Doanh nghiệp kiệt sức vì hàng tồn kho

Thứ Sáu, 20/04/2012, 11:10
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: Việc hàng hóa tồn kho là hệ quả của nền kinh tế khó khăn, lạm phát mặc dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao, các DN thiếu vốn và không tiếp cận được vốn, hoặc có nhưng lãi suất quá cao, hàng tồn kho nhiều, doanh thu không thể bù đắp chi phí.

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) phải co hẹp sản xuất, thậm chí ngừng hoạt động không chỉ do lãi suất quá cao mà còn do sức mua của thị trường quá thấp, hàng hóa làm ra không bán được. Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, giải được bài toán hàng tồn kho sẽ là chìa khóa để giải quyết các khó khăn, vướng mắc khác bởi lẽ chỉ khi hàng hóa sản xuất ra được lưu thông, quay vòng hàng, vốn đều đặn thì DN mới có thể phát huy hết công suất, có lợi nhuận để bù đắp các chi phí đầu vào, trong đó có chi phí lãi suất.

DN phải co hẹp sản xuất vì lượng hàng tồn kho tăng mạnh

Tính đến hết quý I-2012, nguyên liệu chính của ngành vật liệu xây dựng như thép, xi măng, gạch đều ế ẩm. Sức tiêu thụ giảm, lượng tồn kho đến mức báo động, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc giảm công suất của các nhà máy. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng tồn kho của thép tăng 59,1% so với cùng kỳ năm trước do các công trình xây dựng trong nước chậm tiến độ hoặc bị đình hoãn...

Ngành xi măng cũng có lượng tồn kho nhiều và có vẻ bất lợi hơn cả thép khi đây là mặt hàng không thể để lâu. Lượng xi măng sản xuất của toàn ngành trong quý I-2012 là 12,1 triệu tấn, nhưng có đến gần 2 triệu tấn sản phẩm tồn kho. Tình hình của ngành sản xuất gạch ốp lát cũng không có gì khả quan hơn, khi theo thống kê của Hiệp hội Gốm sứ xây dựng, lượng tồn kho gạch ốp lát đã vượt trên 30 triệu m2, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng.

Nhóm ngành vật liệu xây dựng như sắt, thép đứng đầu bảng trong danh sách hàng tồn kho.

Ngoài nhóm ngành vật liệu xây dựng, tồn kho trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng chiếm tỷ trọng khá cao. Tại Hà Nội,  nhiều siêu thị điện máy đang có mức tồn kho lên tới 300 tỷ đồng. Các siêu thị đã phải dùng “chiêu” thế chấp hàng tồn kho để vay vốn ngân hàng, nhằm duy trì hoạt động. Theo ước tính của một số DN phân phối hàng tiêu dùng có quy mô lớn tại Hà Nội và TP HCM thì các loại mặt hàng như rượu-bia-nước giải khát, bánh kẹo… cũng có mức tiêu thụ giảm khoảng 20-30% so với cùng kỳ 2011.

Cần sự can thiệp của Nhà nước

Theo các chuyên gia kinh tế, với một nền sản xuất bình thường, chỉ số tồn kho tăng khoảng 12 đến 15% so với cùng kỳ là hợp lý, nhưng trong thời điểm này, chỉ số tồn kho tăng cao tới gần 35% là điều bất thường đối với nền kinh tế.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: Việc hàng hóa tồn kho là hệ quả của nền kinh tế khó khăn, lạm phát mặc dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao, các DN thiếu vốn và không tiếp cận được vốn, hoặc có nhưng lãi suất quá cao, hàng tồn kho nhiều, doanh thu không thể bù đắp chi phí.

Ở một góc độ khác, TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu KT-XH Hà Nội lại khẳng định: Lượng hàng tồn kho cao bất thường có nguyên nhân từ bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn cũng như sức tiêu thụ trong nước giảm.

Song bên cạnh đó, có cả nguyên nhân chủ quan từ phía DN, đó là sức cạnh tranh của hàng hóa có vấn đề như chất lượng kém hơn so với hàng ngoại nhập trong khi giá lại cao hơn vì DN bỏ ra chi phí sản xuất cao. Trong đó, việc đội giá thành của sản phẩm bắt nguồn từ việc lãi suất cao cũng như các chi phí trung gian quá lớn…

Đề xuất giải pháp gỡ khó cho DN trong việc giảm bớt gánh nặng từ hàng tồn kho, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: Về phía Nhà nước cũng như ngân hàng, phải giúp DN giải quyết 3 gánh nặng. Thứ nhất là giảm lãi suất, thứ hai là giảm, bỏ bớt các nghĩa vụ tài chính như thuế, chi phí trung gian bôi trơn… và thứ 3 là giảm bớt các thủ tục hành chính.

Còn về phía các DN, cần phải chủ động tăng cường công tác quảng bá sản phẩm, cân nhắc để giảm giá thấp nhất có thể, đồng thời năng động tìm thị trường mới, có thể là thị trường xuất khẩu hoặc những địa bàn mà sản phẩm của họ chưa tiếp cận được.

Còn TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thì đề xuất: Nhà nước cũng cần có những chính sách như không tăng giá các loại nguyên liệu đầu vào gây sốc cho DN, từng bước giảm lãi suất cho vay… Có như thế, DN mới có thể nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cả về chất lượng lẫn giá cả trên thị trường nội địa và xuất khẩu

L.Thúy - H.Thanh
.
.
.