Dự thảo về giá bán lẻ điện: Không thể tạo đặc lợi, lợi ích nhóm

Thứ Ba, 12/03/2013, 07:23
Dự thảo do Bộ Công thương soạn thảo quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện đang gây lo lắng trong công luận, bởi nếu dự thảo này được thông qua, người dân đứng trước sức ép tăng giá điện rất lớn. Ngược lại, có vẻ như quy định chỉ nhằm bảo vệ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thao túng giá điện.

EVN được quyền tăng giá bán tới 20%/năm

Theo dự thảo, trường hợp các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện tại thời điểm tính toán thấp hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 5% trở lên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được quyết định giảm giá bán điện tương ứng. EVN báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính để giám sát. Trường hợp các thông số đầu vào tăng từ 2% đến 5% và trong khung giá quy định thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau được Bộ Công thương chấp thuận. Khi thông số đầu vào biến động trên 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định.

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được tờ trình của EVN, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến đến Bộ Công Thương. Bộ Công thương trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính. Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công thương trình Thủ tướng mà chưa có ý kiến trả lời, cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%. Việc tăng giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu 3 tháng.

Với quy định như trên, có vẻ như Bộ Công thương đang thả giá điện về tay EVN. Nếu mỗi lần tăng giá cách nhau 3 tháng thì một năm, EVN được tự tăng giá bán điện đến 20% và mỗi lần tăng giá từ 5% trở xuống, EVN chỉ cần “thông báo” cho bộ chủ quản là Bộ Công thương biết, chứ không phải xin ý kiến chỉ đạo.

Không thể buông giá điện cho EVN. Ảnh: Khánh An.

Nhà quản lý nắm đằng lưỡi, EVN đầu chuôi!

Điểm đáng chú ý nhất ở dự thảo này là quy định: “Trường hợp các thông số đầu vào tăng từ 2% đến 5% và trong khung giá quy định thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng”.

Theo Thông tư 31, ngày 19/8/2011 của Bộ Công thương quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản thì nguyên tắc xác định các thông số đầu vào cơ bản gồm: tỷ giá đô la Mỹ, giá nhiên liệu. Tỷ giá tính toán là tỷ giá đô la Mỹ được tính bình quân theo ngày, từ ngày điều chỉnh giá bán điện lần liền trước đến ngày 15 của tháng tính toán (hoặc của ngày làm việc liền trước nếu ngày 15 trùng với ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ), được lấy bằng tỷ giá đô la Mỹ bán ra giờ đóng cửa của Hội sở chính - Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Giá nhiên liệu tính toán là giá nhiên liệu bình quân theo ngày, từ ngày điều chỉnh giá bán điện lần liền trước đến ngày 15 của tháng tính toán...

Như vậy, chỉ cần tỷ giá đô la Mỹ hoặc giá dầu thô trên thế giới có biến động tăng, khiến thông số đầu vào tăng 2-5% thì EVN nghiễm nhiên được quyền tăng giá bán. Đây là con số rất nhạy cảm, bởi lẽ thị trường tài chính, thị trường dầu lửa trong nước và thế giới hiện biến động khó lường.

Trong mốc 3 tháng, việc tăng dao động từ 2-5% là xảy ra thường xuyên. Chẳng hạn như dầu lửa, trong một tháng có thể biến động đến 10%. Do đó, việc chỉ đưa ra tỷ lệ đến 2% thì EVN có quyền tăng giá bán điện là rất phi lý, bởi giá bán điện phải đảm bảo tính ổn định cho cả nền kinh tế, không thể “nhảy múa” theo giá đô la Mỹ và giá nhiên liệu. Đồng thời, lâu nay các doanh nghiệp chủ yếu tính toán theo hướng tăng mà hiếm khi tính giảm, thế nên dẫn tới việc khi giá đô la, giá dầu mỏ tăng thì ngay lập tức EVN sẽ thúc ép để tăng ngay, còn khi tỷ giá này giảm xuống tương ứng thì khó lòng họ giảm. Điệp khúc kêu lỗ lại ngụy biện mọi sự giảm giá.

Nếu trong một năm, EVN được quyền tăng tới 20% cho cả 4 đợt mà không phải báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính, thì mức tăng đó là rất lớn. Điều này dẫn tới chính EVN cũng lách luật, bởi trong trường hợp giá biến động hơn 5% thì EVN phải xin phép Bộ Công thương, Tài chính nên doanh nghiệp này sẽ dùng cách chia nhỏ để mỗi lần tăng chỉ dưới 5% mà không cần “thỉnh thị”. Đồng thời, quy định “sau 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công thương trình Thủ tướng mà chưa có ý kiến trả lời, cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%” cũng làm bó tay chính cơ quan chủ quản. Tăng giá điện là việc hệ trọng, thế mà lại tự ràng buộc ở cái mốc 15 ngày, nếu chậm trễ thì EVN tăng luôn mà không cần phải chờ ý kiến của bất kỳ cấp nào! Quy định này không khác gì vẽ ra con dao, mà đằng chuôi lại giao cho doanh nghiệp vì lợi nhuận, còn nhà quản lý nắm phía ngược lại. Đây là trường hợp hạn hữu.

Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua, quy định những mặt hàng thiết yếu Nhà nước vẫn phải quản lý giá. Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định giá những mặt hàng thiết yếu theo danh mục quy định, trong đó có điện, xăng dầu. Hiện, việc tăng giá xăng dầu dù dư luận rất bức xúc, nhưng nếu đối chiếu với giá điện thì vẫn “chào thua”. Bởi mỗi lần tăng giá điện 500 hay 1.000 đồng (tức khoảng 2-5%), Bộ Tài chính, Công thương phải họp cân nhắc kỹ, vậy mà tăng giá điện cũng ở mức đó thì EVN toàn quyền tự quyết.

Xăng dầu và điện đang độc quyền trên nền vốn, tài sản của nhân dân từ lịch sử để lại. Không có bất cứ lý do gì người dân đã gom góp xây dựng hai ngành này mấy thập kỷ, nay họ lại trục lợi dưới lớp áo “tuân theo thị trường”.

EVN chỉ lo vun vén cho mình

Nói về về kế hoạch tăng giá điện năm 2013 của EVN, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, EVN nói vai trò của mình chỉ là mua - bán điện, mua cao thì phải bán giá cao, chi phí tăng thì phải tăng giá điện là không hợp lý. EVN chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình. Trong khi đó, người dân phải chịu sự tăng giá gián tiếp nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác do giá điện tăng lên. Nếu năm 2013, giá điện cứ 3 tháng tăng một lần trong khi kinh tế còn rất khó khăn sẽ tạo ra áp lực rất lớn, là gánh nặng “không thể chống đỡ của cả nền kinh tế và người dân. Năm 2012, giá điện được điều chỉnh 2 lần vào ngày 1/7 và 22/12. Sau khi tăng 5% vào cuối năm ngoái, mức giá điện bình quân từ 1.369 đồng mỗi kWh đã lên 1.437 đồng.

Đ.Trường
.
.
.