Doanh nghiệp cần nắm vững luật để tránh bị lừa đảo

Thứ Sáu, 03/04/2009, 09:42
Theo TS Lê Thành Dương, để ngăn chặn hành vi lừa đảo trong kinh doanh, các doanh nghiệp cần mạnh về tổ chức, lãnh đạo công ty phải có năng lực và kiến thức pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật trong tổ chức và hoạt động. Khi ký hợp đồng phải cẩn trọng, đừng bỏ qua các bước thẩm định đối tác cũng như yêu cầu của pháp luật.

Khủng hoảng tài chính xảy ra càng làm gia tăng mức độ rủi ro của doanh nghiệp, đồng thời cũng xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo mới xảy ra tại các doanh nghiệp. Ở nước ta, thời gian gần đây đã liên tục xảy ra nhiều vụ lừa đảo mới với những thủ đoạn hết sức tinh vi…

Tại hội thảo "Giải pháp vượt qua suy thoái và phòng chống rủi ro, lừa đảo trong kinh doanh" diễn ra tại TP Hồ Chí Minh sáng 2/4, ông Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay có hàng ngàn nhóm đi lừa đảo doanh nghiệp dưới hình thức cho vay vốn từ nhiều nguồn vốn như nguồn vốn từ Nga, từ Bộ Tài chính, vốn của Đảng này Đảng kia… Đó là một dạng lừa đảo 100%, doanh nghiệp đừng tin và đừng mất thời gian để tiếp những người này.

Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp "khát" vốn đã "sập bẫy" những người lừa đảo thuộc dạng này. Vì tin là nguồn vốn vay có thật, lại được "đối tác" bồi thêm rằng nguồn vốn này từ các Bộ, ngành trong hoặc ngoài nước bí mật cho các doanh nghiệp vay nên với mong muốn sớm tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, các doanh nghiệp đã sốt sắng bỏ ra chi phí để đưa đón ân nhân ở sân bay, lo tiền khách sạn, ăn chơi, đi lại, tiếp khách…

TS Luật Phạm Văn Chắt - Báo cáo viên chương trình Hội nhập Kinh tế quốc tế Bộ Công thương, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC nhận diện các hành vi lừa đảo phổ biến nhất trong những năm gần đây. Đó là dạng lừa đảo đánh vào lòng tham của doanh nghiệp, HTX còn thiếu thông tin về thị trường, giá cả, pháp luật, thông qua việc chào bán hàng giá rẻ. Điển hình, trong khi giá phân bón Ukraina trên 235 USD/tấn, có không ít doanh nghiệp nhận được giá chào 110 USD/tấn từ những công ty ở Mỹ, nhưng phương thức thanh toán hết sức ngặt nghèo. Theo đó, khi doanh nghiệp mua trả tiền xong, chưa chắc đã có phân bón và khi tìm người bán thì không thấy nữa.

Một dạng lừa đảo khác bằng cách chào bán hàng tốt nhưng lại đánh tráo hàng. Trường hợp này từng xảy ra với doanh nghiệp Việt Nam khi mua thức ăn gia súc, khách Malaysia chào mẫu 90% protein nhưng chỉ giao trấu, cám, trộn với đất cát hoặc khách Ấn Độ chào bán tôm đông lạnh nhưng khi đưa container về Việt Nam mở ra bên trong chứa toàn những khay nước… Hoặc khi mua hàng Việt Nam, biết doanh nghiệp chưa quen và sợ các nguyên tắc chặt chẽ của các quy định thanh toán bằng L/C, doanh nghiệp nước ngoài thường khuyên, rủ rê doanh nghiệp, HTX Việt Nam thanh toán bằng chuyển tiền vì phương thức này rất đơn giản. Theo đó, người mua nhận hàng xong mới trả tiền nên không ít doanh nghiệp, HTX bị ép giá. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận giảm giá để lấy lại tiền.

Ngoài ra, các giao dịch, ký hợp đồng bằng thư điện tử qua Yahoo mail, chat, mạng cũng thường được doanh nghiệp áp dụng. Với phương thức này thường sau khi phía công ty nước ngoài ký hợp đồng xong, lấy được tiền hoặc hàng thì không giao dịch qua hộp mail này nữa. "Bẫy" doanh nghiệp qua việc soạn thảo hợp đồng, khai thác sự non kém về hiểu biết pháp luật quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng nhiều trung gian trong đàm phán, giao kết hợp đồng cũng là những dạng lừa đảo được nhiều doanh nghiệp nước ngoài khai thác…

TS Lê Thành Dương - Viện Kiểm sát phúc thẩm Tối cao tại TP Hồ Chí Minh cho biết, với những vụ án đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh cho thấy,  những thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng chủ yếu là lừa đảo các doanh nghiệp yếu kém và thiếu kiến thức pháp lý. Như vụ án Phạm Văn Phương xảy ra ở Vũng Tàu. Thời điểm ấy, một số doanh nghiệp ở Vũng Tàu trong làm ăn có những sai sót, trong đó có Công ty UDEC. Để bưng bít sai phạm, trong nhiều năm liền, Giám đốc Công ty UDEC đã nhiều lần đưa tiền cho Phương từ 100-400 triệu đồng. Lần cuối, khi Phương nhận 5.000 USD thì bị bắt quả tang.

Hay doanh nghiệp bị lừa đảo do thiếu thẩm định đối tác như vụ án Nguyễn Đức Chi lừa đảo Công ty Lương thực Trà Vinh hơn 5 triệu USD. Một hình thức lừa đảo khác là lợi dụng mối quan hệ như trường hợp Nguyễn Lâm Thái cùng đồng bọn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều công ty trong ngành Bưu điện…

Trước tình trạng trên, để đề phòng, ngăn chặn những hành vi lừa đảo, TS Lê Thành Dương cho rằng, doanh nghiệp cần mạnh về tổ chức, lãnh đạo công ty phải có năng lực và kiến thức pháp luật. Muốn vậy, phải tuyển chọn người có năng lực, phân công đúng khả năng, lãnh đạo phải có trợ lý, tham mưu giỏi, nhất là trợ lý pháp lý. Đồng thời, doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật trong tổ chức và hoạt động. Khi ký hợp đồng phải cẩn trọng, đừng bỏ qua các bước thẩm định đối tác cũng như yêu cầu của pháp luật.

TS Phạm Văn Chắt thì cho rằng, hiện nay trong thương mại quốc tế không chỉ có Luật Quốc gia, mà còn rất nhiều thiết chế pháp lý khác. Nếu doanh nghiệp không nâng trình độ sử dụng những ngoại ngữ phổ dụng thì không những gặp khó khăn trong ký kết hợp đồng, mà còn dễ bị cài bẫy. Doanh nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận mà quên phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu ứng dụng các phương thức thanh toán quốc tế để phòng ngừa rủi ro, lừa đảo trong thương mại quốc tế

Thúy Hà
.
.
.