Động thái mới để đẩy lùi "than tặc"

Thứ Bảy, 24/09/2011, 21:34
TP Hạ Long được xem là điểm nóng nhất về hoạt động của "than tặc" cho dù địa phương đã triển khai liên tục các đợt truy quét. Tới thời điểm này, tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp, cần có sự kiểm điểm nghiêm túc trên bình diện tổng thể. Ghi nhận của PV Báo CAND.

Ngày 22/9, Thành ủy Hạ Long đã tổ chức hội nghị kiểm điểm công tác quản lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và tiêu thụ than trái phép trên địa bàn. Ngay trong báo cáo, UBND thành phố đã thẳng thắn thừa nhận: 9 tháng đầu năm 2011, tình trạng khai thác, vận chuyển và tiêu thụ than trái phép trên địa bàn Hạ Long vẫn diễn biến hết sức phức tạp, mặc dù các lực lượng chức năng đã ra quân lập lại trật tự với một khí thế "chưa từng có".

Theo đó, đã có tới 583 lượt cửa lò khai thác than trái phép, tập trung ở những phường: Hà Khánh, Cao Xanh, Hà Trung, Hà Lầm, Việt Hưng, Cao Thắng, Hà Tu, Đại Yên bị triệt phá. 83 xe ôtô, 12 tàu vận chuyển than lậu bị bắt giữ; 13 điểm kinh doanh trái quy định đã được kiểm tra với trên 4.000 tấn than bị tịch thu cùng 8 quạt gió, 26 thiết bị tời than, 4 máy nổ. UBND TP Hạ Long đã ra quyết định phạt, thu nộp ngân sách gần 950 triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận một thực tế khác. Trong số 583 điểm lò bị triệt phá từ đầu năm đến nay, vẫn còn đó hàng loạt lò đã và đang hoạt động trở lại; thậm chí lần sau càng tinh vi, kiên cố hơn.

Trước, khai thác than trái phép theo kiểu đào "thổ phỉ", thủ công, tạm bợ, nhỏ gọn, chủ yếu tại những điểm vỉa kẹp, nông và trữ lượng không đáng kể. Nhưng nay, hành vi trên hoàn toàn mang tính chuyên nghiệp, cơ giới hóa, hầm mỏ có thiết kế, có sơ đồ không khác gì các đơn vị chính quy. Đặc biệt, than lậu sau khi khai thác được tính toán kỹ lưỡng và khép kín từ vận chuyển, tập kết và tiêu thụ ngay. Do vậy, trong nhiều trường hợp các ngành chức năng đã không phản ứng kịp thời để có thể bắt gọn quả tang.

Về vấn đề này, UBND TP Hạ Long cho rằng, nếu chỉ triệt bằng cách đánh sập cửa lò như lâu nay là rất không hiệu quả. Chỉ cần đoàn kiểm tra rút đi, một vài ngày sau lò than trái phép đã lại được khai thông. Và vì thế, chỉ có dùng chất nổ phá hủy hoàn thổ mới có thể hạn chế được tình trạng tái diễn mà thôi. Song, phương pháp này không dễ, bởi hầu hết các điểm khai thác than trái phép lại nằm lẫn trong khu dân cư, thậm chí nằm ngay trong khuôn viên nhà ở. Đây là hạn chế rất khó khắc phục, được "than tặc" coi là điểm yếu mà triệt để lợi dụng.

Mặt khác, để xảy ra tình trạng phức tạp về quản lý than trước hết là sự yếu kém của chính quyền cơ sở. Dù đã có chỉ đạo gắn trách nhiệm chính quyền địa phương nếu để xảy ra khai thác than trái phép, song rõ ràng quy chế quản lý, cách "gắn" trách nhiệm chưa được thể chế, cụ thể hóa.

Hầm than thổ phỉ tại phường Cao Xanh, TP. Hạ Long.

Tại hội nghị, UBND TP Hạ Long cùng với Trung tâm Điều hành sản xuất than tại Quảng Ninh và các đơn vị thành viên của Vinacomin đã tiến hành ký kết quy chế phối hợp, nhằm xác định rõ ranh giới, trách nhiệm quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép trên địa bàn TP Hạ Long. Đây được coi là cách thức quản lý mới, hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh đối mặt với những công việc khó khăn, phức tạp.

Ông Đỗ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã yêu cầu chính quyền TP Hạ Long cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo kế hoạch; duy trì các trạm kiểm soát liên ngành trên các tuyến đường trước đây các phương tiện đã vận chuyển than trái phép. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo sát sao lực lượng Công an các phường, quản lý chặt chẽ di biến động về nhân, hộ khẩu (đại đa số đối tượng khai thác từ địa phương khác đến).

Trên cơ sở quy chế phối hợp đã được ký kết, cần phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, mà trực tiếp là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên nếu để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển than trái phép. Đối với Vinacomin, tỉnh yêu cầu giám đốc các công ty than cần tăng cường công tác phối kết hợp với chính quyền địa phương, quản lý chặt chẽ khu vực thuộc ranh giới mỏ của công ty mình, đồng thời có biện pháp quản lý tốt hơn nữa đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành than; có biện pháp giáo dục, răn đe phù hợp không để xảy ra tình trạng thất thoát sản phẩm than trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Tập đoàn Vinacomin cần khẩn trương xây dựng các cảng tiêu thụ than theo quy hoạch được phê duyệt, đồng thời lập phương án khai thác triệt để các điểm than lộ vỉa, cùng với UBND tỉnh báo cáo Chính phủ có biện pháp khai thác hiệu quả. Đây là cách quản lý thượng tầng, nếu làm không tốt lĩnh vực này đồng nghĩa với việc tự tạo kẽ hở để đối tượng lợi dụng tiến hành các hoạt động khai thác trái phép

Lê Minh Triết
.
.
.