Dùng hồ sơ nhà, đất giả lừa nhiều ngân hàng

Thứ Tư, 28/03/2007, 12:08
Vụ việc được tình cờ phát hiện nhờ một cán bộ tín dụng của Ngân hàng Quốc tế Chi nhánh Đà Nẵng. Đến lúc này thì 7 ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng mới “ngã ngửa” khi phát hiện ra mình cũng là một nạn nhân của cùng một “cao thủ”...

Sau khi dùng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (QSHN) và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (QSDĐ), (gọi tắt là sổ đỏ, sổ hồng) giả mạo để thế chấp vay vốn tại một loạt ngân hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng thành công, tháng 11/2006, Trần Thái Vũ, với chức danh Giám đốc Công ty TNHH Trần Vũ tiếp tục đến Ngân hàng Quốc tế Chi nhánh Đà Nẵng xin thế chấp để vay với số tiền vay ngắn hạn từ 3-4 tỷ đồng nhằm mục đích kinh doanh.

Từ một sự nghi vấn...

Thế nhưng, quá trình kiểm định kéo dài do hồ sơ chưa đầy đủ nên Vũ chưa vay vốn được. Đến đầu tháng 3/2007, sau khi hoàn tất công tác kiểm định, ngân hàng Quốc tế Chi nhánh Đà Nẵng đồng ý cho Vũ vay 1,2 tỷ đồng để kinh doanh và tài sản thế chấp vay vốn là ngôi nhà số 22 Hùng Vương do Trần Thái Vũ đứng tên.

Ngân hàng này đã ký xong hợp đồng tín dụng, hợp đồng tài sản đảm bảo để đi công chứng. Mọi thủ tục đã xong và chờ đợi giải ngân.

Thế nhưng, đến ngày 16/3, trước khi giải ngân, cán bộ tín dụng của Ngân hàng Quốc tế Chi nhánh Đà Nẵng thấy ngờ ngợ về một trong những chi tiết trên hồ sơ nên đã gửi đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) quận Hải Châu, TP Đà Nẵng xin xác minh.

Không mất nhiều thời gian, VPĐKQSDĐ quận Hải Châu đã phát hiện đó là hồ sơ giả và nhờ cơ quan hữu quan can thiệp. Sau khi sự việc dùng hồ sơ giả để thế chấp vay vốn ngân hàng được thông tin, một số ngân hàng mới hoảng hốt kiểm tra lại số hồ sơ nhà, đất thế chấp mang tên Trần Thái Vũ thì mới vỡ lở ngân hàng mình cũng "dính" vào vụ lừa đảo "ngoạn mục" này…

Theo VPĐKQSDĐ quận Hải Châu cho biết, đến ngày 15/3, đã có 7 hồ sơ nghiệp chủ nhà, đất giả gửi đến các ngân hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng để thế chấp vay vốn với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng…

Hầu hết các hồ sơ đứng tên người xin thế chấp tài sản để vay vốn tên là Trần Thái Vũ và tài sản dùng để thế chấp vay vốn là các căn nhà ở số 22 đường Hùng Vương, nhà 150, 150B Trần Phú, nhà số 126 Tống Phước  Phổ…, TP Đà Nẵng.

Đến chuyện mất cảnh giác của các ngân hàng

Chúng tôi đến Ngân hàng Việt Á Đà Nẵng, đây là một trong những ngân hàng đầu tiên có quan hệ tín dụng với Trần Thái Vũ. Cán bộ tín dụng ở đây cho biết, từ trước năm 2000, Trần Thái Vũ đã dùng căn nhà số 22 đường Hùng Vương do người cha đứng tên để thế chấp xin vay ngân hàng này 600 triệu đồng.

Hồ sơ nhà đất là hồ sơ thật chứ không phải giả. Thế nhưng, đến thời hạn trả nợ vay, Vũ khất dần, khất mòn và buộc Ngân hàng Việt Á đã khởi kiện ra tòa và sau đó, Vũ đã trả hết tiền vay cho ngân hàng.

Sau khi trả tiền vay xong, Vũ lại đến Ngân hàng Việt Á xin vay vốn tiếp, thế nhưng ngân hàng đã từ chối vì lý do sự ì xèo về khoản nợ vay của lần trước. Vũ đã nảy ra ý định làm hồ sơ nhà, đất giả để thế chấp vay vốn ngân hàng…

Một trong những chi tiết không hợp lý trên hồ sơ giả mà các ngân hàng không nhận ra là theo quy định, kể từ ngày 16/12/2004 trở đi (ngày Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai có hiệu lực thi hành) thì thẩm quyền của UBND TP Đà Nẵng chỉ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, còn đối với hộ gia đình cá nhân thì thẩm quyền do UBND quận, huyện cấp.

Thế nhưng, các ngân hàng vẫn chưa hiểu được quy định này và để hồ sơ nói trên (do Phó Chủ tịch UBND TP ký) của Vũ lọt qua sự kiểm soát?!

Dùng hồ sơ giả để lừa đảo moi tiền Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngân hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng, điều đó là đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng hơn là hồ sơ giả đó từ đâu ra, ai là người cùng Trần Thái Vũ tạo dựng nên những hồ sơ giả mạo đó. Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ

Tân Phong
.
.
.