Doanh nghiệp tư nhân chiếm dụng đất an ninh quốc phòng

Thứ Năm, 13/05/2010, 15:13
Thuê đất thuộc quyền sở hữu của Trại giam Cái Tàu - Bộ Công an, khi có quyết định thu hồi, doanh nghiệp tư nhân Ngọc Sinh không chấp hành mà còn tiếp tục đem thế chấp tại ngân hàng.

Thái độ bất hợp tác của DNTN Ngọc Sinh không chỉ gây bức xúc cho chính quyền địa phương, đơn vị quản lý đất - Trại giam Cái Tàu (Bộ Công an) mà còn gây bức xúc cho người dân nuôi trồng thủy sản xung quanh. Vụ việc đã kéo dài 3 năm nay nhưng xem ra chưa có hồi kết.

Theo tài liệu mà PV Báo CAND thu thập được, vào ngày 31/1/2001, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 117/QĐ-CTUB cho DNTN Ngọc Sinh thuê 34.000m2 đất tại vị trí thửa đất số 1, tờ bản đồ 91, thuộc địa phận ấp 6, xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau) để xây dựng xí nghiệp chế biến thủy sản; thời gian cho thuê là 40 năm.

Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra Bộ Công an khẳng định diện tích đất kể trên là đất thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng đã được cấp có thẩm quyền quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho Trại giam Cái Tàu - Bộ Công an. Do đó, ngày 29/9/2007, Giám thị Trại giam Cái Tàu đã có Công văn số 104 đề nghị UBND tỉnh Cà Mau thu hồi GCNQSDĐ số 169/QĐ-CTUB ngày 27/2/2001 mà UBND tỉnh đã cấp cho DN này.

Sau khi có báo cáo tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 22/10/2007, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-UBND thu hồi GCNQSDĐ kể trên với lý do cho thuê đất không đúng theo quy định của pháp luật. Đến ngày 29/10/2007, UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục ban hành Quyết định 166/QĐ-UBND thu hồi Quyết định 117/QĐ-CTUB năm 2001 do sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Một góc cơ ngơi của DNTN Ngọc Sinh nằm trên đất an ninh quốc phòng thuộc quyền quản lý, sử dụng của Trại giam Cái Tàu.

Ông Tống Lê Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trong công văn đề ngày 24/1/2008 báo cáo UBND tỉnh, cho biết: Ngày 7/11/2008, Sở đã tiến hành triển khai Quyết định 158 nhưng DNTN Ngọc Sinh không chấp hành mà tiếp tục sử dụng GCNQSDĐ này để thế chấp tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh Cà Mau. Từ thực tế này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã lập biên bản tịch thu GCNQSDĐ mà DNTN Ngọc Sinh đã đem đến ngân hàng kể trên thế chấp.

Về phía Trại giam Cái Tàu, thực hiện tinh thần các quyết định của UBND tỉnh Cà Mau và ý kiến chỉ đạo của Đại tá Tạ Xuân Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng, vào ngày 26/4/2008, Giám thị Trại đã có thư mời lãnh đạo DNTN Ngọc Sinh đến giải quyết hợp đồng kinh tế mà trước đây (ngày 27/3/2001), Trại đã ký với DN.

Tuy nhiên, đại diện DNTN Ngọc Sinh sau đó đã văn bản phúc đáp lại cho biết "giám đốc đang bận đi công tác ở nước ngoài" nên không thể dự họp. Mãi đến ngày 22/8/2008, đại diện DN mới thu xếp được công việc, dự cuộc họp do Ban Giám thị Trại giam tổ chức. Sau lần họp này, mọi việc chẳng tiến triển thêm được nữa.

Trong khi đó, năm 2009, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã nhiều lần có văn bản cho rằng phần trách nhiệm của địa phương đã xong, các công việc còn lại có liên quan đến diện tích 34.000m2 đất thuộc về trách nhiệm của Trại và DN Ngọc Sinh(?).

Trao đổi với PV Báo CAND sáng 26/4, một thành viên trong Ban Giám thị Trại Cái Tàu cho biết, các quyết định của UBND tỉnh thực ra mới chỉ được thực hiện trên giấy. Cấp có thẩm quyền của Cà Mau cần sớm buộc DN trả lại diện tích đất kể trên cho Trại giam Cái Tàu. Có như thế thì kỷ cương pháp luật mới được đảm bảo thực hiện một cách kiên quyết, nghiêm minh.

Qua tìm hiểu của PV Báo CAND, việc DN Ngọc Sinh không tháo dỡ nhà máy chế biến thủy sản, giao trả lại đất cho Trại giam Cái Tàu còn gây bức xúc cho nhiều người dân, nhất là nông dân nuôi tôm quanh khu vực này. Ông Trần Văn Hà - Trưởng ban nhân dân ấp 10, xã Khánh An, huyện U Minh cho biết, toàn ấp có khoảng 220 hộ nuôi tôm, cá với tổng diện tích khoảng 300ha. Tuy nhiên, do môi trường nước ở kênh trại giam bị ô nhiễm, trong đó có sự góp phần tích cực của DN Ngọc Sinh nên tôm, cá của bà con ở các lô 1, 2 và 3 liên tục bị thiệt hại nặng nề. Ông Đặng Trung Lập, 54 tuổi, có 3ha diện tích mặt nước nuôi tôm than: "Làm sao nuôi trồng được gì khi mà mới lấy nước vô, tôm nhảy tưng lên…".

Binh Huyền
.
.
.