Dưa hấu giá 1.000 đồng/ký, thương lái vẫn chê

Thứ Tư, 15/04/2009, 09:46
Một nông dân ở Bình Định cho biết: "Dù đã ứng trước 15 triệu đồng nhưng đến mùa thu hoạch thương lái chẳng buồn đến lấy dưa hấu dù giá chỉ còn 1.000 đồng/ký.
>> Hàng nghìn tấn hoa quả ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn

Chưa bao giờ không khí sản xuất của nông dân Bình Định lại  buồn như những ngày qua. Khi cây mì, cây mía, cây điều, cây dứa,… đã lao đao trong suốt mấy năm qua thì bây giờ đến lượt dưa hấu cũng đang khốn đốn trên đồng ruộng. Diêm dân tại các vùng ven biển cũng đang lâm vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì nợ" do những cơn mưa trái mùa dai dẳng.

Mùa dưa hấu… đắng

Từ ngày thông tin "hàng ngàn tấn dưa hấu bị kẹt tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)" về đến Bình Định, biết bao nông dân của huyện Tây Sơn phải lâm vào cảnh mất ăn, mất ngủ vì dưa. Tại ruộng, giá dưa từ hai ngàn đồng một ký hạ dần, hạ dần cho đến khi chỉ còn một ngàn đồng/ký… vẫn không có người mua.

Chị Nguyễn Thị Sen (thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) cho biết: Chúng tôi gồm 5 gia đình trồng 50 sào dưa. Khi dưa đến ngày thu hoạch, một thương lái đến ký hợp đồng mua dưa với giá 2.000 đồng/ký và đã ứng cho chúng tôi 15 triệu đồng để thu hoạch dưa.

Nhưng đến khi thu hoạch xong thì họ chẳng buồn đến lấy dưa. Chúng tôi gọi điện, chấp nhận hạ một giá, rồi hai giá,… cho đến khi còn 1.000 đồng/ký, cũng không ai đả động gì. Bây giờ có điện thì cũng chỉ nhận được tiếng "ò… í… e…"!.

Không chỉ ở huyện Tây Sơn, mà tại các huyện An Nhơn, Tuy Phước,… của tỉnh Bình Định cũng còn hàng trăm hécta dưa hấu đang đến kỳ thu hoạch nhưng không biết phải tiêu thụ ở đâu.

Dưa thu hoạch xong, không bán được, căn lều giữ cho đến thối.

Anh Nguyễn Nhơn, một nông dân xã Bình Nghi (Tây Sơn) cho biết: Mỗi sào dưa từ khi trồng đến khi thu hoạch phải đầu tư 3,5 triệu đồng cộng với hơn 2 tháng công lao động, đến khi thu hoạch được khoảng 2 tấn, với giá mua ít nhất là 2.000 đồng/ký thì mới mong gỡ lại vốn. Bây giờ mà tự chở đi các nơi phải cộng thêm cả tiền xe chuyên chở và các khoản chi tiêu khác nhưng bán cũng với giá 2.000 đồng/ký mà chưa chắc đã bán được dưa thì lỗ càng nặng hơn.

"Năm nào dưa được mùa lại mất giá mà được giá thì mất mùa, cứ luẩn quẩn như vậy nên chẳng khi nào chúng tôi khá lên được!", anh Nhơn tâm tư.

Diêm dân… khổ vì muối!

Tình cảnh của diêm dân tại các làng ven biển của tỉnh Bình Định cũng chẳng khá hơn là mấy. Bao nhiêu mong mỏi cho vụ muối bỗng chốc tan thành mây khói bởi những cơn mưa trái mùa.

Đã vào giữa tháng tư, đang thời chính vụ mà cánh đồng muối Nhà Chung rộng gần 15ha, nơi sản xuất chủ yếu của gần 100 hộ dân phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) vẫn đìu hiu, nước ngập trắng đồng.

Cánh đồng muối Nhà Chung, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn toàn nước mưa vào những ngày đầu tháng tư.

Trên đồng chỉ thấp thoáng một vài diêm dân nhưng không phải để làm muối mà là đi thả lưới, bắt tôm cá. Anh Nguyễn Đức Nhã (khu vực 4, phường Nhơn Bình), đang thả lưới trên đồng, cho biết: "Muối vừa ra những hạt đầu tiên thì đã gặp mưa tan hết cả rồi. Mấy năm nay thời tiết bất thường nên diêm dân chúng tôi phải thường xuyên "ăn quả đắng". Chẳng biết làm gì nên tôi phải mang lưới ra đồng kiếm thêm vài con cá cải thiện bữa ăn. Chắc rồi cũng phải kiếm cái chân phụ hồ để nuôi gia đình thôi chứ bám vào ruộng muối mãi thì biết sống ra sao!".

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, toàn tỉnh có gần 270ha làm muối nhưng hiện chỉ thu hoạch được khoảng 3.000 - 4.000 tấn, thấp hơn trung bình cùng kỳ các năm trước từ 8.000 - 10.000 tấn.

Ông Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Xí nghiệp muối I-ốt Bình Định (thuộc Công ty cổ phần Muối & Thương mại miền Trung) cho biết: Trong khi vụ muối tại miền Nam gần kết khúc và cũng mất mùa nên giá muối sẽ bình ổn hoặc tăng lên vài giá. Nhưng nếu Nhà nước có chủ trương nhập khẩu muối thì giá sẽ hạ xuống ngay nên theo quan điểm cá nhân tôi thì không nhập khẩu muối nguyên liệu chính là biện pháp hữu hiệu để diêm dân ổn định được cuộc sống.

Nông dân biết cậy vào đâu?

Bình Định là một tỉnh nghèo của miền Trung, người dân chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng từ đầu năm đến nay ngành nông nghiệp của Bình Định liên tục được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà toàn những chuyện đáng buồn.

Nào là người nuôi tôm thua lỗ không còn khả năng trả nợ, người nuôi bò sữa thất bại, âm nợ tiền tỷ, gỗ nguyên liệu mất giá, người trồng rừng lao đao, cây mì mất giá,…

Trong năm 2008, nông dân Bình Định lại khốn đốn vì cây mía, cây điều, cây cau,… Năm 2007 trở về trước lại khổ vì cây dứa, cây tiêu, cây dừa… Còn bây giờ nông dân lại tiếp tục thất bại với dưa hấu và diêm dân lại khổ với những ruộng muối. Với tình trạng như vậy, nông dân cũng chẳng biết bám vào cây, con hay nghề gì để sống.

Hầu như lần nào về nông thôn, tìm hiểu những đề tài nông nghiệp, chúng tôi cũng được nghe bà con nông dân bày tỏ nguyện vọng có cơ hội ly hương, ly nông về các thành phố lớn để làm thuê kiếm sống. Vì sao? Những nhà hoạch định chính sách nông nghiệp của tỉnh Bình Định cần khẩn trương có biện pháp giúp người dân

Hoàng Minh
.
.
.