Đốt lò gạch ô nhiễm nặng: Sớm giúp dân chuyển đổi nghề

Thứ Ba, 30/11/2010, 22:35
Sau sự việc khói lò gạch làm 3 người thiệt mạng tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), các cơ quan chức năng và cả người dân làm nghề đốt gạch dường như mới giật mình vì việc xây lò gạch kề nhà ở vẫn phổ biến ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội, còn rất nhiều địa phương vẫn để tồn tại các lò gạch ngay trong khu dân cư, thậm chí trong vườn, hông nhà… dù đã có nhiều tai nạn thương tâm được cảnh báo.

Lò gạch bao quanh nhà

Chúng tôi tìm đến hai xã Kim Quan và Phùng Xá, huyện Thạch Thất, nơi được coi có nhiều lò gạch thủ công được dựng đốt ngay cạnh nhà người dân sinh sống. Làm gạch vốn được coi là nghề truyền thống của địa phương này. Tuy nhiên, cũng tương tự như ở Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), hầu hết các lò gạch đều được dựng lên ngay cạnh nhà ở.

Bước trên đường làng như bước trên một công trường sản xuất gạch ngói tấp nập. Đây là nghề đã có từ hàng trăm năm nay, giải quyết không ít công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, nếu chứng kiến cảnh khói từ hàng chục lò gạch dựng sát nhà ở phả khói mù mịt, mới thấy sức khỏe của người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng thế nào.

Tuy nhiên, phần lớn người dân Kim Quan dường như vẫn có tâm lý chấp nhận sống chung với khói, bụi và ô nhiễm. Thậm chí, nhiều người đang lao động tại lò gạch khi nói chuyện với chúng tôi còn cho rằng, ngoại trừ mùi hắc, ngai ngái khó chịu của khói thì họ không thấy khó chịu gì.

Tìm đến gia đình ông Cấn Văn Thuỷ, thôn 2, xã Kim Quan, chúng tôi được ông cho biết, gia đình ông làm nghề nung gạch đã ngót nghét 30 năm. Và cũng ngần ấy thời gian, lò nung gạch, ngói tồn tại ngay trong khuôn viên đất của gia đình. Nhiều người vẫn còn chưa hiểu rõ về tác hại khôn lường do khói lò gạch gây ra.

Chủ lò Cấn Văn Thiều còn bộc bạch: "Để đốt một lò gạch, ngói (gồm 2,5 vạn viên ngói; 2.200 viên gạch) chỉ sử dụng hết 3 tạ than, còn lại chủ yếu là củi và rơm rạ nên không ảnh hưởng gì đến môi trường, cũng như sức khỏe con người vì không có hóa chất độc hại".

Nhiều hộ gia đình như chị Cấn Thị Phương còn có tới 2 lò với công suất khoảng 2,7 vạn viên/tháng. Đáng nói, cả 2 lò gạch, ngói nhà chị Phương đều ôm lấy 2 bên nhà ở, nhưng chủ nhân của chúng lại chẳng hề lo lắng dù chuyện khói lò gạch làm chết người đã được đưa trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, cả xã có khoảng 20 hộ làm nghề đốt gạch, nhiều hộ có tới 2-3 lò hoạt động không nghỉ.

Những chiếc lò gạch tồn tại hàng chục năm sát hông nhà.

Lúa cũng chết cháy vì khói lò gạch

Cách đây không lâu, chúng tôi đã có bài viết phản ánh về việc quá bức xúc trước việc liên tục nhiều năm, khói lò gạch đã "đốt" chết hàng trăm hécta lúa, người dân xã Khai Thái đã vác những ôm lúa chết, mang lên UBND huyện Phú Xuyên để phản đối hoạt động của những lò gạch ngoài bãi sông.

Nhắc đến lò gạch, nhiều người dân huyện Phú Xuyên vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn thảm khốc làm 11 người chết và bị thương đầu năm 2008. Một bức tường của lò gạch lớn nhất xã Châu Can đã bất ngờ đổ sập xuống cướp đi mạng sống của 6 phụ nữ trong xã, 5 người khác bị thương.

Tai nạn đã qua đi đã lâu, nhưng những lò gạch ở Phú Xuyên lại mang đến cho người dân một tai họa khác. Đó là hơn 50ha lúa chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch bị khói hun đến cháy vàng.

Tuy nhiên đến thời điểm này, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, trên địa bàn huyện hiện vẫn còn 35 lò kép (70 vỏ lò) gạch thủ công đang hoạt động, tập trung ở các xã Hồng Thái, Khai Thái, Quang Lãng... với công suất từ 25-30 vạn viên/lò.  Và điệp khúc "chết lúa và đền bù" vẫn diễn ra hằng năm ở địa phương này.

 Chưa kể, tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất cũng còn gần 30 lò gạch thủ công ngang nhiên đun đốt mà không có giấy phép gần chục năm nay, tập trung ở cánh đồng và theo Chủ tịch UBND xã Chu Văn Bảy, mỗi năm, UBND xã đều phải đứng ra giải quyết không dưới chục vụ bồi thường lúa, hoa màu cho các hộ xã viên.

Bầu không khí xung quanh làng lúc nào cũng đặc quánh, những hôm trời âm u, khí lò gạch không thoát lên được, cứ thế bay là là, bao phủ quanh làng. Độc hại, ô nhiễm, nguy hiểm nhưng việc dẹp các lò gạch thủ công lại vô cùng nan giải. Lo ngại lớn nhất chính là giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, ông Nguyễn Chí Quân, trung bình mỗi lò gạch sử dụng 250-300 lao động, trong đó, 80% là lao động địa phương. Bởi vậy, nếu thực hiện giải tỏa các lò gạch thủ công, huyện này sẽ rất khó khăn vì chưa tìm được hướng chuyển đổi nghề cho số lao động trên. Ngoài ra, hầu hết các lò gạch trên địa bàn huyện Phú Xuyên đến năm 2012 mới hết hạn hợp đồng, một số ít còn lại đến năm 2015, do đó, nếu muốn giải tỏa thì phải đền bù thiệt hại cho các chủ lò gạch với số tiền khoảng 170 tỷ đồng.

Rõ ràng, việc để tồn tại những lò gạch thủ công đang là mối lo ngại lớn của nhiều địa phương. Tuy khó, nhưng nếu cân nhắc giữa các lợi ích và cao hơn hết là sức khỏe của người dân, rõ ràng, các địa phương cần kiên quyết dẹp bỏ các lò hoạt động trái phép, và di chuyển các lò gạch xây dựng trong khu dân cư ra địa điểm phù hợp

Ngọc Yến
.
.
.