Doanh nghiệp kêu trời với quy định điện giờ cao điểm

Thứ Hai, 30/03/2009, 14:57
Thông tư 05/2009/TT-BCT ngày 26/2/2009 của Bộ Công thương (hướng dẫn thực hiện giá bán điện mới…) quy định giờ cao điểm mới từ 9h30' đến 11h30'. Với quy định này, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất không đồng tình vì cho rằng quy định này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đang vất vả với tình hình kinh tế khó khăn chung, nay lại phải gánh thêm khoản phí bất hợp lý của ngành điện, điều này đã đẩy doanh nghiệp rơi vào tình trạng ngày càng khốn đốn.

Bà Lê Thị Tú Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh Lâm Sơn cho rằng: Tất cả các doanh nghiệp sản xuất đều bắt đầu ca ngày làm việc từ 8h đến 17h, vì vậy với quy định này thì công ty không thể cho công nhân và máy móc vận hành được 90 phút rồi cho nghỉ  2 tiếng đồng hồ để tránh giờ cao điểm. Việc làm này đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Ông Đỗ Phước Tống - Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, kiêm Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - Điện TP  Hồ Chí Minh cũng phản ứng quyết liệt: Trong biểu tăng giá điện mới cho các doanh nghiệp không hề nói đến việc thay đổi giờ cao điểm. Tôi cũng đã đi hỏi các doanh nghiệp trong Hội, thì hơn một nửa số doanh nghiệp ngỡ ngàng không biết việc thay đổi điện giờ cao điểm. Đến khi doanh nghiệp biết rồi đi kiểm tra thì hỡi ôi đồng hồ mới đã thay rồi, mà cả lãnh đạo công ty cũng không hề biết.

Bức xúc nhiều nhất là các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Nhị Xuân vì doanh nghiệp đã bỏ tiền ra mua điện nhưng lại nhận sản phẩm vô cùng kém chất lượng. Đó là khi doanh nghiệp đang trong quá trình vận hành máy móc sản xuất nhưng điện thì chập chờn, cúp nhiều lần trong ngày mà doanh nghiệp không được báo trước. Có ngày điện cúp đến 6 lần đã làm sản phẩm hư hỏng, thiệt hại cho doanh nghiệp. Với trường hợp như vậy không thấy điện lực xem xét, bồi thường mà lại đem đổ lỗi cho sự cố kỹ thuật.

Về vấn đề này, ông Thái Văn Re - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho rằng: Chúng ta có thể chia sẻ với ngành điện về các lý do kỹ thuật được đưa ra mỗi khi có sự cố cúp điện. Nhưng hậu quả kinh tế xảy ra sau đó đối với doanh nghiệp thì ngành điện cũng phải có trách nhiệm.

Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất sử dụng điện theo đồng hồ điện tử 3 giá (giờ bình thường, cao điểm, thấp điểm) rất bức xúc quy định này và cho rằng, việc áp dụng giờ cao điểm là cách mà ngành điện lấy thêm tiền của doanh nghiệp một cách hợp pháp. Như vậy, một ngày doanh nghiệp sản xuất 8 giờ đồng hồ lại phải trả tiền điện cho hơn 10 giờ. Chính phủ đã ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất nên việc tăng giá điện cho khu vực này chỉ 7% so với mức bình quân chung là 8,92%. Nhưng với cách tính giờ cao điểm mới thì tính ra giá điện tăng đến 30%. Đây là gánh nặng vô lý mà doanh nghiệp phải gồng mình chi trả.

Trước chi phí cho là bất hợp lý của ngành điện, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng cần xem xét, hủy bỏ việc áp dụng giờ cao điểm mới. Đồng tình với bức xúc của nhiều doanh nghiệp, bà Quách Tố Dung - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Sở Công thương sẽ có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị Bộ Công thương xem xét về vấn đề này, đồng thời Sở cũng có báo cáo gửi UBND TP để có văn bản chính thức gửi Bộ Công thương để xem xét, giải quyết khó khăn mà doanh nghiệp hiện đang đối mặt

Thúy Hà
.
.
.