Du lịch Quảng Ninh: Bao giờ “gà đẻ… trứng vàng”?

Thứ Năm, 30/08/2007, 10:36
Càng ngày việc khai thác các tiềm năng du lịch tại Quảng Ninh càng lộ dần những hạn chế đáng báo động. Nhìn tổng quan, "con gà" du lịch tỉnh này vẫn bền bỉ đẻ trứng, song đó chưa phải là "trứng vàng" như từng mong đợi.

>> Hy vọng cho du lịch đường biển ở Quảng Ninh

Với nhiều lợi thế tự nhiên, Quảng Ninh có vị trí nổi bật về khai thác du lịch. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm qua, mức độ tăng trưởng dường như vẫn chỉ dựa vào duy nhất một yếu tố: Số lượng khách đến gia tăng theo mỗi năm. Trong khi đó, để nhiều tiêu chí khác như chất lượng dịch vụ, số lượt khách quốc tế quay lại lần hai, tỷ lệ khách lưu trú tính trên tổng lượng khách đến... vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể.

Tiềm năng du lịch rộng mở

Tiềm năng để phát triển du lịch tại Quảng Ninh nhiều vô kể. Điển hình nhất là vịnh Hạ Long, món quà quý giá của thiên nhiên ban tặng nay đã là di sản thế giới và đang được đề cử trở thành 1 trong 7 kỳ quan độc đáo nhất hành tinh. Ngoài vịnh ra, Quảng Ninh còn có rất nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng khác nữa, mà phải xếp theo nhóm cho dễ nhớ.

Nhóm du lịch biển có vịnh Bái Tử Long, bãi tắm Trà Cổ, Quan Lạn, Vân Đồn, nhóm di tích văn hóa lịch sử có quần thể chùa tháp Yên Tử (Uông Bí), đền Cửa Ông (Cẩm Phả), đền Tam Công (Yên Hưng); nhóm du lịch thương mại có các cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh...

Thấy rõ được lợi thế của mình nên trong quá trình điều hành các nhiệm vụ KTXH, Đảng, chính quyền Quảng Ninh đã có các nghị quyết mang tính chiến lược: Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu KTXH của tỉnh cần được đầu tư đổi mới để phát triển theo từng giai đoạn. Đến năm 2015, Quảng Ninh sẽ trở thành một trung tâm du lịch lớn, hiện đại ở trong nước và khu vực...

Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã thu hút được khoảng trên 8.500 tỷ đồng, với trên 50 dự án đầu tư, chiếm tỷ trọng trên 50% tổng số dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Khu du lịch quốc tế Tuần Châu, khu công viên quốc tế Hoàng Gia, cáp treo Yên Tử, Trà Cổ - Móng Cái, du lịch biển đảo Vân Đồn v.v... đã được hình thành tự định hướng và bước đi chiến lược về phát triển du lịch. Đây là cơ sở để số lượng khách đến với Quảng Ninh ngày một tăng.

Năm 2000, tổng lượt khách đến đạt 1,5 triệu người, đến năm 2006 đã tăng lên 3,1 triệu người, doanh thu đạt 1.189 tỷ đồng, trong đó lượng khách quốc tế chiếm khoảng 1/3. Riêng 6 tháng đầu năm 2007, con số khách du lịch đến Quảng Ninh là 2.160.330 lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ và đạt 65% so với kế hoạch năm.

Đối chọi giữa Du lịch và Than

Hiện nay, sản lượng khai thác của ngành Than đã đạt mức 40 triệu tấn/năm, tức là cao hơn cả sản lượng dự kiến vào năm 2020 theo quy hoạch của Chính phủ. Nếu biết rằng, để khai thác được 1 triệu tấn than, ít nhất phải đào bới, thải ra trên 7 triệu khối đất đá. Chỉ xem xét ở khía cạnh này đủ thấy hoạt động khai thác than đã tạo lên những bãi thải khổng lồ. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, cấu trúc tự nhiên bị biến đổi. 

Nhìn từ góc độ du lịch, hoạt động khai thác than tại Quảng Ninh không thể tránh khỏi sự phản cảm, đối lập và là mối đe dọa đối với các thắng cảnh tự nhiên và các địa chỉ du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh, trong đó có vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Yên Tử, Cửa Ông...

Đâu là tư duy du lịch?

Thống kê của chính ngành Du lịch, cứ 10 du khách đến Quảng Ninh là có tới 8 người không bao giờ quay lại lần nữa; chỉ có 3 người trong số đó là khách lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn.

Đây là một thực trạng buồn vì nó chứng tỏ vùng đất giàu đẹp, trữ tình này vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn và níu chân du khách.

Đối với du khách đến từ các nước phương Tây cũng vậy, quá trình thuê tàu, thuê hướng dẫn viên thăm vịnh, họ hỏi gì cũng chỉ nhận lại được vài câu tiếng Anh ậm ừ... mà thôi.

Ngoài ra, gần đây lại xuất hiện tình trạng "cái bang" trên vịnh rất đáng để chê trách. Sự đeo bám của những con thuyền khất thực này không làm ai rủ lòng thương cảm mà chỉ là sự bực dọc, xóa tan những hứng khởi trong hành trình "khám phá Hạ Long".

Vài dẫn chứng trên đây chỉ là những chuyện nhỏ do mục sở thị mà ra. Nhưng suy rộng thì rất lo lắng. Hình như một thứ tư duy du lịch theo kiểu thương mại cò con, nói cách khác là loại hình du lịch ỷ thế sân nhà để chặt chém du khách đang hình thành ở mức độ phổ biến.

Nếu nhận thức và tư duy này không đổi thì dù có cất công quảng bá trên phạm vi toàn thế giới, dù có đầu tư cả tỷ đôla thì “con gà" du lịch biết bao giờ mới đẻ được "trứng vàng"

Lê Minh Triết
.
.
.