Dự án đường Láng - Hòa Lạc: Nguồn vốn chưa được khai thác hết

Thứ Năm, 28/05/2009, 09:19
Chính phủ vừa bổ sung gần 4.000 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án đường Láng - Hoà Lạc, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 7.500 tỷ đồng. Nhưng con số này thật quá nhỏ so với những lợi ích mà nó mang lại, đặc biệt là về lợi thế thương mại.

Trong khi Chính phủ, các ngành chức năng tích cực tạo nguồn lực đầu tư trên, thì nguồn lợi rất lớn từ lợi thế thương mại do con đường tạo ra lại chưa được tính đúng, tính đủ để bổ sung vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Trước yêu cầu phát triển, Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc Láng - Hoà Lạc với quy mô hiện đại nhất hiện nay trên chiều dài 30,169km; mặt cắt rộng 140m với tổng mức đầu tư ban đầu là 5.379 tỷ đồng.

Ngay lập tức, đường Láng - Hoà Lạc đã thu hút sự chú ý của đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lý do đơn giản, bởi có nó sẽ tạo nên diện mạo đô thị hoành tráng của Thủ đô xu hướng phát triển về phía Tây, cùng với nhiều dự án lớn phát triển công nghệ cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Xét về lợi ích lâu dài, nếu như chúng ta đã thấy rõ giá trị của đất đai bằng cách cho phép nhà tổng thầu thực hiện cơ chế sử dụng quỹ đất để tạo nguồn vốn đầu tư, thì tại sao không tính tới lợi thế thương mại từ quỹ đất rộng lớn hai bên con đường tạo ra, trong khi nguồn lực của Nhà nước còn khó khăn.

Đường Láng - Hòa Lạc được đầu tư tốn kém, cần khai thác lợi thế thương mại do nó tạo ra. Ảnh: T.P.

Các nhà đầu tư thì đã rất nhạy cảm và không chậm chân trước lợi thế thương mại do đường Láng - Hoà Lạc tạo ra. Bằng chứng là khi rà soát đối với các dự án, cơ quan chức năng đã chỉ ra rất nhiều đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng bám theo các con đường, trong đó có đường Láng - Hoà Lạc.

Chỉ riêng rà soát giai đoạn 1 đã thấy có 402 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, trên diện tích 40.271ha đất; 241 đồ án khu đô thị mới và nhà ở; 67 đồ án khu, cụm công nghiệp; 45 đồ án khu du lịch, dịch vụ, cùng hàng chục đồ án giáo dục, y tế, văn hoá khác. Gần 400 dự án đầu tư xây dựng được cấp thẩm quyền giao cho chủ đầu tư thực hiện, trong đó chủ yếu là các dự án đầu tư bất động sản, du lịch sinh thái.

Dễ dàng nhận thấy, nhiều dự án lớn về bất động sản, du lịch sinh thái đều nằm kề bên đường Láng - Hoà Lạc và một số con đường mới hoàn thành thuộc các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Riêng huyện Quốc Oai, cơ quan chức năng đã chỉ ra trên 100 dự án với diện tích 9.900ha đất, chủ yếu là đất nông nghiệp.

Nhiều dự án đô thị đã được triển khai. Những mảnh đất trước đây là đồng ruộng, sau khi có con đường với việc đầu tư hạ tầng đã có thể bán với giá từ 20 đến 30 triệu đồng/m2 đất ở; không ít dự án du lịch sinh thái xen nhà ở cũng có mức giá cao ngất (18 đến 20 triệu đồng/m2 nhà ở). Giá trị đó chỉ có được vì khu đô thị hình thành sau khi xây dựng con đường.

Đành rằng, các chủ đầu tư khi triển khai dự án đều thực hiện nghĩa vụ pháp lý theo quy định. Nhưng sẽ không công bằng nếu nghĩa vụ giữa các dự án nằm kề đường Láng - Hoà Lạc với các dự án nằm xa đường là như nhau, hoặc chênh lệch không đáng kể. Vậy tại sao lợi thế ấy không thuộc về Nhà nước để lấy đó đầu tư trở lại những con đường khác của Thủ đô, hay đầu tư cho các công trình khác hiện đang thiếu hàng ngàn tỷ đồng?

Các dự án "ăn theo" con đường này phải được ký kết công khai với chủ dự án là Nhà nước để đảm bảo công bằng, tăng nguồn thu để tái đầu tư. Vấn đề đặt ra là, sau khi đầu tư các công trình phúc lợi, hạ tầng giao thông, lợi thế thương mại đó phải thuộc về Nhà nước, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng chứ không thể dành cho một nhóm người như trước đây

Khánh Chi
.
.
.