Đòn bẩy để đất “chín rồng” phát triển bền vững

Thứ Ba, 18/06/2019, 08:42
Thực hiện Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP (gọi tắt là NQ120) ngày 17-11-2017 về việc phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thể hiện ở tăng trưởng GDP 7,8% (cao nhất trong 4 năm trở lại đây); kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD; diện mạo nông thôn được khởi sắc. Các ngành, lĩnh vực kinh tế trong vùng đã có những chuyển dịch tích cực.


Theo đó, về nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Công nghiệp đi vào phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải; khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió, năng lượng mặt trời…

Trên lĩnh vực giao thông, Chính phủ đã quan tâm đầu tư để hoàn thành kết nối thông tuyến vào năm 2020; nhiều công trình, dự án thủy lợi, các dự án hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu đã được triển khai thực hiện phục vụ phát triển ĐBSCL. Qua đó, tăng cường ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chuyên canh nông nghiệp (lúa gạo, thủy sản, trái cây) lớn nhất cả nước.

Nhiều địa phương đã chủ động triển khai một số mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao chất lượng giống, đầu tư hạ tầng như nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn; xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn vùng ngập lũ để đảm bảo người dân được sống an toàn ổn định…

Theo Bộ NN&PTNT, cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL đang được chuyển dịch, nhiều ngành hàng, mặt hàng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.

Nhờ đó, trong năm 2018, sản lượng tôm đạt 0,623 triệu tấn, chiếm 70% sản lượng cả nước; sản lượng cá tra 1,41 triệu tấn, chiếm 95%; sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%, sản lượng lúa 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước. Kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực của cả nước.

Để phát triển bền vững ĐBSCL, vấn đề cơ sở hạ tầng cũng đặc biệt được quan tâm đầu tư, xây dựng; từ đó tăng cường kết nối liên vùng, phát huy lợi thế giao thông đường thủy. Đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm, Chính phủ đã bố trí 2.186 tỷ cho dự án Trung Lương-Mỹ Thuận để hoàn thành kết nối thông tuyến vào năm 2020; đường Nam Sông Hậu; đưa vào sử dụng cầu Vàm Cống...; ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các dự án giao thông thủy quan trọng có tính kết nối liên vùng như dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, cảng Cái Cui, nâng cấp cụm cảng Cần Thơ - khu bến Hoàng Diệu…

Đối với các công trình thủy lợi, Chính phủ đã đầu tư xây dựng nhiều dự án, như: Dự án quản lý nước tỉnh Bến Tre; dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1); các dự án hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu cho khu vực ĐBSCL… bước đầu đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng BĐKH qua việc hình thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng do bão, lũ, phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, dự kiến tuần này, tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Hội nghị “Đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện NQ120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH”.

Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với hội nghị lần này là đánh giá được cụ thể những kết quả đã làm được và đẩy mạnh việc thực hiện NQ120 trong thời gian tới; tạo được sự nhận thức rộng rãi hơn nữa, tính lan tỏa ở cả cấp địa phương và chính quyền trong đổi mới tư duy và hành động; chuyển hóa được các thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững về KT-XH, sinh kế của người dân vùng ĐBSCL trong bối cảnh cần phải thích ứng với BĐKH.

Hội nghị sẽ có các diễn đàn chuyên đề do lãnh đạo các Bộ, ban, ngành chủ trì, phối hợp với địa phương và các đối tác phát triển, thảo luận kỹ về các kết quả đạt được trong công tác quản lý tài nguyên nước, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL; tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL; giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL; sự hợp tác, kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; công tác quy hoạch, cơ chế, điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho vùng ĐBSCL…

Theo mục tiêu NQ120, đến năm 2050, ĐBSCL có tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9%. Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn, phát triển; mạng lưới kết cấu hạ tầng KT-XH được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều. Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH tại các tiểu vùng sinh thái…
Đức Văn
.
.
.