Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Nguy cơ bị xóa vốn ODA

Thứ Hai, 11/10/2010, 15:12
Sau những lần được gia hạn thời gian giải ngân vốn, Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang có nguy cơ phải đối mặt với việc WB khóa vốn ODA khi hết thời hạn giải ngân và hiện đã được liệt vào nhóm 3 dự án được WB tài trợ vốn ưu đãi có nguy cơ rủi ro cao của cả nước. Nếu bị khóa vốn vay, thành phố sẽ chỉ còn cách phải tự bỏ ngân sách ra làm tiếp và mất một khoản tiền khổng lồ thiệt hại trượt giá do kéo dài thời gian hoàn thành dự án.

Là dự án trọng điểm, đem lại lợi ích rất lớn về mặt xã hội khi giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho cả một khu vực rộng 33km2 của 7 quận nội thành TP HCM. Lẽ ra Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) phải được hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 từ năm 2007. Tuy nhiên, việc gói thầu số 7, gói thầu quan trọng nhất của dự án liên tiếp chậm tiến độ đã kéo toàn bộ giai đoạn 1 của dự án này phải chậm lại thêm gần 5 năm. Đến thời điểm này, khi liên danh nhà thầu Tmec - Chec 3 đã bị loại khỏi dự án gần 1 năm thì việc tìm các nhà thầu khác vào thế chân vẫn chưa được hoàn tất… cho dù gói thầu dở dang này đã phải "chẻ" thành 5 gói thầu nhỏ để phù hợp với năng lực của các nhà thầu trong nước.

Cảnh báo sai phạm về mặt kỹ thuật bị bỏ ngoài tai 

Chính vì NL-TN là dự án trọng điểm, nên ngay khi còn đang lập dự án, công trình này đã được nhiều nhà khoa học của Hội Vật lý, Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng thành phố quan tâm, đóng góp ý kiến. Đặc biệt, gói thầu số 7, phần xương sống của giai đoạn 1 dự án này gồm các phần việc là cung cấp và lắp đặt hệ thống tuyến cống bao có đường kính 3m chạy dài hơn gần 9km đặt ngầm dưới lòng kênh NL - TN; thi công 36 giếng chìm và miệng thu nước chết cũng như 58 công trình tách dòng và xả tràn… tại thời điểm lập dự án, hạng mục này đã được nhiều nhà khoa học phản biện, thậm chí là phản đối kịch liệt do có thể áp dụng các giải pháp khác thay thế tuyến cống bao. GS TSKH Lê Minh Triết, Hội Vật lý thành phố cho rằng tuyến ống không dựa vào số liệu địa chất dọc kênh vì thời điểm thiết kế tuyến ống, các số liệu địa chất của 41 mũi khoan thăm dò còn… chưa có!

Tiếp đến là ý kiến của PGS TS Cao Minh Thì, Chủ tịch Hội Vật lý thành phố thời điểm đó: Công trình tuyến cống bao là hạng mục chính tập trung và thoát nước thải đến trạm bơm, đáy cống được đặt sâu từ 8,54m tới 13,89m là không khả thi về mặt kỹ thuật.

Sau hơn 10 năm khởi động dự án, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn đang ngổn ngang với nhiều hạng mục chưa hoàn thành. (Ảnh: Đ.T).

Trước nhiều ý kiến phản đối quyết liệt của các nhà khoa học đầu ngành về địa chất, để "chữa cháy" trong vấn đề nền đất đặt tuyến cống ngầm yếu, biện pháp được chủ đầu tư và tư vấn giám sát đưa ra sau đó là buộc nhà thầu thi công phải gia cố độ cứng nền bằng biện pháp phun vữa bê tông. Dù vậy, ngay thời gian đầu bắt tay vào thi công hạng mục kích ống ngầm, nhà thầu đã liên tục gặp sự cố không thể lường trước được…

Chủ dự án nhưng cứ phải liên tục nhún nhường người làm thuê

Gói thầu số 7 được chủ đầu tư đưa ra chào thầu năm 2002, dù chỉ riêng hạng mục xây dựng tuyến cống bao và thiết bị tách dòng đã được dự toán tới 30,97 triệu USD. Thời điểm tiến hành bỏ thầu cho gói số 7, giá vật tư, thiết bị, nhân công… đã tăng khá nhiều do các con số dự toán chi phí được làm trước đó 2 - 3 năm. Thế nhưng khi bỏ thầu cho hàng loạt hạng mục như vậy, liên danh nhà thầu Tmec - Chec 3 chỉ ra giá có 13,8 triệu USD và 244,8 tỷ đồng, tương đương với 29,92 triệu USD, chưa bằng giá dự toán cho một hạng mục tuyến cống bao. Việc bỏ thầu rẻ cỡ 20 - 30% như vậy lẽ ra phải được chủ đầu tư đặt nghi vấn, để nếu cần thiết sẽ kiên quyết hủy thầu, chấp nhận chịu phạt. Nhưng không, bỏ ngoài tai cả lời nhắc nhở của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, rằng phải xem xét lại năng lực nhà thầu này, với yếu tố chào giá rẻ, Tmec - Chec 3 vẫn được trúng thầu. Từ đây, bài "cù nhầy" của nhà thầu quốc tế giá rẻ này cũng bắt đầu được đưa ra áp dụng.

Đầu tiên, dù dám đặt bút ký với chủ đầu tư là sẽ hoàn thành cả gói thầu số 7 trong vòng 3 năm, tức đến giữa tháng 11/2006 sẽ hoàn thành. Song nhà thầu Tmec - Chec 3 chỉ đưa 3 con robot sang để thi công tuyến cống bao, mà nếu như chạy hết tốc lực, các robot làm nhiệm vụ đào, kích ống cống này cũng chỉ làm được trên 200m/tháng. Công suất như vậy, nếu có làm liên tục, không ngơi nghỉ cũng đã mất cỡ 4 năm mới hoàn thành. Tiếp đó, dù hợp đồng có ràng buộc trách nhiệm với nhà thầu, chủ đầu tư có thể phạt nhà thầu tới 10% giá trị gói thầu với mức phạt lên tới 400 triệu đồng/ngày song việc này cũng đã được chủ đầu tư xử theo kiểu "huề cả làng".

Ngay sau khi ký gia hạn hợp đồng, Tmec - Chec 3 tiếp tục quay ra yêu sách đủ thứ với thành phố như đòi tạm ứng trước 1 triệu USD; đòi Sở GTVT phải có trách nhiệm đi tìm thuê giúp máy móc, thiết bị… và khi nhận thấy "nuốt" khó trôi toàn bộ gói thầu, nhà thầu Tmec - Chec 3 bắt đầu tính bài thu lợi để chuồn: Các hạng mục khó khăn được thi công cầm chừng, chọn những phần dễ làm trước để nghiệm thu, ứng vốn. Gói thầu số 7 cũng ngay lập tức được nhà thầu yêu cầu chẻ thành 3 gói, những phần việc xương xẩu được đẩy thành gói 7A và 7B để đùn đẩy cho nhà thầu khác. Chỉ đến khi WB phát hiện ra nhà thầu này có vấn đề bê bối khi thi công ở nước ngoài và thẳng tay cắt hợp đồng, Tmec - Chec 3 mới bị loại khỏi dự án.

Sau những lần được gia hạn thời gian giải ngân vốn, Dự án NL - TN đang có nguy cơ phải đối mặt với việc WB khóa vốn ODA khi hết thời hạn giải ngân và hiện đã được liệt vào nhóm 3 dự án được WB tài trợ vốn ưu đãi có nguy cơ rủi ro cao của cả nước. Nếu bị khóa vốn vay, thành phố sẽ chỉ còn cách phải tự bỏ ngân sách ra làm tiếp và mất một khoản tiền khổng lồ thiệt hại trượt giá do kéo dài thời gian hoàn thành dự án.

Trước thực trạng này, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của TP HCM cần sớm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể; tìm ra nguyên nhân và coi đó là bài học kinh nghiệm… để tránh tạo tiền lệ xấu cho các công trình trọng điểm sau này

Đức Thắng
.
.
.