Đủ điều kiện khởi tố vụ "Cá đông lạnh 'phủ'... tê tê"

Thứ Năm, 13/03/2008, 16:29
Như tin đã đưa, chỉ trong vòng 1 tuần, từ ngày 29/2 đến 5/3, các đơn vị Hải quan Hải Phòng đã phát hiện 2 vụ nhập khẩu trái phép 3 container chứa trên 20 tấn tê tê đông lạnh. Cả 2 vụ việc này đều liên quan đến doanh nghiệp đứng tên chủ hàng là Công ty cổ phần XNK Talu, có địa chỉ tại 556 đường Hà Lầm, TP Hạ Long, Quảng Ninh.

Thủ đoạn tinh vi

Ngày 27/2, đại diện Công ty cổ phần XNK Talu đã đến Chi cục Hải quan khu vực I (Cục Hải quan Hải Phòng) để làm thủ tục mở tờ khai lô hàng nhập khẩu gồm 1 container lạnh, loại 40 feet chứa trên 21 tấn cá đao đông lạnh xuất xứ từ Indonesia. Tờ khai mà Talu mở thuộc loại hình nhập khẩu chuyển khẩu. Nghĩa là sau khi nhập qua cửa khẩu cảng Hải Phòng sẽ chuyển tải bằng đường bộ ra Móng Cái, Quảng Ninh để xuất tiếp sang Trung Quốc.

Theo những tiêu chí nghiệp vụ quy định về quy trình quản lý rủi ro, đây thuộc loại hàng hóa miễn kiểm hoặc kiểm tra theo tỷ lệ thấp so với thực tế. Song, quá trình tiếp nhận tờ khai, đối chiếu với nhiều loại hồ sơ chứng từ khác thu thập được cũng như do Công ty Talu cung cấp, Chi cục Hải quan KVI đã nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu không thống nhất.

Bên cạnh đó, thái độ, tác phong của người đại diện đứng tên nhận hàng không bình thường. Sau khi hội ý, lãnh đạo Chi cục Hải quan KVI đã quyết định triển khai biện pháp kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng nói trên vào ngày 29/2/2008 trước sự chứng kiến của đại diện chủ hàng, Công ty cổ phần XNK Talu.

Tuy nhiên, việc kiểm tra bước đầu gần như không có kết quả, phần ngoài "công" kiểm tra vài tiếng đồng hồ vẫn chỉ là những thùng carton chứa cá đao đông lạnh. Trong những điều kiện bình thường thì kể như khai báo của chủ hàng là trung thực, có thể dừng kiểm tra và làm thủ tục cho thông quan lô hàng. Tuy nhiên, bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, cán bộ kiểm hóa quả quyết đây là lô hàng có… "vấn đề".

Theo đó, phải bóc ra quá nửa số hàng trong "công" mới tìm thấy thứ cần tìm. Đó là những hộp carton được bọc thêm lớp bao dứa có hình hài, mùi vị và trọng lượng khác hẳn các hộp cá vừa kiểm tra. Xé bỏ lớp vỏ bọc mới thấy rõ không phải cá mà những chú tê tê đã được giết mổ, bỏ ruột, cạo vảy cuộn thành hình tròn như những chiếc bánh xe trắng nõn.

Cho đến ngày 1/3 mới "kiểm" hết số tê tê ngụy trang nói trên với tổng trọng lượng trên 6 tấn. Ngoài ra, còn có 800kg vảy tê tê được đóng thành những gói riêng nằm rải rác ở góc trong cùng.

Đáng chú ý là ngay sau khi xác định đây là lô hàng khai báo không trung thực thì đại diện Công ty Talu đã lập tức từ chối trách nhiệm, cho rằng mình chỉ ký hợp đồng nhập và chuyển khẩu cá đao chứ không biết tại sao lại có… tê tê (?).

Khi vụ việc này còn đang trong quá trình điều tra làm rõ thì tại một địa điểm khác, cảng Chùa Vẽ cũng thuộc Hải quan Hải Phòng, quá trình kiểm tra lại các tờ lược khai hàng hóa do các thuyền trưởng xuất trình, Đội Kiểm soát hải quan phát hiện 2 tờ lược khai gồm 2 container 40 feet, đứng tên nhận hàng lại là Công ty cổ phần Talu.

Cụ thể, tại 2 vận đơn riêng biệt với số hiệu "công" PONU 4992785 và MWCU 5241710 do tàu MCC Confindence nhập cảnh ngày 1/3 chứa mặt hàng cá, tôm đông lạnh với tổng số lượng trên 40 tấn. Xác định đây có thể là lô hàng nằm trong chuỗi đã bị Hải quan KVI phát hiện trước đó, do vậy, ngày 4-3, Phó Cục trưởng Hải quan Hải Phòng Phạm Tiến Đương đã ký Quyết định số 11 yêu cầu tiến hành kiểm tra thực tế 2 lô hàng này.

Theo đó, ngày 5/3, Đội Kiểm soát hải quan đã yêu cầu lãnh đạo Công ty cổ phần XNK Talu đến cảng Hải Phòng để giám sát việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, người đến làm việc lại là ông Phạm Hoàng Tuấn Vinh, Trưởng phòng Kinh doanh. Ông Vinh cho biết giám đốc công ty đi… Trung Quốc không biết bao giờ mới về. Ông này cũng đã lập tức từ chối vai trò chủ hàng, cho rằng có sự nhầm lẫn đáng tiếc nào đó đã xảy ra.

Rút kinh nghiệm từ vụ việc trước đó, chỉ mất thời gian ngắn dỡ "công" bóc bỏ những thùng cá, tôm bên ngoài là nhận dạng được ngay những thùng chứa tê tê. Tổng trọng lượng tê tê đông lạnh lên tới 16.975kg, được đóng gói trong 697 thùng carton.

Khởi tố vụ án hay chỉ xử lý hành chính?

Theo ông Phạm Tiến Đương, Cục phó Hải quan Hải Phòng, xét về hành vi thì đây là sai phạm thuộc loại nghiêm trọng trên lĩnh vực hải quan, vi phạm Công ước quốc tế Cites. Nếu xét về giá trị, theo thời giá hiện tại, giá 1kg tê tê thực phẩm không dưới 2 triệu đồng, tổng ước tính cũng đã lên trên 40 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến số lượng 800kg vảy tê tê, tuy khó xác định giá cả chính xác nhưng giá trị cũng không nhỏ. 

Mặt khác, quá trình kiểm tra, xử lý vụ việc, công ty đứng tên nhập khẩu có thái độ né tránh, không thành khẩn, bất hợp tác. Còn theo ông Vũ Hoàng Dương, Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan thì sự phủ nhận vai trò chủ hàng của Công ty cổ phần XNK Talu là biểu hiện thường thấy của các doanh nghiệp buôn lậu, gian lận thương mại.

Nhưng như vậy cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì sự từ chối chỉ xảy ra sau khi vụ việc đã bị cơ quan hải quan phát giác. Không có lý gì một đối tác ở nước ngoài không quen biết lại biết rõ tên tuổi, địa chỉ của Talu để kê khai trong hồ sơ, trừ khi đã có những thỏa thuận, hợp đồng, hợp tác làm ăn.

Đây là những yếu tố cấu thành, hội đủ điều kiện để khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, để khách quan hơn, ngày 8/3, Hải quan Hải Phòng đã có buổi làm việc với Viện KSND TP nhằm đi đến thống nhất hình thức xử lý.

Được biết, Viện KSND TP đã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ vụ việc do Hải quan cung cấp. Việc định đoạt sự sai phạm nêu trên ở hình thức nào sẽ được quyết định trong thời gian ngắn nhất

Lê Minh Triết
.
.
.