Dùng giấy tờ nhà đất giả lừa chiếm đoạt tiền tỷ

Thứ Tư, 06/10/2010, 23:59
Gần đây, tình trạng lừa đảo bằng hình thức dùng giấy tờ nhà đất giả vay lấy tiền thật đã được nhiều đối tượng áp dụng khá phổ biến. Tinh vi hơn, để tạo niềm tin với người cho vay tiền, các đối tượng này không chỉ cầm cố giấy tờ nhà đất mà còn trả lãi suất cao, chấp nhận các yêu cầu ràng buộc của người cho vay…

Mới đây nhất là trường hợp lừa đảo của Nguyễn Thị Bình (41 tuổi, HKTT tại phường 13, quận 6), vụ việc này hiện cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh đang thụ lý, giải quyết. Để thực hiện việc lừa đảo, Bình đã lân la tìm hiểu và biết được Nguyễn Công Minh (42 tuổi, tạm trú tổ 8A, ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) làm được hồ sơ giấy tờ nhà đất giả.

Sau nhiều lần tiếp cận, Bình đã "móc nối", nhờ Minh làm giả giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (QSHNƠ và QSDĐƠ) số 956/2009/UB-GCN ngày 25/9/2009 tại ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) số 7013933 ngày 3/7/2008 tại phường 13, quận 6. Tất cả giấy tờ này đều do UBND huyện Bình Chánh cấp cho Bình đứng tên. Có được hồ sơ giả trong tay, Bình lên kế hoạch cho việc lừa đảo của mình.

Trước tiên, Bình đưa hồ sơ giả cho "cò" Hồ Văn K. để "cò" K. tìm người vay tiền. Qua giới thiệu của "cò" K., chị Nguyễn Thị H. (41 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) đồng ý cho Bình vay 400 triệu đồng với lãi suất 7%. Tuy nhiên, sợ bị "lật kèo" sau này, chị H. ràng buộc Bình phải làm giấy bán đất, nhà cho chị H. Điều kiện của chị H. đưa ra đã được Bình chấp thuận ngay.

Những sổ đỏ giả Nguyễn Thị Bình sử dụng để vay tiền của một số cá nhân.

Để tạo niềm tin với đối tác, Bình đưa chị H. về nhà Bình thuê trọ tại ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh và "nổ" rằng, đó là nhà của mình đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSHNƠ & QSDĐƠ số 956/2009/UB-GCN ngày 25/9/2009. Đồng thời, Bình cũng chỉ đại một mảnh đất ở gần đó và cũng cho rằng đây chính là miếng đất có GCNQSDĐ số 7013933 ngày 3/7/2008 do UBND huyện Bình Chánh cấp do mình đứng tên. Không chỉ xem giấy tờ mà còn tận mắt nhìn thấy nhà, đất thật, chị H. không ngần ngại cho  Bình vay số tiền 400 triệu đồng.

Thấy ngon ăn, ngày 1/8/2010, Bình tiếp tục nhờ Minh làm giả giấy chứng nhận QSHNƠ và QSDĐƠ số 956 ngày 25/9/2009 của UBND huyện Bình Chánh cấp và cũng do Bình đứng tên. Có giấy tờ giả trong tay, Bình đem photo và qua vài người giới thiệu, chị Nguyễn Thị K.H. (43 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cũng đồng ý cho Bình vay 200 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng và cũng ràng buộc Bình bằng hợp đồng với hình thức mua bán nhà.

Giống như lần trước, sau khi làm hợp đồng mua bán xong, Bình đưa chị K.H. về nhà thuê, cũng nói dối là nhà mình đã được cấp giấy chứng nhận QSHNƠ & QSDĐƠ. Thấy đã đủ tin cậy, chị K.H. đồng ý giao tiền. Nhưng khi Bình đang nhận tiền từ chị K.H. thì bị Công an xã Vĩnh Lộc ập vào kiểm tra bắt quả tang.

Nếu như Nguyễn Thị Bình sử dụng giấy tờ giả nhắm vào những người có nhu cầu cho vay với số tiền lớn để lừa đảo, thì trường hợp của vợ chồng ông Bá bị lừa là do chính người cho vay. Do cần vốn để mở rộng kinh doanh, vợ chồng ông Bá đưa cho Trần Thị Minh Ngọc (29 tuổi, ngụ phường 4, quận 10) GCNQSDĐ để đi vay tiền. Ngọc thế chấp GCNQSDĐ này cho Nguyễn Thị Mai (52 tuổi, ngụ phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) và vay được 500 triệu đồng với lãi suất 10%/ tháng.

Qua một thời gian giao dịch, vợ chồng ông Bá không khả năng trả lãi nên tiền nợ cao thêm. Nhằm đảm bảo việc thu hồi nợ, bà Mai yêu cầu Ngọc ký một giấy thể hiện việc Ngọc bán lô đất nói trên cho bà. Sau đó, vợ chồng ông Bá cùng Ngọc đến gặp bà Mai để xin chuộc lại GCNQSDĐ. Tuy nhiên, bà Mai đã đem GCNQSDĐ của vợ chồng ông Bá bán cho người khác với giá 2,3 tỷ đồng.

Việc mua bán chỉ bằng giấy tay, không có chứng nhận của chính quyền địa phương. Cũng tin vào lời "cò", vợ chồng ông Bá phải bỏ ra 700 triệu đồng để chuộc lại GCNQSDĐ. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra GCNQSDĐ tại UBND xã, vợ chồng ông Bá mới tá hỏa vì đó là GCNQSDĐ… rởm.

Thực tế cho thấy, những kiểu lừa đảo như trên hiện xảy ra khá phổ biến ở những quận, huyện vùng ven TP HCM. Vì vậy, để tránh sập bẫy lừa đảo như các trường hợp kể trên, trước khi mua bán, nhận thế chấp giấy chứng nhận QSHNƠ và QSDĐƠ, người dân nên xác minh tại chính quyền địa phương hoặc Phòng Tài nguyên Môi trường xem giấy tờ trên có hợp lệ hay không

K.Ngân
.
.
.