Doanh nghiệp ép giá, nông dân thất thu

Thứ Bảy, 22/07/2006, 09:26

Từ cuối tháng 6/2006, nông dân nuôi cá điêu đứng vì đến thời điểm thu hoạch, doanh nghiệp (DN) không chịu thu mua. Hơn nữa, trong khi giá cá thành phẩm trên thị trường không giảm, các DN trong nước lại "đua nhau" hạ giá, đẩy người nuôi vào thế kẹt.

Trước thực trạng này, Sở Công nghiệp Cần Thơ chủ trì nhiều cuộc họp nhằm tìm ra nguyên nhân. Ông Dương Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi trồng và Chế biến thủy sản Cần Thơ (CFA), bức xúc: "Nông dân nuôi cá tra, cá ba sa đầu tư vốn rất lớn, nuôi đúng quy trình nhưng vẫn bị chèn ép. Một số DN chế biến xuất khẩu cá tra, cá ba sa có dấu hiệu kinh doanh đầu nậu, đầu cơ thao túng thị trường".

Cũng theo ông Dương Tấn Lộc, tình hình giá cá da trơn (cá tra, cá ba sa) trên thị trường không hề biến động. Trong khi đó, sản phẩm cá tra, cá ba sa Việt Nam tiếp tục mở rộng thêm một số thị trường mới nên không có lý do gì giá cá sụt giảm. Sự biến động về giá cá như hiện nay là do khâu chế biến của các nhà máy không đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Cá thành phẩm xuất đi bị trả về, từ đó DN lại "đổ lỗi" cho người nuôi.

Ông Võ Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Cần Thơ cho biết: Sau khi làm việc với 11 DN chế biến trên địa bàn để làm việc cụ thể, nếu có khuất tất, Sở Công nghiệp sẽ xin ý kiến UBND thành phố để đề xuất biện pháp xử lý.

Thế nhưng, ngày 19/7, Sở Công nghiệp Cần Thơ tiếp tục tổ chức cuộc họp với CFA và 11 doanh nghiệp chế biến cá tra trên địa bàn để tìm hiểu nguyên nhân cũng như giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá nhưng chỉ có 5 đại diện DN đến dự nên cuộc họp chỉ nghe những lời "phân trần", không tìm được tiếng nói chung. Đại diện lãnh đạo Sở Công nghiệp Cần Thơ xác nhận, đến thời điểm này còn nhiều DN ký hợp đồng với nông dân nhưng không thu mua cá.

Qua xem xét các hợp đồng mà doanh nghiệp tự soạn thảo, ký với nông dân thì đó như là... lời nói miệng chung chung, không có tính pháp lý. Trong khi nông dân cầm hợp đồng, xem đó như "bùa hộ mệnh", dốc hết tài sản, hoặc cố vay mượn để đầu tư cho ao cá. Khi xảy ra "vướng mắc", đọc lại hợp đồng thì... than ôi! Không có một tí pháp lý nào có lợi cho người nông dân(!).

Nhiều đại biểu và giới báo đài đến dự cuộc họp mong 5 vị đại diện của các DN đến dự, đưa ra nguyên nhân của sự sụt giảm giá cũng như việc "bẻ kèo" của các DN không thu mua cá của nông dân, nhưng cũng chỉ nhận được những lời giải thích lòng vòng không thuyết phục.

Ông Bùi Hữu Trí - Chủ tịch CFA, bức xúc: "Trước khi mua cá của dân, các công ty kiểm tới kiểm lui chứ không phải mua như cá ngoài chợ. Chất lượng có đạt thì anh mới mua, hàng bị trả thuộc về lỗi của DN trong khâu chế biến. Phải chăng có sự gian lận của một vài DN trong buôn bán với nước ngoài dẫn tới tình trạng hàng bị trả về, gây tác động chung? Và các DN hợp đồng mua cá của dân, ông Trí đặt vấn đề: DN lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nông dân để cố tình lừa họ?

Ông Võ Thanh Hùng khuyến cáo: Hiện tại, công suất của các nhà máy đã thừa 50%, các DN nên chú trọng gắn kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư chuyển giao kỹ thuật nuôi cá đúng quy trình. Ông Hùng yêu cầu các DN phải ngồi lại với nông dân để thực hiện các hợp đồng đã ký, không để người dân hoang mang, bức xúc. CFA cần phối hợp với ngành Nông nghiệp định hướng cho nông dân nuôi cá rải vụ, theo quy trình chất lượng cao và ký hợp đồng tiêu thụ rõ ràng với doanh nghiệp…

Còn theo ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam: "Hiện nay, nông dân đã tuân thủ quy trình nuôi, đáp ứng các yêu cầu của nhà máy đặt ra. Người nuôi cá cần ở các DN một chữ "tín" theo hợp đồng đã ký. Các DN không thể vin cớ thị trường khó khăn để kỳ kèo, chèn ép nông dân nuôi cá một cách bừa bãi!?". Ngoài ra, ông Khánh còn bức xúc, đề xuất: Bộ Thủy sản và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm, cụ thể là phải phê phán và có biện pháp xử lý thích hợp đối với các DN không tôn trọng hợp đồng đã ký kết với nông dân

Nam Giao

.
.
.