Doanh nghiệp tố bị điện lực Hà Nội "hành"

Thứ Tư, 07/07/2010, 13:30
Bức xúc vì quá trình chuyển dịch trạm biến áp bị kéo dài nhiều tháng liền, gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, Giám đốc Công ty TNHH Ngân Xuyến (Km16 QL1A, Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) làm đơn tố cáo Điện lực Thường Tín "hành" doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp này tiếp tục phản ứng kết luận của Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Vậy thực hư vụ việc ra sao?

Doanh nghiệp tố cáo cơ quan điện lực gây phiền nhiễu

Bà Phạm Thị Xuyến, Giám đốc Công ty TNHH Ngân Xuyến (gọi tắt là Công ty Ngân Xuyến) cho biết: Tháng 9/2009, doanh nghiệp Ngân Xuyến xây dựng mở rộng nhà máy nên có nhu cầu chuyển dịch trạm điện 560KVA đến vị trí mới cách 10m. Ngày 10/11/2009, Công ty Ngân Xuyến chính thức nộp hồ sơ đến Điện lực Thường Tín xin chuyển dịch trạm biến áp. Tuy nhiên, 12 ngày sau khi được hỏi lại thì cơ quan này trả lời không nhận được đơn của Công ty Ngân Xuyến.

Ngày 24/11/2009, Công ty Ngân Xuyến tiếp tục gửi đơn đề nghị đến Điện lực Thường Tín. Sau khi gửi đơn, nhiều lần doanh nghiệp cử đại diện đến Điện lực Thường Tín hỏi về việc giải quyết đơn đề nghị chuyển dịch trạm biến áp, nhưng không được hướng dẫn thủ tục và giải quyết. Tới ngày 15/12/2009, Điện lực Thường Tín mới có yêu cầu: "Công ty phải có giấy mượn đất của chủ đầu tư cụm công nghiệp Duyên Thái (nơi chuyển dịch trạm biến áp - PV)".

Ngay khi có yêu cầu này, Công ty Ngân Xuyến tiến hành xin phép và tới ngày 16/12/2009, doanh nghiệp mang giấy xin phép sử dụng đất đến nộp cho Điện lực Thường Tín. Tuy nhiên, cho đến lúc này, Công ty Ngân Xuyến mới nhận được hướng dẫn: "Mọi liên quan đến trạm biến áp 560KVA thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), Điện lực Thường Tín không có thẩm quyền".

Sau khi có hướng dẫn, ngày 17/12/2009, Công ty Ngân Xuyến tiếp tục đến EVN Hà Nội nộp đơn và chờ… Nhiều ngày không thấy hồi âm, ngày 6/1/2010, Công ty Ngân Xuyến tiếp tục đến hỏi EVN Hà Nội thì được trả lời rằng đơn xin chuyển dịch trạm biến áp của Công ty Ngân Xuyến đã được duyệt và chuyển về Điện lực Thường Tín ngày 23/12/2009.

Bà Xuyến khẳng định: Mặc dù đã được EVN Hà Nội đồng ý dịch chuyển trạm biến áp, nhưng nhiều ngày sau Điện lực Thường Tín không thông báo, không giải quyết. Quá trình thi công trạm biến áp của công ty, Điện lực Thường Tín mà cụ thể là ông Thắng nhiều lần kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh của Công ty Ngân Xuyến. Bởi vậy, ngày 6/3/2010, bà Xuyến đại diện công ty làm đơn tố cáo Điện lực Thường Tín, người đứng đầu là ông Đặng Quang Thắng, Giám đốc Điện lực Thường Tín gây khó khăn, chậm trễ trong việc di chuyển trạm biến áp của Công ty Ngân Xuyến.

Sau khi nhận được đơn của Công ty Ngân Xuyến, lãnh đạo EVN Hà Nội đã cử cán bộ Ban Thanh tra xuống hiện trường tìm hiểu. 

Kiểm tra, sửa chữa, di chuyển trạm điện là công việc thường xuyên của ngành điện.

Điện lực Thường Tín chưa làm hết trách nhiệm

Chỉ là di chuyển một trạm biến áp điện, nhưng theo đơn tố cáo của Công ty TNHH Ngân Xuyến thì họ đã phải mất rất nhiều thời gian đi lại, xin xỏ, bị "hành" bởi nhiều thủ tục hành chính rườm rà.

Ông Vũ Văn Bách, Trưởng ban Thanh tra, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội thừa nhận: Thời gian đầu Điện lực Thường Tín đã làm chưa hết trách nhiệm, không hướng dẫn tận tình cho doanh nghiệp nộp hồ sơ, làm các thủ tục hành chính cần thiết, đặc biệt là không có giấy hẹn cho doanh nghiệp nên để họ đi lại kéo dài, mất thời gian. Sai sót trên cũng có một phần nguyên nhân khách quan là do cuối năm 2009, Điện lực Thường Tín có một khối lượng công việc khổng lồ, đó là xóa hình thức bán điện nông thôn chuyển sang bán điện trực tiếp đến từng hộ dân, trong khi đó số lượng nhân viên của công ty hạn chế nên không giải quyết công việc kịp thời được.

Theo ông Bách, theo quy định, thẩm quyền giải quyết đối với trạm điện 560KVA thuộc về EVN Hà Nội. Sau đó EVN Hà Nội giao cho Điện lực Thường Tín lập phương án kỹ thuật. Ông Bách khẳng định: Điện lực Thường Tín chỉ lập phương án kỹ thuật chậm 5 ngày làm việc, chứ không phải chậm 8 tháng như đơn tố cáo. Còn lại, nguyên nhân chậm trễ là do Công ty Ngân Xuyến chưa có giấy phép sử dụng đất (nơi đặt trạm biến áp mới) và do đơn vị tư vấn của Công ty Ngân Xuyến (Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng điện KHT Việt Nam) thuê lập đề án thiết kế (ĐATK) không đúng với phương án kỹ thuật (PAKT) đã được duyệt. Ví dụ như phương án thiết kế đã được phê duyệt là loại trạm xây hoặc trạm kios nhưng ĐATK lập lại là loại trạm cột…

Ông Bách cho biết, trên thực tế Công ty Ngân Xuyến đã tự ý cho thi công xong phần ngầm và kết cấu trạm biến áp tại vị trí mới khi chưa được phê duyệt. Sau đó, đơn vị lập ĐATK và Công ty Ngân Xuyến có công văn xin điều chỉnh PAKT. Xét thấy việc xây dựng trạm biến áp không đúng PAKT nhưng cơ bản không làm ảnh hưởng lớn tới hệ thống điện do Điện lực Thường Tín quản lý và có thể điều chỉnh được nên Điện lực Thường Tín chấp nhận đề nghị thay đổi PAKT trạm biến áp này. Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng điện KHT Việt Nam ký hợp đồng với EVN Hà Nội để thẩm tra ĐATK nên Điện lực Thường Tín phải giám sát việc thi công là đương nhiên.

Rõ ràng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự chậm trễ, gây bức xúc doanh nghiệp là do Điện lực Thường Tín. Nếu Điện lực Thường Tín thực hiện cải cách thủ tục hành chính, có cán bộ tiếp dân tận tình thì sự việc không dẫn đến khiếu kiện như ngày hôm nay. Cũng vì không chờ đợi được kiểu làm việc "hành chính công" này nên doanh nghiệp tự ý xây dựng trạm biến áp khi chưa có PATK, dẫn đến việc mất thời gian cho các văn bản qua lại để điều chỉnh PATK và thời gian hoàn tất việc dịch chuyển trạm điện quá lâu.

Đến nay, doanh nghiệp Ngân Xuyến đã sử dụng trạm biến áp mới, nhưng việc giải quyết đơn tố cáo giữa EVN Hà Nội, Điện lực Thường Tín với Công ty Ngân Xuyến chưa xong. Đây là bài học kinh nghiệm trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan điện lực đối với khách hàng

Việt Hà - Trần Hằng
.
.
.