Doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước

Thứ Hai, 05/05/2014, 09:17
Đó là khẳng định của ông Bùi Quang Vinh- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong chuyên mục Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 4/5 trên VTV về nhiều băn khoăn lớn về vai trò và chính sách ưu đãi dành cho hai khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Trước hết, để lý giải về nguồn vốn FDI quí I thấp, Bộ trưởng cho rằng: Hiện so sánh thu hút FDI quý lI là không đúng bản chất. Bởi vì số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm so với cùng kỳ năm 2013 là do trong quý I / 2013 có một số dự án rất lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư (dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ USD; dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn điều chỉnh tăng vốn 2,8 tỷ USD). Điều này làm tổng mức thu hút đầu tư FDI quý I-2013 tăng vọt đột biến. Còn quý I năm nay chúng ta không có dự án nào lớn như vậy. Nói vậy không có nghĩa thu hút FDI năm 2014 sụt giảm mạnh so với 2013. Theo dự báo, năm 2014 thu hút FDI không giảm so với 2013. Hiện có một số dự án FDI lớn đang được đàm phán để cấp phép đầu tư.

Theo đó, Bộ trưởng cũng khẳng định Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của mình một cách rất tích cực và được các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận. Điều này được chứng minh bằng số lượng vốn cũng như số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng và tăng rất mạnh. Thời gian tới, trong sửa đổi Luật Đầu tư, dự kiến chúng ta cũng sẽ đưa một mục chuyên về vấn đề mua bán sáp nhập doanh nghiệp, bởi vì nó cũng là vấn đề rất nóng hổi trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam. Vấn đề thứ hai là vấn đề đối tác công tư PPP. Đây cũng là một hình thức mới đối với Việt Nam. Trong năm nay, chắc chắn Nghị định về đối tác công tư sẽ được ban hành và nó được các nhà tài trợ quốc tế hiện nay đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế, hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài và có tính khả thi ở Việt Nam.

Thời gian tới, một trong những động lực cần làm là quan tâm đến khối thành phần trong nước. Một là DNNN. Khối DN này hiện đang tập trung tái cấu trúc theo hướng thu hẹp số lượng DN hoạt động. Đồng thời cổ phần hóa mạnh mẽ,  nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Hai là quan tâm nhiều hơn đến DN dân doanh, hay còn gọi DN tư nhân, bởi đây là lực lượng lớn nhất, đông đảo nhất, quan trọng nhất. Nhưng vừa qua ta chưa quan tâm đúng. Sắp tới sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo hướng ngành nghề nào luật không cấm thì người dân và DN được tham gia

Lưu Hiệp
.
.
.