Được mùa, vải thiều lại lo rớt giá

Thứ Sáu, 13/06/2014, 09:47
Năm nay, người dân Bắc Giang lại được đón một mùa vải thiều trĩu quả. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu đã bước vào chính vụ, vải chín đồng loạt cũng là lúc hàng nghìn hộ dân trồng vải lại lo không tiêu thụ hết hàng và bị tư thương “ép” giá. Một trong những nguyên nhân chính là quả vải thiều vẫn đang bị phụ thuộc vào thị trường truyền thống Trung Quốc.

Một người mua, trăm người bán vải

Mặc dù từ đầu năm, thời tiết không thuận lợi nhưng vải thiều năm nay vẫn được đánh giá là có sản lượng lớn, ước đạt trên 140.000 tấn quả tươi, cao hơn so với năm 2013 khoảng 5.000 tấn. Tuy nhiên, khác với các loại quả có thời gian chín kéo dài, vải thiều thường chín rộ vào cùng một thời điểm, khoảng một tháng và nguồn tiêu thụ lớn vẫn là từ các tư thương Trung Quốc nên hầu hết các hộ dân trồng vải đều bị động, không tự chủ động được đầu ra cho quả vải của mình. Dự báo với sản lượng vải 140.000 tấn, trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60%, xuất khẩu 40% (Trung Quốc chiếm khoảng 95% sản lượng xuất khẩu).

Theo ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, toàn huyện có 1.000 điểm thu mua vải lớn, nhỏ. Vào vụ, nườm nượp các tư thương kéo về thu mua vải thiều. Nhưng phần lớn, việc mua bán giữa người dân và tư thương đều là thỏa thuận miệng, không có hợp đồng ký kết nên người trồng vải vẫn ở thế bị động, giá cả do tư thương quyết định. Theo anh Đỗ Văn Thắng, một chủ hộ trồng vải ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, với nửa ha đồi trồng vải thiều, trung bình mỗi năm gia đình anh thu hoạch được khoảng 7 tấn vải. Tuy nhiên, việc thu mua phải qua thương lái nên mỗi tạ vải, anh lại phải chiết khấu cho khâu trung gian này 8-10kg.

“Năm nay được mùa, nghìn người bán vải mới có một người mua nên chúng tôi đang bị ép giá. Dền dứ không bán là bị ế ngay. Như sáng nay có người trả 20.000 đồng/kg tôi đang phân vân thì đến trưa, giá chỉ còn 15.000 đồng/kg. Trong khi những người dân trồng vải theo mô hình hộ gia đình như chúng tôi lấy đâu ra kho bảo quản. Không bán thì vải hỏng”, anh Thắng phân trần. Một thực tế là vải người dân tự trồng theo kinh nghiệm và vải vì thế cũng có chất lượng khá khác nhau. “Vì sản phẩm thiếu sự đồng đều về chất lượng, dẫn đến giá vải thiều có sự chênh lệch cao từ 7.000 - 32.0000 đồng/kg”, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Trần Quang Tấn cho biết.

Nông dân vẫn chưa tự quyết định được giá cho quả vải. Ảnh: Thanh Xuân.

Quả vải tìm đường đến các thị trường khó tính

Không để nông dân phải tự xoay xở tìm đầu ra cho vải thiều, hai bộ Công thương và NN&PTNT đã ký kết biên bản ghi nhớ tìm giải pháp tiêu thụ vải giúp người nông dân vừa được mùa, vừa đảm bảo giá thành sản phẩm. Mới đây nhất, đại diện của hai bộ đã có cuộc khảo sát thực địa tại các vườn vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tại buổi khảo sát, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) nhận định, ngoài thị trường xuất khẩu, phải đẩy mạnh thị trường nội địa. “Nhật Bản đã rất thành công nhờ sử dụng công nghệ tế bào để bảo quản. Giá vải ở Nhật Bản là 16USD/5 quả. Đây là giấc mơ của người trồng vải Việt Nam. Nếu công nghệ này tốt, Việt Nam có thể trao đổi công nghệ, kéo dài thời gian bảo quản thì giá trị quả vải sẽ được nâng cao”, ông Hòa khẳng định.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, theo thông tin từ Tổng Công ty Rau quả thì hiện 16 nhà máy chế biến đã sẵn sàng và bắt đầu cho thu mua, vì giá và chất lượng vải hiện nay có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều bạn hàng như Hàn Quốc, Nhật Bản. Vụ Thị trường trong nước sẽ phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp gỡ các thương nhân, công ty, chợ đầu mối để đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường chợ truyền thống và siêu thị. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang cũng đã đề nghị Hải quan các cửa khẩu Kim Thành - Lào Cai, cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam tỉnh Lạng Sơn... tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục giấy tờ một cách nhanh chóng để người dân có thể xuất khẩu vải thiều một cách nhanh nhất.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ sẽ kết hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, tìm giải pháp hữu hiệu giúp kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch cho quả vải thiều, đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương về chương trình xúc tiến thương mại ở các thị trường tiềm năng, khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Nga, Australia… để giảm bớt lệ thuộc vào các thị trường truyền thống, đảm bảo ổn định giá cả cho người trồng vải

Chi Linh
.
.
.