Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó do đại dịch COVID-19
Có mặt tại Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định những ngày cuối tháng 10, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do các thị trường chiến lược bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng toàn thể cán bộ, người lao động của Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định vẫn giữ vững quyết tâm cao trong lao động, sản xuất.
Theo bà Bùi Minh Hạnh, Giám đốc Điều hành của Tổng Công ty, lãnh đạo Tổng Công ty tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện dự án di dời nhà xưởng vào Khu công nghiệp, đổi mới cơ cấu sản phẩm có giá trị cao, có thương hiệu; phát động phong trào thi đua nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu tới tất cả cán bộ, công nhân lao động từ bộ phận sản xuất tới các phòng, ban; không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trên cơ sở công khai, minh bạch trong chi trả tiền lương và thực hiện các chế độ chính sách trong lao động.
Doanh nghiệp nỗ lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, vượt khó do đại dịch COVID-19. |
Nhờ các nỗ lực vượt khó, 9 tháng đầu năm, Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định vẫn giữ ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh; không có người lao động nào phải nghỉ việc. Giá trị sản xuất đạt khoảng 991 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt hơn 1.200 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu khoảng 423 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 6,5 triệu đồng/tháng.
Mặc dù nhu cầu tiêu dùng hiện tại đang bị giảm sút nhưng dệt may là nhóm sản phẩm thiết yếu, có thể phục hồi sớm nhu cầu sau khi đại dịch COVID-19 đi qua, nhất là các mặt hàng nằm trong phân khúc cơ bản, giá rẻ nên nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn xác định đây là giai đoạn có thể tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố sức cạnh tranh, chuẩn bị cho bước phục hồi sau dịch.
Nhóm doanh nghiệp dược phẩm, chế biến thực phẩm của tỉnh đã nhanh nhạy nắm bắt, tận dụng các cơ hội phát sinh ngắn hạn, đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng trên thị trường. Các doanh nghiệp dược phẩm của tỉnh như: Công ty cổ phần Dược phẩm Nam Hà, Công ty TNHH Nam Dược, Công ty cổ phần Dược phẩm Trường Thọ, Công ty cổ phần Dược phẩm Minh Dân... đã huy động toàn bộ nguồn lực để dồn sức sản xuất các sản phẩm cấp bách phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Nhờ việc cung ứng nhanh, đạt chuẩn chất lượng sản phẩm các đơn hàng phòng chống dịch bệnh đã giúp các doanh nghiệp dược phẩm, y tế khẳng định được vị thế và mở ra nhiều cơ hội phát sinh các đơn hàng dài hạn với các đối tác mới, trong và ngoài nước.
Các doanh nghiệp cung ứng, chế biến thực phẩm của tỉnh đã chủ động gia tăng sản xuất, cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đông lạnh, đồ khô, chế biến sẵn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài nước trong giai đoạn phải thực hiện giãn cách, hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp thực phẩm tiếp tục hướng đi đáp ứng tâm lý mua sắm sản phẩm đảm bảo đầy đủ các quy chuẩn an toàn trong suốt quá trình tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, được kiểm duyệt, chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Số lượng các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thực phẩm tham gia thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tăng nhanh năm 2020. Qua tham gia chương trình, các doanh nghiệp có cơ hội được chuyên gia, cán bộ có năng lực chuyên ngành hỗ trợ rà soát để xác định và khắc phục, cải tiến tất cả các điểm yếu trong toàn bộ quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ, hướng tới nâng chất lượng sản phẩm theo các quy chuẩn cao hơn.
Đặc biệt các doanh nghiệp được hỗ trợ phát triển nhiều mặt hàng trên một dòng sản phẩm; chú trọng kiểm soát tác động giữa sản xuất và tiêu thụ như thế nào để định hướng, thiết lập quy mô sản xuất hợp lý, đảm bảo phát triển bền vững. Liên kết là phương thức các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, quan tâm thúc đẩy để tạo sức mạnh, khẳng định, thiết lập vị thế, thương hiệu đủ mạnh, vượt khó trong giai đoạn chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19 cũng như mở hướng phát triển sâu rộng sau dịch.
Trong đó, một số mô hình liên kết chuỗi giá trị tiêu biểu, mang lại hiệu quả cao như: Mô hình nuôi cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng; mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến ngao theo tiêu chuẩn ASC giữa Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam với hai huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng và đại diện các hộ nuôi ngao trên địa bàn tỉnh; mô hình liên kết sản xuất giống lúa và lúa thương phẩm chất lượng cao của Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) với các hộ nông dân...
Theo ông Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân, dù gặp nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng công ty vẫn đạt được thành công mới nhờ tận dụng khai thác các lợi thế của cả hai phía, doanh nghiệp và bà con nông dân trong sản xuất khảo nghiệm giống lúa KOJI. Sau 3 vụ mùa khảo nghiệm liên tiếp, đặc biệt là trong vụ mùa 2020 phải gặp nhiều tác động tiêu cực của cơn bão số 7 nhưng giống lúa KOJI sản xuất khảo nghiệm của công ty vẫn cho năng suất, chất lượng cao, thể hiện sức chống chịu sâu bệnh, nhất là bệnh bạc lá và chịu lạnh, mưa lớn, chống đổ ưu việt khi gặp tác động của bão lớn; cho năng suất, chất lượng cao.
Toàn bộ sản lượng lúa giống KOJI chất lượng cao trong vụ mùa năm 2020 của công ty được xuất khẩu đi châu Âu; đồng thời mở hướng cho công ty tiếp tục mở rộng diện tích liên kết trồng gấp đôi diện tích ngay trong vụ xuân năm 2021 bởi nhu cầu nhập khẩu gạo KOJI của nhiều nước châu Âu là rất lớn.
Nỗ lực từ phía các doanh nghiệp đã góp phần ổn định việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và giảm bớt gánh nặng trợ cấp của Nhà nước; giúp cho mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2020 đạt kết quả tích cực.
So với bình quân chung cả nước và một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của tỉnh vẫn giữ được mức tăng trưởng khá hoặc cao hơn. Theo số liệu ước tính cả năm 2020 so với năm 2019 của UBND tỉnh, tổng sản phẩm GRDP ước tăng 7,5%; giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 15%; giá trị sản xuất nông nghiệp ước tăng 3,1%; giá trị các ngành dịch vụ ước tăng 7,8%; giá trị hàng xuất khẩu ước tăng 9,7%.