các khu vực cận kề?

Có thể ví dụ QL 32 và đường 70 đoạn qua địa phận Hà Tây đã hoàn thành từ lâu mà đoạn khớp nối trên địa bàn Hà Nội quá chậm hoặc chưa triển khai, tương tự, đường Lê Văn Lương đang triển khai đoạn Hà Đông, còn đoạn Hà Nội vẫn chưa khởi động… 

Cùng đó, Sở GTVT Hà Nội có Quyết định số 13/QĐ-GTVT về giảm tải cho đường 6 đã phân luồng giao thông các xe tải từ QL 6 đi phía Bắc qua cầu Thăng Long đi theo tuyến Hà Đông - đường 70 - đường Láng Hòa Lạc - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long khiến tuyến đường 70 ngày càng quá tải...

Trong khi đó, giải pháp cấm xe tải hoạt động trên quốc lộ này sẽ là giải pháp phi thực tế vì đây là tuyến đường xương sống, đáp ứng việc vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ việc đô thị hóa cho cả TP Hà Đông và khu vực Láng - Hòa Lạc. Việc sửa chữa vụn vặt hoàn toàn không phù hợp với tuyến đường này. Rõ ràng, việc nâng cấp sửa chữa là công việc bức thiết cần phải được chính quyền TP và các nhà quy hoạch đặt ra một cách nghiêm túc

Nhóm PV
.
.
.